15 tháng 12, 2016

LOAN







Đầu năm học cấp 3, cả lớp 8C mới có 3 đoàn viên bởi với lứa tuổi 14, 15 hồi ấy mới từ cấp II lên cấp III thì việc phấn đấu để trở thành đoàn viên khó lắm. Tuy ít nhưng với số lượng 3 đoàn viên, lớp 8C cũng được thành lập chi đoàn và Loan được cử làm bí thư chi đoàn đầu tiên của lớp.
Nhà Loan ở khu vực Cầu Xây thuộc xã Tân Dân (huyện Kim Anh tỉnh Vĩnh Phú cũ). Đáng lí ra Loan phải về học tại trường cấp III Kim Anh nhưng không hiểu vì sao khu vực đó thời gian ấy lại được ty giáo dục tỉnh Vĩnh Phú cắt về học tại trường cấp III Bến Tre Phúc Yên (Cùng học ở khu vực đó ngoài Loan còn có 4 bạn: Đức "cận" ngay cạnh nhà, Nhàn, Tài và Thực khác xóm).
Do hoạt động sôi nổi ở địa phương nên Loan được địa phương kết nạp đoàn sớm hơn các bạn cùng trang lứa khác. Tuy nhiên do những hoạt động của đoàn trường cấp III xoay quanh việc học tập (khác với môi trường khác). Lấy kết quả học tập làm nhiệm vụ trung tâm cho nên người bí thư chi đoàn ngoài năng nổ trong công tác thì cũng cần phải có học lực khá để có thể làm tấm gương phấn đấu của các bạn trong lớp.Vì vậy sau khi kết nạp được một số bạn học giỏi lại là nam hoạt động sốc vác hơn nên Loan (với sức học trung bình) lùi lại nhường vai trò lãnh đạo đoàn cho những nhân tố mới, sau khi đã hoàn thành sứ mệnh đầu tiên của mình  là tạo nguồn, phát triển đoàn viên ưu tú cho 10cf.
Thời gian không còn làm bí thư chi đoàn nữa Loan vẫn tích cực tham gia các phong trào của lớp trong suốt 3 năm học. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp phổ thông Loan về tham gia công tác tại địa phương cho đến khi lấy chồng, chuyển lên sống ở trên xã Đạo Đức cùng gia đình nhà chồng. Loan có 2 cô con gái, một cháu  đã xây dựng gia đình cho Loan lên chức "Bà", còn một cháu mải phấn đấu theo sự nghiệp giáo dục "trồng người" nên chưa yên bề gia thất. Kể từ khi người chồng bị bạo bệnh mất đi, hơn sáu năm nay mọi công việc gia đình Loan phải một mình gánh vác. Là một người đàn bà chăm chỉ,chịu thương, chịu khó nên tuy vất vả nhưng cuộc sống của gia đình Loan cũng tạm ổn.
Say tàu, say xe ô tô nên Loan ít dám đi đâu xa, dù xuống Hà nội để đi tàu hỏa hay ra cảng hàng không đi máy bay Loan đều phải nhờ con gái dùng xe máy đưa đón .Tuy vậy các hoạt động của 10cf Loan đều tích cực tham gia, các chuyến đi xa của 10cf Loan đều có mặt. Còn nhớ năm 2013, hành trình đầu tiên cùng 10cf đi chơi xa, sau khi ngồi ô tô từ khách sạn bên bờ biển Mĩ Khê Đà Nẵng đến ga cáp treo lên đỉnh Bà Nà, lúc xuống cáp & leo bộ lên chùa Linh Ứng mặt Loan tái nhợt, người nhũn như con chi chi, đi phải tựa vào Hiền "đỏ" để Hiền  dìu  lên đến nơi. Hai mắt nhắm nghiền, không ăn không uống ngồi rũ một góc ấy vậy mà Loan vẫn cố gắng bám theo các bạn đi hết hành trình.
Năm 2016 sang Thái Lan bị hướng dẫn viên dọa đi tàu cao tốc ra đảo tham quan nguy hiểm lắm, những ai bị huyết áp cao, tim mạch, say tàu xe không nên đi. Loan thấy vậy sợ lắm xin ở nhà nhưng sáng hôm sau một phần vì sợ ở nhà một mình nơi đất khách quê người một phần được các bạn động viên nên Loan quyết tâm đi. Lần đó Loan không bị say mà còn đủ sức khỏe tham gia tắm biển trên đảo nữa...







Cuộc đời cũng lắm sự éo le, lần họp lớp trên đỉnh Phan xi phăng 31/7/2016 Loan không tham dự được. Hỏi ra mới biết là sau khi đi Thái Lan về một thời gian Loan bị mệt kéo dài, đi viện khám  thì phát hiện ra trọng bệnh .
Nhập viện, nhưng Loan giấu các bạn (để cho chuyến đi của lớp lên Sa Pa không 1 thoáng buồn). Những "thủ tục" cho chuẩn bị  mổ và nằm điều trị tại bệnh viện K3 Tân triều được tiến hành "bí mật". Trong lớp chỉ có Hoa Mai là người được Loan chia sẻ "có điều kiện". Sau chuyến đi Sa Pa về.thông tin được hé lộ,các bạn 10cf lần lượt đến thăm , động viên Loan .
Hiện nay Loan đã về nhà nhưng vẫn còn phải đều đặn quay lại viên tiếp tục "truyền" theo phác đồ điều trị. Ai cũng cầu mong cho Loan người nữ bí thư chi đoàn đầu tiên của 10cf can đảm, kiên cường chống chọi lại bệnh tật để chiến thắng sống vui sống khỏe cùng con cháu và 10cf.
Tất niên năm nay, gia đình 10C lập kế hoạch tổ chức tại nhà Loan. Thật vui khi tất cả các thành viên trong lớp sẽ có mặt đông đủ "Tiếp" thêm sức mạnh cho Loan vượt qua thử thách của cuộc đời.     

14 tháng 11, 2016

CÔ GIÁO CHỦ NHIỆM

Trong 3 năm học cấp ba, 10cf có vinh dự được 2 cô giáo chủ nhiệm. Cô Nguyễn Ngọc Trâm 2 năm lớp 8, lớp 9 ( 1974-1976) và cô Tạ Chí Dân năm lớp 10 ( 1976-1977).
Ngày 12 tháng 11, thay mặt 10cf, tôi cùng Thanh Hà đến nhà thăm cô đồng thời mời cô đến dự ngày vui họp lớp10c do cô chủ nhiệm  nhân ngày 20 tháng 11. Để chuẩn bị cho ngày gặp mặt, chúng tôi xin phép cô kể cho chúng tôi nghe một số chuyện liên quan đến "sự nghiệp trồng người" của cô để làm tư liệu. Cô đã  vui vẻ nhận lời.

