27 tháng 9, 2017

Trường ca Bến Tre

Tháng 9 năm 1974, sau kỳ thi vượt rào đầy vất vả, chúng tôi mừng vui khôn tả khi thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển lớp 8 được niêm yết nơi bảng tin ở cổng trường cấp 3 Bến Tre. Bởi khi đó cả huyện, thị xã mới có một trường cấp 3 cho nên thi vào được cấp 3 hồi đó có khi còn khó như thi vào đại học bây giờ vậy.
Ngày đầu tiên vào trường, vào lớp đầy bỡ ngỡ bởi thầy mới, bạn mới nhưng rồi mọi bỡ ngỡ cũng dần qua đi theo năm tháng. Lần đầu tiên chúng tôi được học hát, một bài hát về ngôi trường mình đang theo học. Hồi đấy học truyền khẩu nào có được biết mặt mũi bản nhạc, lời bài hát chính xác như thế nào đâu. Ấy vậy mà cũng xong, cũng thuộc nằm lòng để sau này đi theo chúng tôi suốt cùng năm tháng.
Lứa chúng tôi (thế hệ học sinh khóa 1974-1977 trường cấp 3 Bến tre) là thế hệ giao thời giữa chiến tranh và hòa bình. Chúng tôi đã được chứng kiến cảnh khổ đau trong bom rơi, đạn lạc và niềm vui hân hoan khôn xiết khi đất nước thống nhất, hòa bình. Đất nước thay đổi, cuộc sống thay đổi và ngôi trường cũng đổi thay. Chúng tôi là thế hệ học sinh mà đầu vào là trường cấp 3 Bến Tre mà đầu ra lại là trường cấp 3 Phúc Yên ( phải chăng khi đó người ta nghĩ rằng đất nước đã thống nhất, rằng cần đổi mới và không còn cần kết nghĩa 2 tỉnh giữa 2 miền nữa nên trường phải đổi tên?).Sau khóa chúng tôi, Trường được mang tên mới, được chuyển ra địa điểm mới, xây dựng mới khang trang hơn. Các thế hệ sau chúng tôi thời ấy không biết có còn hát tiếp bài ca truyền thống: "trường ca Bến Tre" nữa hay không, hay hát một bài hát mới về ngôi trường cấp3 Phúc Yên? (năm 1997 khi tôi về dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường,  tôi về muộn nên không được tham dự ngay từ đầu.nên tôi không biết trường có tổ chức hát bài "trường ca Bến tre" hay không). Tôi nhớ hình như thầy Huy có sáng tác một bài hát mới về trường cấp 3 Phúc yên, không biết có phải bài hát ấy được học sinh hát thay thế cho bài trường ca Bến Tre không ( có lẽ Lê Tự Minh nhớ vì kết thúc buổi lễ thầy Huy còn gửi tặng riêng Minh 3 bài hát mới sáng tác của thầy).
Người ta nói : "Khi ta ở đất chỉ là đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"  một câu nói thật hay , thật ý nghĩa và đúng tâm trạng của người ra đi..Khi đang còn học, mặc dù vẫn thường hát nhưng chúng tôi vẫn không hiểu hết được ý nghĩa của lời bài Trường ca Bến tre (lời bài ca ra đời cùng giai đoạn lịch sử đất nước đang trải qua mà chúng tôi đang sống)..Nhưng khi ra trường, theo năm, tháng cùng với cuộc sống mưu sinh, lăn lộn, bon chen với cuộc đời để sinh tồn tưởng chừng  lời bài hát hồi học cấp ba thuở nào đã bị chúng tôi  quên đi nhưng cho đến ngày chúng tôi gặp lại nhau thì ra chúng tôi thế hệ học sinh k74-77 vẫn nhớ ra và khi hát lại cảm thấy hết ý nghĩa của bài hát này bởi nó gắn liền với tuổi học trò hồn nhiên trong trẻo nhất.
 Mỗi khi lời bài hát được cất lên : " Một ngày hồng tươi...", chúng tôi có thể mường tượng ra mái trường xưa nơi  có hàng cây Cao Du cổ thụ xanh mát ở cổng trường. Nơi có tiếng máy hòa với tiếng tàu vào ga mà chỉ cần lắng nghe một chút ta có thể nghe thấy tiếng tút... Xịch, xịch. Nơi đằng sau trường là cánh đồng lúa đang thì con gái. Chúng tôi có thể mường tượng ra cảnh học sinh nô nức tựu trường trong một ngày nắng đẹp, đỏ sắc cờ hoa, có tiếng trống trường, có tiếng chim ca, có tiếng máy hòa, có hàng cây xanh thắm. Nó như thực, như mơ, nó chỉ có thể là ở ngôi trường cấp 3 Bến tre  chúng tôi đã học mà không phải là ngôi trường nào khác. Lời bài hát như nhắc nhở chúng tôi về truyền thống cha ông : " Giang sơn này xưa Hùng Vương xây đắp....".  Tình đoàn kết Bắc -Nam son sắt thủy chung: " Ngày nào về Nam.....". Và nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi chúng tôi phải học tập, rèn luyện dưới mái trường này sau này lớn lên phục vụ đất nước: "Đất nước này..." , "Trong hơi ấm mẹ hiền...". Chính vì cảm nhận được lời bài hát, nghĩ suy của người thầy đã sáng tác bài ca riêng cho trường mà chúng tôi  càng cảm thấy vinh dự, tự hào đã được học tập và lớn lên cùng nhau trong ngôi trường ấy. Với niềm tự hào ấy chúng tôi  thế hệ học sinh k74-77 luôn hát vang bài trường ca Bến tre trong mỗi lần gặp nhau ở bất cứ nơi đâu, dù nơi đó ở đồng bằng hay trung du, miền núi. Dù nơi đó ở trên rừng hay dưới biển, đảo xa xôi. Ở trong Nam hay ngoài Bắc.
 TB
* Năm 2012, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường và cũng là ngày trường chính thức trở lại với cái tên Trường THPT Bến tre (theo lời đề nghị của đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre kết nghĩa khi ra thăm  Vĩnh Phúc). chúng tôi lần đầu tiên được tiếp cận với lời bài hát được đăng trong quyển kỷ yếu trường cấp 3 Bến tre - THPT Phúc yên  dưới cái tên " Chào Bến tre" của thày giáo Trịnh An Ninh.


Không biết nhạc sỹ có sửa lại tên và lời bài hát cho đúng thời cuộc không nhưng theo lời bài hát chúng tôi học ngày xưa có 6 chỗ thay đổi  nhưng rõ nhất 2 trong 6 chỗ là lời đoạn 2 . Lời cũ: " Luyện rèn hăng say,theo cờ giải phóng miền nam..." được đổi thành " Luyện rèn hăng say , dựng xây Tổ quốc ngày mai..." hay " gian nan nào cản được bước chân của ta..." được đổi thành " sát cánh cùng luyện rèn trái tim của ta..." chính vì vậy trong khi hát bài này 10cf  hay hát lủng củng giữa lời cũ và mới . có ai biết trả lời hộ cho không ?

* Cũng vì đồng cảm với những bài viết của các bạn 10cf đăng trong  trang blog : Muoicbentre.blogspot.com  mà một bloger (luôn theo dõi hành trình trang blog của 10cf từ đầu khi thành lập cho đến nay) đã tự làm một music về bài hát "Chào Bến Tre"  gửi tặng 10cf nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ra trường. Bài hát được thể hiện bởi tam ca nữ giáo viên công tác tại tỉnh Hà Nam mong các bạn đón nhận, thưởng thức và cho ý kiến về món quà tặng đặc biệt vô cùng quý giá này.