Cô Dân kể: cô sinh năm Canh thìn (1940). Cô nói con gái đứng chữ "canh" thì vất vả và khổ lắm không như con trai ( cô chiêm nghiệm và cũng thấy đúng như vậy). Quê của cô ở Khương Trung, Thanh Trì ( nay là phường Khương Trung quận Thanh xuân, Hà nội, giáp ngay ngã tư sở ). Những năm kháng chiến chống Pháp cô theo Cậu, Mợ ( cách gọi bố mẹ của người Hà nội xưa) tản cư lên tận Yên Bái. Cô nói những kí ức thuở nhỏ vẫn còn hằn rõ nét trong cô, cái thời kì cô còn nhỏ đi mò cua bắt ốc giữa cánh đồng. Ban đêm được thắp sáng bởi ngọn đèn đốt bằng dầu trẩu đựng trong cái đĩa khói mù, tối om tuy vậy mỗi khi máy bay giặc Pháp bay qua thả đèn dù cũng vẫn phải tắt đi. Hòa bình lập lại, cô theo Cậu, Mợ về quê được cho ăn học. Năm 1959 cô vào học trường đại học sư phạm Hà nội ( nay là trường sư phạm I Hà nội). Năm 1962 sau khi thực tập tốt nghiệp tại trường cấp3 Bến Tre, cô tốt nghiệp đại học và được phân về làm giáo viên dạy trường trung cấp sư phạm 7+2 tại Phúc Yên ( khu hồ ăn nước của thị xã bấy giờ) nhưng cô vẫn ở nhờ khu tập thể của giáo viên trường cấp III Bến Tre. Khi còn dạy ở trường Trung cấp sư phạm kỷ niệm của cô thì nhiều lắm nhưng đáng nhớ nhất là lần đi thẩm tra lí lịch học viên vào dịp nghỉ nghỉ hè. Những năm đó tuy còn trẻ, mới ra trường nhưng nhà trường vẫn giao cho cô đi thẩm tra lý lịch một số học viên tại Sóc Sơn. Phương tiện đi lại cá nhân không có, cô phải ra ga Phúc Yên đi tàu về Đông Anh sau đó đi bộ theo quốc lộ 3, ngược lên Phủ lỗ qua Đa Phúc tới Trung Giã vào vùng bán sơn địa, nơi ở của gia đình học viên. Chiều gần tối hôm đó cô mới tới nơi. Rất may cô gặp 2 bác chủ nhà ở nhà. Mới định thần chưa kịp uống nước (vì bác gái lúc này mới xuống bếp đun nước) Cô giật mình tá hỏa khi nghe Bác chủ nhà nói : " Em nó đang cùng vợ đi gặt lúa ngoài đồng" .Cô hoang mang nghĩ không biết đây có phải nhà học viên cần tìm của mình không? vì hồ sơ học viên không ghi "có vợ". Nếu không phải thì đi tìm tiếp ở đâu đây? đôi chân thì đã rã rời vì "cuốc bộ" mà trời thì gần tối rồi. Nhưng rồi cũng may bởi đó chính là nhà học viên mà cô phải thẩm tra. Học viên đã có vợ là bởi vì học viên đã lấy vợ trước khi nhập ngũ, sau khi xuất ngũ về mới đi học tiếp. Tôi trêu cô: sao cô không dùng phanh "nón" bắt xe ô tô để đi nhờ xe có phải nhanh và khỏe hơn không mà lại phải "cuốc bộ" cho vất vả, cô đang còn trẻ mà lại xinh nữa. Cô mà phanh "nón" cú nào chết đứng xe cú ấy ấy chứ. Cô  cười nói : hồi đấy còn trẻ, tay xách túi nên còn ngại ngùng và còn non dại lắm.
 2 năm sau, trường Trung cấp sư phạm 7+2 chuyển lên Lập Thạch, cô xin chuyển trường vì đường về nhà xa quá. Sau khi nghe cô trình bày ông phó ty giáo dục Trọng Trân bảo cô: "tưởng cô quê ở Yên Bái thì cho cô theo trường về quê cho gần nhưng nếu quê ở Hà nội thì thôi, cho về dạy ở trường cấp 3 Trần Phú, Vĩnh Yên nhưng phải dạy môn địa đấy nhé bởi môn sử  trường đã đủ giáo viên rồi". 
Cô nhận quyết định về trường Trần Phú, vào dạy trong Tam Dương  nơi ngày xưa nông dân trồng dưa chuột nhiều lắm( những năm ấy trường Trần phú sơ tán ở 2 nơi : Tam Dương và Yên Lạc). Những năm này do cô còn trẻ lại có trình độ nên cô trúng cử 2 khóa là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Khi cơ cấu để cô ứng cử bầu vào đại biểu quốc hội thì cô từ chối xin rút. Năm 1968 cô được điều chuyển về Trường cấp III Bến Tre lúc đó cô cùng bố mẹ ở nhờ nhà người ông họ hàng gần tại xóm nhà thờ, Kim Tràng bên sông Cà Lồ. Chính vì vậy nên mới có chuyện, khi cô về dạy ở trường cấp III Bến Tre, trong một buổi lên lớp cô nghe thấy có một trò gọi : "Lập ơi Lập, cháu  vào lớp rồi đấy, nhanh nhanh lên". Cô biết cậu học trò kia cố tình trêu cô và Lập - người chú họ nhưng biết làm sao được vì đúng là cháu đang dạy chú mà. 
Cô lấy chồng sinh con, một trai, một gái. Do công việc, chồng cô công tác ở xa, một mình nuôi 2 con nhỏ cùng hai bố mẹ già nên vất vả lắm. Hồi còn ở khu gia đình giáo viên của trường gần ga Phúc Yên, hàng tuần vào ngày thứ 7 hay chủ nhật cô cùng Thầy Nhang cô Thắm đạp xe đạp vào núi Thằn Lằn trong Xuân Hòa quét lá bạch đàn về đun. Bữa nào nhặt được cành bạch đàn khô về làm củi buộc vào gác ba ga xe đạp là sướng lắm. Cũng như bao gia đình giáo viên khác, cô cũng cuốc đất trồng rau tăng gia, trồng mấy khóm mía và mấy khóm chuối nhưng bị lũ học sinh quỷ quái biết nhà cô chỉ có bố mẹ già và con nhỏ nên chúng vào bẻ mía ăn còn trêu ngươi ông bà, lấy súng cao su bắn vào buồng chuối còn xanh Cô biết nhưng không làm gì được vì không có bằng chứng, không bắt được quả tang ( sau này Đức "cận" một thành viên của 10cf trong một buổi trà dư, tửu hậu đã buột miệng  thú nhận có tham gia một trong những phi vụ ấy). Thanh Hà đã kể cho cô lời thú nhận trên của Đức đồng thời tiện thể có ảnh 10cf Thanh Hà lấy ra chỉ cho cô một trong những thủ phạm năm xưa. 
Cô, trò cùng nhắc tới tên các thầy cô năm xưa của trường Bến Tre:Thầy Trịnh An Ninh ( tác giả Trường Ca Bến Tre ) tài năng & đào hoa. Thầy Được dạy hóa người trong Tháp miếu, thầy Nhang dạy toán, cô Thắm dạy nga văn. Thầy Lân dạy văn nhưng đã mất lâu rồi. vợ chồng thầy Huy dạy toán, cô Lan dạy văn nhờ thầy Huy được giải ba về thi sáng tác "Quốc ca mới" nên cả hai được đặc cách đỗ mà không phải học, thi chuyển loại (vì các thầy cô năm xưa học hệ 3 năm, nay chuẩn hóa 4 năm nên phải học thêm 1 năm và phải thi nếu đạt mới được xếp vào hệ lương kỹ sư). Nhân chuyện nhắc đến bác Thưởng đánh trống mà bọn tôi vẫn quen gọi thầy Thưởng, cô Dân cười nói : tuy không dạy nhưng bác Thưởng lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề xách cặp to nhất đến trường nom rất oai vệ.....
Năm 1983, nhà cô chuyển về khu tập thể Thành công nên cô xin chuyển trường về dạy dưới Hà nội. Đầu tiên cô dạy một học kì ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi sau đó chuyển về dạy tại trường cấp 3 Tây sơn ( Nay là trường THPT Quang Trung khi hai trường Tây Sơn và Nguyễn Huệ sát nhập vào làm một) cho đến khi nghỉ hưu. Trường cấp 3 Tây Sơn ( Trường THPT Quang Trung) vẫn mời cô về dự các ngày kỷ niệm trường và ngày nhà giáo Việt nam hàng năm.


Các thế hệ học trò cũ của cô nhiều người đã thành đạt, có người vẫn thường xuyên đến đây thăm và tặng quà cho cô, kể cả lứa học sinh cô dạy từ những năm sáu mươi trên trường cấp III Trần Phú. Cô nói giờ cô đã già, sức đã yếu lại có bệnh nữa nên việc đi lại khó khăn, cô không dám đi đâu xa sợ có vấn đề gì thì con cháu lại khổ. Nhưng nếu đi gần thì cô vẫn đi được bởi tuổi già ăn uống được mấy chỉ sống bằng tinh thần là chính mà thôi. 
Thời gian trôi nhanh đến giờ chúng tôi phải xin phép cô ra về mặc dù vẫn còn muốn nghe cô kể chuyện tiếp. Thôi đành tự nhủ " để dành cho những buổi sau vậy


2 tháng 11, 2016

Những cuộc hội ngộ bất ngờ (2) : ANH & EM

Trước những năm 1975 hiện tượng hai anh em hay hai chị em học cùng một lớp không phải là hiếm bởi tuy chiến tranh loạn lạc nhưng các cụ nhà ta vẫn "Sản xuất" con đàn cháu đống theo kiểu "sòn sòn" năm đôi, lôi thôi năm một. Vì vậy chỉ cần học chậm hay đúp một năm là anh em dễ bề ngồi cùng chung một lớp mà thời đấy có đâu như bây giờ, học kém không đủ điểm tổng kết các môn trên trung bình là đúp, là rớt. Học ra học, chơi ra chơi, kiếm cái giấy khen học sinh tiên tiến còn khó như bắc thang lên hỏi ông Trời huống chi học sinh giỏi. Chứ có đâu như bây giờ, học sinh học lên lớp sáu lại bị trả về lớp một vì tội không viết nổi tên mình. 10cf cũng có 2 cặp đôi như vậy nhưng một cặp đôi 2 chị em là học khác lớp, còn một cặp đôi hai anh em học cùng lớp.
Đầu học kì một năm lớp 8, 10cf đón nhận một cặp đôi 2 anh em Tuấn- Toản chuyển trường từ Yên Bái về. Hai anh em cách nhau gần 2 năm ( anh sinh năm 1959, em sinh đầu năm 1961 trẻ nhất 10cf) mà trông cứ như một cặp song sinh bởi dáng người gầy và nhỏ con. Trước năm 1972, bố mẹ Tuấn - Toản làm ở nhà máy Z123 trong Xuân Hòa, sau bố Tuấn -Toản được điều về nhà máy Z1 nên Tuấn - Toản  đi theo Bố mẹ lên Yên Bái.  Vì lo đường học hành của các con nên bố mẹ Tuấn, Toản  quyết định cho các con về xuôi. Nhà Tuấn - Toản ở khu vực dưới Đại Thịnh, Mê Linh lên trường cấp III Bến tre học khá xa nên sang năm lớp 9 hai anh em lại được bố mẹ chuyển cho đi học trường khác từ đó 10cf bặt tin. (Sau này gặp lại mới biết Tuấn - Toản  chuyển về học tại trường cấp III Xuân Đỉnh Từ liêm, Hà nội.). Được phân vào tổ1 và 2, là con trai nên hai anh em nhanh chóng hòa đồng cùng với các bạn trong ngôi trường mới.
Tuy thời gian chỉ học cùng với nhau một thời gian ngắn  nhưng với tinh thần " Tìm gặp lại bạn xưa đã cùng học chung một lớp" để cùng nhau " ôn Trò, kể nghịch", 10cf đã tìm gặp được Tuấn - Toản sau 40 năm với những hành trình tìm kiếm không ai ngờ tới.
  
Gặp Toản :
Sau ngày 02/4/2016, với sự giúp đỡ nhiệt tình của "người đẹp tây đô" tại Cần thơ, chuyến thăm chớp nhoáng của 10cf trong ngày đối với nhà bạn Lý (một thành viên của 10cf) tại Sóc trăng thành công tốt đẹp ngoài sự mong đợi. Theo lịch trình đã lên trước, ngày 03/4, 10cf có chuyến ghé qua thành phố Hồ Chí Minh trước khi lên máy bay bay ra Hà Nội. Sau một hành trình dài từ bến xe Cần Thơ về bến xe miền tây tp HCM, do tắc đường giờ cao điểm và nhiều lí do khác nên cuộc hẹn giao lưu Hà Nội - Sài Gòn chậm đến gần một tiếng. Trèo lên tầng 2 vào phòng ViP 5 nhà hàng sân vận động quân khu 7 đã thấy ba người đang ngồi đợi bên bàn tiệc. ngoài Hồng Yến lớp A, Kim Liên ( người quen 10c f) còn có một anh chàng nhỏ người, mặc quần bò, áo phông màu nâu, tóc rẽ ngôi giữa. Bắt tay giới thiệu mới chợt thấy ngỡ ngàng. Bạn Toản của 40 năm về trước đây ư? nếu gặp nhau ngoài đường chắc đánh nhau vỡ đầu cũng chẳng nhận ra  nhau nếu như không có người xi nhan trước.Có thể vì lẽ đó mà chàng Trọng Hiền một thành viên của 10cf  công tác ở thành phố gần 30 năm, đơn vị chỉ cách đơn vị của Toản có một bức tường rào mà bao năm không nhận ra nhau.Vui mừng gặp lại nhau, vừa ăn vừa nói chuyện, những bỡ ngỡ ban đầu đã được bỏ qua, những bức tranh ngày học chung trường xưa, lớp cũ đã dần tái hiện: này là các bạn Lý, Nhường... nhỏ con, này là bạn Thắm lớp trưởng, nào chuyện cô giáo chủ nhiệm..... sau 40 năm Toản vẫn còn nhớ nhiều lắm
. Ăn ít, dô nhiều hết 3 bịch bia hainiken lon dài thì Minh Phương vợ của Toản đi dự đám cưới về ghé qua tiếp khách cùng chồng. Hóa ra Minh Phương là con của cán bộ miền nam tập kết ra Bắc, Minh Phương sinh ra lớn lên ở miền bắc. Tuổi thơ từng gắn bó với Hà nội cho đến sau giải phóng miền nam năm 1975 mới theo gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì thế mà mọi người không còn khoảng cách, các câu chuyện trở nên rôm rả và cuộc nhậu đi thêm một bịch bia hainiken nữa.Với khí thế cuộc nhậu, còn thời gian  chờ đợi để 10cf ra sân bay, mọi người rủ nhau mần tiếp tăng hai: hát Karaoke lúc này chàng Hiền và Kim Liên trổ tài Hồng Yến, Minh Phương vừa ngồi nghe, hưởng ứng và tranh thủ chờ đến lượt lướt web

Còn 10cf sau một hồi tham dự lôi Toản ra ngoài tâm sự cho đỡ ồn.
Mải vui nên thời gian trôi nhanh rồi cũng đến giờ ra sân bay mọi người chia tay với lời hẹn ước: cuối tháng 7 hai vợ chồng Toản - Phương sẽ ra Sa Pa họp lớp với 10cf.

Gặp Tuấn 
( Anh trai của Toản ):
Sau ngày gặp Toản được mấy hôm, Thạch báo tin: đã hẹn gặp Tuấn vào ngày 11/4 tại quán Lào bên trong khách sạn Cầu giấy, 10cf khu vực Hà nội sẽ gặp nhau vào ngày đó. Thật mừng sau một thời gian ngắn liền một lúc 10cf đã tìm được 2 anh em Tuấn Toản ở 2 đầu đất nước. Đúng hẹn mọi người dần tụ tập tại nhà hàng Lào, duy chỉ có nàng Thanh Phi mải đi dạy trò trên Xuân Hòa nên khi mọi người đã "dô" được một lúc mới kịp về tham gia.
 Cuộc gặp sau 40 năm thật bất ngờ nhưng thật vui vẻ. Hỏi ra mới biết nhà Tuấn hiện đang ở khu tập thể viện công nghệ khu vực Cổ Nhuế. Không biết bởi lí do gì mà một bên tai của Tuấn hiện nay hơi bị nặng, khó nghe. Tuấn cũng hơi lận đận trong công việc nên nghỉ chế độ sớm. Giao lưu làm quen mọi người Tuấn đã thực sự trở về với 10cf sau 40 năm xa cách

Để ghi nhớ ngày đầu tiên gặp lại nhau sau 40 năm cả nhóm đã chụp chung tấm ảnh lưu niệm với lời hẹn sớm gặp 10cf trên đất cũ trường xưa trước khi chia tay ra về.



LTS: Sau nhiều lần dò hỏi, tìm kiếm của 10cf, 2 anh em Tuấn - Toản đã trở về với mái nhà chung 10cf . Gia đình 10c plus sau một thời gian dài đã dần dần hội tụ đông đủ. Mỗi người, mỗi việc, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng cho đến nay tất cả  mọi thành viên đều mong vun đắp cho tình bạn, tình thân hữu ngày càng gắn kết bền chặt, và phát triển.

21 tháng 10, 2016

KỈ NIỆM ĐẸP




Năm nào cũng vậy 20.11 là tôi lại nhận được nhiều lời chúc mừng,những món quà nhỏ từ gia đình,bạn bè,đồng nghiệp và đặc biệt là từ những HS yêu quý của mình.Đôi khi,tôi cứ tự hỏi:cuộc đời liệu có ưu ái mình quá chăng?

Tôi đi dạy học quả thực là ít ỏi.Ra trường,tôi dạy cấp II Lê Hồng Phong gần 1 năm,sau đó dạy cấp III Bến Tre,tiếp nhận lớp 9B cho đến khi tốt nghiệp phổ thông.Sau này ,tôi có tham gia dạy cao đẳng,dạy chuyên đề cho SĐH...Nhưng dấu ấn về nghề giáo của những năm dạy phổ thông là những năm tháng thật đẹp đẽ,hạnh phúc đặc biệt trong cuộc đời tôi.Giờ đây mỗi khi gặp HS mình,tôi lại được ngập tràn trong tiếng hát,trong ánh mắt của các em với bản hợp ca Tổ quốc tôi.Bài hát gắn với một kỉ niệm đẹp làm tôi nhớ mãi.Có lẽ là vào khoảng cuối năm 1976,lớp 9B của chúng tôi chuẩn bị tiết mục văn nghệ để biểu diến cuối năm học.Tôi bàn với các em và quyết định dựng cho lớp bài Ca ngợi tổ quốc (nhạc và lời Hồ Bắc).Tôi có cái tính:khi thích là làm bằng được.Bây giờ nghĩ lại mới thấy liều: chúng tôi không có đàn,không có người hướng dẫn có kinh nghiệm.Thầy trò chúng tôi miệt mài tập vì chúng tôi đều thích và rất yêu bài hát này.Ngày biểu diễn,tôi đứng dưới lặng nhìn những HS yêu quý của mình.Đặc biệt nữa, là tốp ca nữ của lớp tôi. Ôi,hát hay và xinh đẹp quá. Tôi đứng lẫn trong đám đông thật sung sướng và tự hào nghe các lớp khác bàn tán khen ngợi. Thế rồi bất ngờ đến, nhà trường thông báo: Tiết mục được chọn đi biểu diễn ở Thị xã. Bây giờ thì tôi ngại. Biểu diễn ở trường thì được chứ ra ngoài biểu diễn thì... Anh Trần Bảo biết ý, an ủi: "Yên tâm, để tôi mời anh Huy cùng dựng". May mà anh Huy GV Toán vui vẻ nhận lời. Tôi chia sẻ những khó khăn:Nào là lớp tôi thiếu người, nào là không có đàn, nào là có chỗ còn bị phô mà còn chưa sửa được... Chúng tôi cùng tìm cách uốn nắn lại, tìm thêm HS... Lựa chọn mãi, tôi bỗng nhớ lại tiếng hát đẹp và khỏe của mấy nam sinh 9C. Quyết định được thực hiện ngay, dàn đồng ca của chúng tôi chào đón tốp ca nam 9C hợp lại. Thế là chúng tôi lại cùng miệt mài tập luyện. Rồi cũng đến ngày trình làng. Lần này thì tôi tự tin hơn vì có anh Huy chỉ đạo. Tôi lặng lẽ đứng nép trong đám đông hồi hộp. Tiết mục được giới thiệu, HS yêu quý của tôi lần lượt tiến ra. Ôi, sao tôi lại có một dàn HS đẹp đến như vậy. Tôi lặng nhìn những khuôn mặt ngời sáng - những HS yêu quý của tôi. Đây quả thực không phải là dàn hợp xướng mà tôi từng ngưỡng mộ, cũng không phải những nghệ sĩ nổi tiếng...,mà sao trong tôi rưng rưng.

Các em yêu quý, 40 năm đã qua rồi mà cô không sao quên được cảm giác ấy. Hạnh phúc, sung sướng, tự hào - những từ ấy không đủ để nói lên cái gì đó dần được nhen nhóm ngày qua ngày, thổi bùng lên trong mỗi chúng ta, gắn kết mỗi chúng ta trên con đường đời của mỗi người, của chúng ta. Hãy cùng nhau gìn giữ nhé. Cảm ơn những HS yêu quý của tôi.




22 tháng 9, 2016

Em nhớ mãi phút giây huyền diệu...



Trời sang Thu đã lâu,qua cả rằm Trung thu rồi,thời tiết vẫn oi bức quá.Hai đứa chúng tôi đang có một kế hoạch nhỏThế là hai đứa tìm thấy nhau đã một năm . Lạc nhau 35 năm có lẻ . Sự việc này rất đáng trách một người bạn cùng lớp . Người ấy biết thông tin của cả hai đứa chúng tôi mà không nói ra cho chính hai đứa chúng tôi và các bạn trong lớp biết . Không hiểu lí do vì sao ?!
Một năm trước ! Một ngày chưa nhớ rõ ! Tôi mở FB bằng máy tính , không phải bằng điện thoại ( tôi phải nhờ cậu em họ sang giúp thì mới biết dùng máy tính ) . Hình ảnh đầu tiên mà tôi nhìn thấy trên màn hình là cô bạn GV cùng trường bị ốm , đang nằm viện chán đời ... Tôi chú ý đến các bình luận . Có một cái tên khiến tôi giật mình , thoáng chút hồi hộp! Tôi kích vào cái tên ấy HL...Giáp Bát ...ngoại ngữ ...Phúc Yên ...Bến Tre.Tôi run lên , tay ướt mồ hôi . Tôi cuống cuồng nhắn vào fb " Có phải HL học cùng Xuân , Hoài ở trường TC , con ba K không ? Và tôi như nghẹt thở chờ đợi ...Một dòng chữ hiện lên " Ừ , đúng rồi , HL đây , Xuân ơi !" Tôi gõ vội " Nhắn số điện thoại cho mình để mình gọi cho L. " Thế là sau 35 năm , tôi lại được nghe giọng nói của cô bạn gái thân thiết năm xưa . Vẫn ngọt ngào , vẫn nhẹ nhàng , vẫn như hát , bên kia đầu dây . HL cho tôi địa chỉ . Chúng tôi ở cách nhau chừng 3 cây số đường đất và xa nhau 35 năm thời gian . Tôi nói tiếng được , tiếng mất trong nước mắt . Tôi hẹn HL sáng mai sẽ sang nhà thăm L .Con đường sang nhà bạn tôi quá quen thuộc với tôi từ năm 1986 đến giờ . Thế mà chúng tôi không gặp nhau , có chán không ?! Giáp Nhị ...đây rồi . Số nhà ...đây rồi . Tôi bấm chuông và chờ đợi ...1 phút , 2 phút ...5 phút . Một người PN mặc chiếc váy hoa nhỏ màu hồng nhạt ra mở cửa . Tôi đứng nhìn trân trối . Bạn tôi đây ư ? Sao bạn tôi già thế này ? HL ơi , Xuân đây , tôi luống cuống bước lên bậc cửa , hai đứa ôm chầm lấy nhau , mếu máo . Giá có cái ảnh chụp lúc ấy thì chắc là mỗi khi xem lại , chúng tôi cười cháy nước mắt . Hàng rổ câu hỏi , hàng thúng trách cứ , hàng gánh giãi bày ... cứ thế cho cả buổi sáng . Tôi nhớ như in hình ảnh bạn tôi trong cái ảnh bạn tặng tôi khi tôi chia tay bạn về HN . Một cô bé có khuôn mặt tròn xinh xắn , một bên má có lúm đồng tiền , tóc tết thật điệu ...Bây giờ trước mắt tôi là người PN có khuôn mặt buồn , nhiều nếp nhăn ở mắt , cái lúm đồng tiền đâu mất rồi ? Ôi, tôi quên mất là tôi đã xa HL 35 năm ! Cô gái trong tấm ảnh và người PN này cách nhau 35 năm ! Khoảng thời gian quá dài khiến con người ta thay đổi đến mức khó mà nhận ngay ra được . Thời gian thật nghiệt ngã !... Tôi rảnh rỗi lắm . Tôi sang nhà L thường xuyên . L có 2 cháu nội rất đáng yêu , tôi thích lũ trẻ .
Sau đó mấy hôm . Một cuộc điện thoại - số lạ . Một lời hỏi thăm . Một người bạn mà tôi không thể tưởng tượng nổi . Quá bất ngờ . Tôi nghĩ mãi , đoán già đoán non , không đúng . Người ấy cười và vẫn bí mật với tôi . Tôi gọi điện hỏi Thoa Vinh , tôi chỉ nhớ lơ mơ . Tôi hỏi HL . HL nói cho tôi biết , nhưng tôi vẫn không cải thiện hình ảnh bạn ấy trong trí nhớ của tôi lên chút nào . Băn khoăn . Thắc mắc . Lục tìm trong trí nhớ rối bời . Thất vọng .Chông điện thoại reo . Tôi bắt máy . Giọng nói ấy . " X rảnh những lúc nào ? Buổi trưa thì sao ? Cafe nhé ? Địa chỉ ...". Tôi nhận lời và đến nơi bạn đã chỉ đường . Quả thực là rất lúng túng . Vì nhiều lẽ . Tôi không biết mình đang "được" ghi hình từ lúc xuống xe cho đến lúc gọi bạn ấy để nhận nhau . Tôi bước vào quán . Hơi run nhưng phải liều thôi . Tôi sững lại vài giây , không tin vào mắt mình , dù tôi đang đeo kính . Người bạn đầu tiên tôi gặp lại - trừ HL ra - là người tôi chưa bao giờ nói chuyện khi còn học với nhau thời PT . Bạn ấy đi cùng cả nhóm đến trường nhưng tôi chưa nói chuyện với bạn ấy bao giờ . ( Hồi ấy , nhìn bạn nào tôi cũng sợ , tôi chán thế đấy ) . Vẫn nụ cười ấy , nước da có từng trải hơn , ánh mắt ấm áp , tôi đỡ run một chút thì lại thấy ngượng ngập , chân tay như thừa , mặt mũi nhăn nhó đến nản . Tôi chẳng nhớ chúng tôi nói gì hôm ấy nữa . Quá khứ hay hiện tại đan xen , tai nghe lúc rõ lúc ù . Có lẽ trông tôi lúc ấy phải buồn cười lắm . Ít phút sau , một bạn nữa đến . Tôi càng không nhớ bạn này . Ba chúng tôi nói chuyện , hỏi thăm nhau , nhắc lại quá khứ là chính . Chúng tôi chụp ảnh kỉ niệm ngày vui này . Tôi cứ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác , ngỡ ngàng mà không dám nói .Chúng tôi tạm biệt nhau . Các bạn còn đi làm .Thế là cánh cửa quá khứ đã mở ra ! Tôi hăm hở , háo hức ngược dòng thời gian tìm về với bạn bè của tôi thuở dép nhựa , áo trắng ...Thời mà ta gọi nhau là "cái ..." , hay "con bé ấy ..." thật gần gũi , thật thân thiết " Cái X đâu , gọi nó ..." , "Sao hồi ấy mình không biết con bé ấy nhỉ ? "...
Một năm với bấy nhiêu ngày,phút giây huyền diệu khi gặp lại những người bạn đầu tiên sau 38 năm...Cảm xúc vẫn ngập tràn hạnh phúc,dường như tất cả mới chỉ là ngày hôm qua !

10 tháng 9, 2016

Thăm Thầy Ngọc

Dự định tới thăm thầy Ngọc, thầy giáo dạy văn của trường cấp III Bến Tre năm xưa đã được một số thành viên của 10cf ấp ủ từ lâu nhưng ngặt một nỗi phần thì còn đang mắc bận công tác chưa sắp xếp được thời gian, phần chưa dò hỏi được nhà thầy ở đâu nên cái dự định ấy vẫn mãi chưa thực hiện được.
 Một ngày đầu thu năm 2016, cách ngày khai giảng năm học mới không xa, sau một hồi liên lạc thống nhất 10cf đã có quyết định ngày đến thăm thầy.


18 giờ ngày 07/9/2016,chúng tôi đã có mặt trước cổng nhà thầy tại xóm mới, phường Phúc Thắng thị xã Phúc Yên (gần nơi đầu làng qua một con ngõ). Đây là một ngôi nhà nhỏ, yên bình nép mình bên vườn cây và chậu cảnh râm mát. Đón chúng tôi vào nhà là vợ chồng Cương con trai út của thầy. Chúng tôi vào thăm, thầy đang nằm đó, đâu rồi dáng vẻ của người thầy năm xưa luôn có động tác vung tay xem đồng hồ mà thằng học trò nào cũng muốn bắt trước. Thời gian, thời gian đã mang đi tất cả, lứa học trò năm xưa của thầy nay cũng tóc bạc cả rồi. Thấy mọi người vào, lại nghe nói là học trò cũ tới thăm, thầy vui lắm định cố ngồi dậy nhưng rồi không được đành nằm bắt tay từng đứa học trò một để nghe chúng tự giới thiệu về mình. Theo như Cương  con thầy nói : thầy  năm nay đã 84 tuổi, bị tai biến cách đây hơn 2 năm tưởng đã mất nhưng may mắn còn đến ngày hôm nay. Chính vì vậy khi ra về Thanh phi bảo Linh cảm của Thạch năm xưa đã đúng!


Thầy không muốn nằm trên gường tiếp học sinh, được sự hỗ trợ của Cương và Cô (vợ thầy gọi theo cách xưng hô ngày xưa), Thầy Ngọc ra ngồi ghế ở ngoài hiên để nói chuyện và ngắm học trò của mình.


Thầy có 4 người con, 2 trai, 2 gái, tất cả đều đã có gia đình. Ngày xưa kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng bây giờ đã khá hơn nhiều, các con đều có của ăn của để. Vợ chồng ba người con lớn hiện đang làm ăn sinh sống ở bên Nga, duy chỉ có cậu Cương con trai út ít là làm ăn ở nhà và lo chăm sóc ông bà. 
Nói chuyện với thầy, cô, với Cương về tình hình sức khỏe của thầy, chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện làm ăn râm ran được một lúc đến 19 giờ sau khi xin phép được chụp chung với thầy một kiểu ảnh chúng tôi xin phép ra về.


Thấy chúng tôi về, thầy Ngọc có vẻ buồn bởi sau khi bắt tay từng người và được Cương và chúng tôi đưa vào lại trong giường thầy  nằm quay mặt vào trong. Mặc dù Cương bảo thầy vẫn luôn phải nằm thế nhưng chúng tôi biết thầy cố dấu cảm xúc của mình trước học trò đi mà thôi.

1 tháng 9, 2016

THẦY NGỌC

Mùa hè 2017 cũng là tròn 40 năm ngày tốt nghiệp ra trường của K74-77.Ba năm học cấp 3 & trong đó đặc biệt năm cuối cấp ,chắc chắn cũng để lại trong trái tim mỗi thành viên những kí ức khó phai về tình cảm thầy cô,bạn bè...Nhân dịp tuần lễ khai giảng của năm học mới,Blog 10C family xin đăng lại 1 bài viết để mở đầu cho chuỗi các bài viết tiến tới kỉ niệm 40 năm ngày ra trường , đồng thời chào mừng 55 năm ngày thành lập trường cấp 3 Bến Tre- nơi lưu giữ những kỉ niệm một thời để nhớ của mỗi thành viên K74-77.




Thầy dạy văn lớp 10c năm 77, nhà Thầy ở Làng Mới, phía sau công ty TOYOTA bây giờ, tôi biết vậy nhưng chính xác thì không, Thầy dạy môn học chính, có số giờ lên lớp cao, nhưng có lẽ vì Thầy kiệm lời nên lũ học trò chưa giành cho Thầy sự quan tâm đúng mực. 10c F có ai còn nhớ Thầy không? Tôi còn nhớ Thầy thấp, đậm, trán cao, Thày nghiện thuốc lá .. dáng vẻ Thầy rất lam lũ và rất ít cười; sau mỗi giờ lên lớp Thầy đi về phòng nghỉ giành cho giáo viên và hút thuôc, trống trường điểm Thầy lại có mặt ngay, y như là Thầy chỉ đứng ngay hành lang vậy; tôi chưa thấy khi nào Thầy ngồi lại trong lớp tâm sự cùng học trò, chắc Thầy muốn giành cho lũ học trò một sự tự do thoải mái trong giờ giải lao.
Cuối học kỳ hai, năm học 1977, sau nhiều lần cân nhắc, chắc chiếu cố lắm,Thầy Ngọc chốt lại điểm tổng kết văn của tôi ở 4.5; Nhớ lâu vậy thôi, thực lòng tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng khi nhận kết quả đó, không buồn cũng chẳng hân hoan…..chắc ít có ai lại thờ ơ với kết quả chơi vơi như vậy, với tôi thì lúc đó nghĩ thế là mãn nguyện rồi, tôi đã được rèn luyện thói quen và có kỹ năng chấp nhận kết quả thấp. Từ bé sinh ra tôi vốn đã ít người vồ vập, quan tâm nếu không muốn nói là lạnh nhạt, xa lánh; chỉ trừ những người thân trong gia đình. Trong mười năm 1966-1977, biểu đồ học tập của tôi khi học phổ thông là một đường phẳng dưới nền, có hai lần “sáng loé”, nếu giầu trí tưởng tượng thì hãy tưởng tượng như ngọn nến lắt lay, bùng lên hai lần khi đến đoạn bấc có nước. Lần thứ nhất 1967 khi học lớp 1, chữ viết của tôi khá đẹp nhưng điểm không cao nên không được chọn vào đội thi học sinh giỏi; cuối buổi lên lớp, chuẩn bị nghỉ cuối tuần, tuần tiếp theo nhà trường sẽ lập hội đồng thi học sinh giỏi; cô giáo Hiển hỏi cả lớp : “Có em nào xung phong đi thi học sinh giỏi không”; duy nhất, có một cánh tay thập thò..thế là tôi đi thi “học sinh giỏi” môn văn. Đề bài là : “Tả cảnh sân trường em trong giờ ra chơi”. Có lẽ “ma xó” chỉ điểm không thiếu chi tiết nào trên sân trường nên tôi “ẵm” ngay giải nhất. Hân hoan chẳng được mấy ngày, kết quả học tập của tôi lại về với mức cũ: trên /dưới điểm trung bình. Sau này học lịch sử đến những sự kiện mà khởi nghĩa đã thắng lợi nhưng sau đó lại mất chính quyền ngay thì tôi liên tưởng ngay  đến kết quả học tập của mình: đúng là giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn. Năm 1974, không hiểu tả xung hữu đột thế nào mà hai môn văn và toán của tôi cũng đạt điểm khá cao, kết quả thi tốt nghiệp đủ để được nhận thẳng vào lớp 8, không cần qua thi đầu vào; bạn bè nhìn tôi bái phục; Bố tôi thưởng ngay cho ba tháng hè nghỉ hẳn chuyện học tập và gửi đến một đội sản xuát của Nông trường Tô Hiệu, cho làm quen với lao động chân tay. Sau ba tháng hè, về đi học thì tôi chẳng còn tý kiến thức nào trong đầu và lại lọt vào danh sách “chăm sóc đặc biệt” của nhà trường. Năm 1975, chuyển về học ở trường Bến Tre, do được phụ huynh trao đổi trước nên cô Trâm xếp cho tôi ngồi giữa Mai và Hải, tưởng rằng thằng bé “nên người” ngay nhưng ngờ đâu kết quả lại ngày càng thê thảm. Có lẽ lúc đầu cô Trâm tưởng hai bạn sẽ giúp tôi khi học tập và làm bài kiểm tra, nhưng cô có biết đâu “chúng” săm soi, ghi sổ các tội “con kiến” của tôi và mỗi lần kiểm tra thì tay che, tay viết, chẳng cho tôi một cơ hội sao chép nào, thật là “gửi trứng cho ac”. Thôi, đành lòng vậy, cầm lòng vây; chẳng ai người ta có nghĩa vụ phải yêu quý mình cả, kệ thôi, ghét họ cũng chẳng được gì thì …..vậy, để cho có quan điểm và thể hiện bản lĩnh…
Bố tôi, một con người năng nổ, tiếng nói của Ông một thời có trọng lượng trong Tỉnh, là người giám nghĩ giám làm; hết mực thương con, và biết được trước những gì chúng sẽ gặp phải. Năm 1975, Ông chuyển mẹ con chúng tôi về quê, một mình ở lại Sơn La tiếp tục công tác; sau này, tôi mới biết đến từ “bất đồng quan điểm”. Mỹ miều thế thôi chứ trong tổ chức nào cũng nảy sinh những mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn một cách quyết liêt; tất nhiên cái gì đến nó phải đến, chỉ có điều là do biết trước đường đi của tôi nên Ông cố ở lại , chịu đựng thêm ba năm nữa, đẩy được tôi vào trường đại học rồi Ông mới làm đơn nghỉ sớm và ba-lô, túi nải về quê. Rời chốn quan trường về nhà buồn lắm, lúc ấy Ông mới 57 tuổi, Ông ủ rũ hàng tuần, rồi cũng tự tìm ra nguồn vui cho bản thân, đồng thời đó cũng là kế sinh nhai cho cuộc sống hiện tại. Có lẽ do trước kia Ông phụ trách về Nông nghiệp trong Tỉnh nên Ông thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, tức là “Ưu tiên Nông nghiệp một cách hợp lý”. Chỉ sau vài tháng chuẩn bị, bẵng đi một thời gian, đã thấy đàn lợn con lăn lóc trong chuồng. Bố mẹ tôi đã quyết định nuôi lợn nái và tham gia hội chăn nuôi khu vực Phúc Yên. Một hôm, từ trường về nghỉ cuối tuần, qua cổng, tôi thấy trong sân có hai xe đạp cũ (nhìn kỹ, không thấy có xe Favourit), tôi đi thẳng xuống bếp, Mẹ tôi đang lúi húi nấu cám, hỏi ai đang ngồi với bố, mẹ tôi bảo có chú Ngọc, tổ trưởng hội chăn nuôi, đưa thú ý đến chữa cho đàn lợn. Chết thật! người ốm còn được chứ lợn ốm thì gay quá, cả nhà trông vào con lợn nái. Tôi ra ngay chuồng lợn, thấy “Nàng” đang khó nhọc thở, nhìn tôi lơ đãng. Tôi cảm thấy buồn nẫu ruột, chẳng là Bố tôi bảo: xuất lứa này sẽ mua cho tôi cái xe đạp Thống nhất để đi học cho chủ động… gay quá, chắc lại lỡ kế hoạch rồi. Lên nhà trên, chào Bố và khách của Bố, thoáng giật mình, hình như Thầy Ngọc dạy văn, rất nhanh tôi chào hai chú và Bố xong lại quay xuống bếp; băn khoăn mãi, sao Thầy mình lại tham gia hội chăn nuôi? Thầy phải thanh cao lắm cơ mà? Và tôi cũng coi như thầy trò chưa hề quen biết, không hiểu Thầy có nhận ra tôi không? tôi cố lảng tránh Thầy, tôi sợ phải động trạm đến điểm trung bình dưới năm hay tôi sợ phải nhìn thấy một sự thật là Thầy mà cũng phải nuôi lợn, Thầy chỉ dạy tôi thôi chứ sao thầy lại dạy cả lợn; thế ra tôi cũng bằng…… ah? Tôi không nghĩ là nuôi lợn cũng chỉ là một công việc bình thường và đáng trân trọng như bao việc khác. Lúc đó, tôi chấp nhận là Bố mẹ tôi nuôi lợn là để mưu sinh, để nuôi chúng tôi ăn học, nhưng tôi lại không giám chấp nhận Thầy cũng phải mưu sinh và nuôi các em ăn học; Tôi chưa nhận thức được: lên lớp là một nghề và nuôi lợn cũng là một nghề, tất cả đều đòi hỏi hiểu biết và nhiệt tình như nhau; tôi vẫn coi nuôi lợn là một đẳng cấp thấp trong xã hội, Tôi không giám thừa nhận Thầy là “Nhà nuôi lợn”, lúc đó tôi có cảm giác là “nhà nông” có khi được xếp hàng cao hơn là “nhà nuôi lợn”, khi về hưu thì chỉ quanh quẩn với mảnh vườn trồng hoa , vuông ao thả cá nhìn vào thấy thanh cao làm sao. Hồi đó tôi chưa biết gì về đầu tư, vốn ban đầu và doanh thu, lãi xuất. Tôi vẫn giữ suy nghĩ: Vinh dự nhất là Bộ đội, tiếp đến là Giáo viên, Bác sỹ, tiếp theo là Công nhân, sau nữa là Nông dân… và nuôi lợn là không xếp hạng (lúc đó bộ máy Công an còn sơ khai, thương nhân lại còn chưa được công nhận, chỉ được ám chỉ miệt thị là “con phe”). Sau này, khi đất nước thực hiện “chính sách mở cửa”, người ta nhìn lại lịch sử có những chuyện cười rơi nước mắt. Lúc đó, tôi mới thấy sự ấu trĩ của một thời chưa xa, một thời mà nhiều người coi thường lao động chân tay, làm gì lam lũ cũng lo bị coi thường. Người ta kể rằng một lần, đội quy tắc khu phố đến lập biên bản: “Giáo sư Văn Như Cương nuôi lợn trên tầng bốn khu tập thể…..” Ông rứt khoát không ký biên bản và yêu cầu đổi lại chủ ngữ mới chấp nhận, tức là “Lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương trên tầng bốn….”, Đọc xong câu chuyện này tôi không thể không cảm phục suy nghĩ rất đời thường của Giáo sư và cũng không thẻ không soi lại suy nghĩ của  mình. Chuẩn mực cuộc sống mà mình suy nghĩ bấy lâu nay đảo lộn hết cả. Con người ta, trước hết phải làm con, làm người rồi mới làm được ông nọ bà kia.. tức là phải tồn tại trước khi phát triển, Phát triển rồi thì mới thấy không con đường nào, nghề nào sang hơn, hèn hơn nghề nào...
                                                                                 Hà nôi, 9.2013

15 tháng 8, 2016

BÀI CA TÌNH BẠN


Phải hẹn hò thì mới có động lực để mà cố gắng.Lời hẹn từ tháng 7/2015 rằng họp lớp 2016 sẽ ở Sapa và sẽ cùng hát trường ca trên nóc nhà ĐÔNG DƯƠNG.Viễn cảnh ấy đã thôi thúc mình và nỗi nhớ mong của mẹ già nơi quê nhà đã cho mình quyết định đặt vé về quê nghỉ hè dù biển chết,dù tình trạng ko an toàn thực phẩm,khí hậu ô nhiễm báo động hàng ngày.
30.31/7 chuyến đi mới thực hiện.9/7 Trường ca Bến tre đã vang lên tại nhà hàng Thúy nga Plaza,nơi tổ chức lễ trưởng thành cho cháu ANNA ANH ,con gái mình.Mừng vui khôn tả với sự có mặt đông đảo của các bạn.Đặc biệt vô cùng cảm ơn Thạch đã đón cô Dân đến cùng.Cô bé nhỏ nhất của thế hệ F1 của 10cf nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bác.Cháu ôm bó hồng đỏ thắm ,tươi cười rạng rỡ,còn mẹ thì cảm động nước mắt trào dâng.
Rồi ko biết bao nhiêu cuộc họp trù bị cho chuyến đi.Nhóm ở Phúc yên,nhóm thì Hà nội,nhóm ở nhà Liên ,nhóm lại nhà Mai.Đặc biệt Tự Minh từ SG gọi điện nói sẽ cho xe đến đón,thế nào cũng phải gặp được nhau vì Minh ko đi SAPA được.Rất hay là mình cũng muốn lên Phúc yên qua thắp hương cho cô Trâm,bởi biết đến hôm đi SAPA sẽ ko kịp thời gian làm việc đó.Mỗi lần gặp nhau là một lần vui mừng hào hứng,những chuyện thời cuộc,chuyện nhân tình thế thái,đất nước quê hương.Nhưng trên hết và cũng vui hơn hết là những kỉ niệm của tuổi học trò,những bài giảng của cô,những giờ đi muộn,những lúc bị gọi lên bảng kiểm tra bài...rồi cười chảy cả nước mắt,rồi tranh nhau nói đến quên cả ăn....v v và v v.
Cái ngày mong đợi cũng đến.Mình cũng vẫn ko ngủ được như trước mọi chuyến đi,dù đi rất nhiều.Dậy từ 4h,tập xong,tắm rửa, làm một bát cơm nguội với muối vừng cho chắc dạ,một tách càfê ba viên thuốc của một ngày.Sau đó thức con gái dậy,mẹ con thay quần áo xong,balô túi xách thùng quà của LINH GIANG và ko quên túi ổi cậu Quyết để phần trong tủ lạnh bảo đem đi mời các bạn,khệ nệ ra cổng đài truyền hình đón xe bác THẠCH.Lần nào về VN đi Phúc yên cũng được Thạch đón đưa.Thế mà ngày xưa chẳng gọi để người ta đèo xe Favorit về trường.Xe qua đón Tấn rồi cả bọn lên Phúc yên.Ko đi đường nội bài.Thạch đưa mình đi qua đường chèm,cho mình nhớ một thời sinh viên đói khổ,nhớ một thời chạy ăn từng bữa cho gia đình,nhớ chợ Yên nhân ,chợ Chèm ,chợ Canh,chợ Diễn.Kỉ niệm lại đưa về nỗi nhớ người cha sáng suốt của Thạch khi mua trang trại ở Phúc yên.Bỗng cảm thấy có gì đó man mác buồn dường như ch́ung mình ko được sáng suốt ,oai hùng bằng thế hệ các cụ.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng.Dù vừa mới gặp nhau mấy hôm trước nhưng vẫn cảm thấy như lâu lắm chưa được gặp.Tíu tít hỏi han xe đâu đợi đâu còn ai thiếu ai.Thế mà vừa đầy một xe,ai vào chỗ nấy.Bạn nào say xe thì ngồi phía trên,còn các bạn nam thì ngồi phía dưới,vợ chồng Minh Hiền kẻ đầu người cuối.Vợ chồng Hùng Thanh đều ngồi tít cuối,chắc là ca sĩ nên chẳng bị say.

Đường cao tốc Hà nội Lào cai đủ dài cho những chuyện tiếu lâm của chàng Đức,cho nỗi nhớ lần đầu được một người con gái cầm tay còn xao xuyến đến tận bây giờ.Thùng măng cụt Huyền Nhung mang từ Cần thơ ra đã được giải quyết xong.Chưa bao giờ mình được ăn măng cụt ngon như thế.Ngọt mát và ko có hột.Chẳng biết có ai ko được ăn ko,mình được ăn cả quả phần con gái vì cháu ko ăn,thật tiếc cho nó.
Ca nhạc cây nhà lá vườn.Mình đặc biệt ấn tượng với bài hát Miền xa thẳm do Hoài Thanh hát.Đúng lúc xe đi vào vùng rừng núi quanh co,mình cảm thấy như bài hát đang gọi linh hồn những anh hùng liệt sĩ ,đã hi sinh từ những miền xa thẳm của đất nước hãy về đây gìn giữ núi sông này.Lần đầu tiên được nghe bài hát này nên mình cũng chưa nghe rõ ca từ lắm,nhưng quả thật giai điệu bài hát thật xúc động.bi thương mà hào hùng.



Bữa cơm nắm muối vừng thật đặc biệt.Tổ hậu cần thật chu đáo,đầy đủ từ cái tăm ngụm nước đến quả dưa,quả táo.Nhưng mình thấy tiếc cho món thịt gà,quá khô và ko hợp tí nào cho một bữa ăn tạm,đánh nhanh thắng nhanh như thế.Xin lỗi các bạn nếu có làm ai phật ý,nhưng mình nghĩ có thể rút kinh nghiệm cho lần sau nên mình mạnh dạn nói

Đường quanh co,ăn no,thấm mệt.Mình thiếp đi lúc nào chẳng biết.Tỉnh ra thì xe tới SAPA.Thật là giấc ngủ đáng giá ngàn vàng.Nhờ thế mà hai mẹ con sẵn sàng lên thăm núi Hàm Rồng với đầy đủ ô dù vì trời bắt đầu lất phất giọt mưa.Đúng là lại một lần tập dượt nữa cho trận chiến đấu ngày mai/sau lần leo Bái đính,đền Trần/.Phong cảnh nơi đây thật là đẹp,nếu đi vào mùa xuân nhưng rặng đào nở hoa thì càng tuyệt vời hơn.Lên cổng trời 1 rồi đến cổng trời 2 rồi sân mây rồi mưa và rồi lạc nhau,rồi ngơ ngác rồi tìm kiếm.Tập hợp,tập hợp để chụp ảnh nào...ôi thiếu nhiều quá,Thọ vừa đây mà ,Thu đâu,Thạch đâu....thôi có ai ở đây thì chụp,nhanh còn xuống kẻo mưa to.Thế ko vào chùa à.Nghe như có tiếng múa sạp đâu đây.Thôi ko kịp đâu,còn về nhận phòng và chuẩn bị chương trình GALA tối nay....Anh chỉ nghe em hát,vang lên giữa rừng cây,anh chỉ nghe tiếng cười vang lên lưng đèo mây mà người đâu chẳng thấy....đành vậy thôi.Thu quân xuống núi.Không kịp rồi,mưa như trút.Con gái rơi mất nắp máy ảnh,bác Thạch bảo phải buộc dây treo luôn vào máy chứ.Cả mẹ và con lần đầu dùng nên đâu có biết điều cơ bản âý.Đúng là mưa rừng mưa núi,xối xả như dội nước,xuống đến chân núi thì trời khô ráo.Lên xe  kiểm tra quân số lại thiếu cái Dung.Quái,nó vừa đi trước tớ mà,hay lại mua quà.Thôi cử một người ở lại đón nó rồi bắt tắc xi về.Tên khách sạn là gì,Hiền đâu,Hiền đâu.Thôi đây rồi,Dung đây rồi.Về khách sạn,ngấm mưa thế này là dễ ốm lắm đây.Phải tìm chỗ tắm thuốc người Dao thôi/cám ơn LGđã phím trước cho mình/.


Đây rồi Khách sạn Biển mây.Chuyển hết đồ trên xe vào lễ tân nhé.Phát luôn áo đồng phục tại lễ tân và mặc cho buổi tối nay luôn nhé.May tớ thay luôn được cái áo ướt ra.Nhận phòng xong rủ được Nhàn nữa 2đứa đi tắm thuốc,con gái và Thọ nghỉ tại phòng.Hai bác cháu được buổi tâm sự riêng chắc là thú vị.Còn mình và Nhàn cũng thật sảng khoái.Đặc biệt đôi chân gần như bình phục hoàn toàn.Hơn hẳn mátxa dạo 5€ của mấy cô Tàu ở Barcelona.


GALADINER thật vui,thật náo nhiệt.Không phải là văn nghệ cây nhà là vườn nữa mà là đoàn văn công thực sự của 10cf,của thị xã,ko ,thành phố Phúc yên lên Sapa biểu diễn với đầy đủ loa đài và dàn diễn viên xinh đẹp.Quên hết cả mệt nhọc trong hành trình suốt một ngày dài,quên cả ngày mai còn chinh phục Fansipan.Hát nhảy,thay trang phục,đi chợ tình,giao lưu với đoàn bạn...Dòng thác của tình bạn cứ cuốn mình đi,cuốn đi,ko muốn dừng lại,giá như đêm nay dài ra mãi,để mình còn đi ăn ngô nướng,để mình còn đi uống càfê,để mình còn đi chụp ảnh với nhóm này nhóm kia...nhưng đôi giày cao gót đã hại mình,chân bắt đầu đau,nó nhắc mình ngày sau rất quan trọng.Phải hát được trường ca trên đỉnh.Các bạn cũng chiều mình nên cùng về phòng nghỉ.

Đêm Sa pa cũng ko lạnh như mọi người cảnh báo.Mình và Thọ dậy sớm đón bình minh Sapa và tranh thủ chụp ảnh.Lại có quà nữa,một chiếc áo cách tân rất đẹp rất vừa với ANNA ANH.Con gái mình cảm động sao các bác yêu con thế hả mẹ,sao các bác cho con nhiều quà thế hả mẹ.Vì sao ư.Vì con đáng yêu,vì con là con mẹ,con út ít của 10cf,vì con ở xa về và mọi người muốn con luôn nhớ về quê hương.Cảm ơn cô Hiền,cảm ơn các cô các bác đã cho cháu cảm nhận được tình bạn thủa thiếu thời của mẹ như thế nào cho đến hôm nay.

 

Khẩn trương đi ăn sáng rồi lên đường.Ra chụp ảnh đã mọi người ơi.Kia kìa,đỉnh Fansipan kia kìa.ngọn duy nhất có nhà cửa công trình ấy.Bé tí tẹo thế kia thôi á.Ừcó tí tẹo ở đây nhưng lên tới nơi thì mới thấy nó đồ sộ thế nào.Nên nhớ là cách đây hơn 3000m nhé.Nhầm,cách mặt biển chứ.Nhầm cao hơn 3000mso với mặt biển...hihi tóm lại là cứ phải cãi nhau một tí trao đổi bài một tí .


Thác Bạc,xe dừng,tham quan thác bạc,tập trung chụp ảnh.Có đủ mặt chưa nhỉ,cũng chẳng biết được nữa.Chắc là đủ cả,chỉ lúc lên xe ko thấy Hội đâu.Hóa ra cô nàng còn mua rau mua mận.Rau thật ngon và mận thật giòn hơn hẳn đồ mua sau này dưới chợ.Nhưng vẫn bị mắng vì tội lang thang ko chịu theo đoàn.


Qua đèo Ô QUY HỒ xe ko quay đầu được ban tổ chức thì lo,mình thì lại thấy may vì có dịp được chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ của miền Tây bắc.


Rồi cả đoàn trong ca bin lên cáp treo.Tha hồ ngắm nhìn núi non trùng điệp.Rồi có một lúc cáp treo bị dừng ,chẳng ai hỏi rằng tại sao lại thế,cứ tận hưởng cảm giác được lơ lửng giữa lưng trời,chẳng hiểu sao ko ai nghĩ đến hát trường ca lúc ấy,kể ra cũng hay chứ.


Cuộc chinh phục 639 bậc bắt đầu.Có đúng ko nhỉ.Ban đầu mình cũng định đếm,nhưng vừa đi vừa nói chuyện nên cũng quên luôn,ban đầu con gái còn đi cùng một bên,sau rồi chắc yên tâm có bác Hà đi cùng mẹ nên nó nhanh chân đi trước/cô nàng cũng đang háo hức mà/.Ban đầu còn hít sâu vào và thở ra từ từ,sau thì tức ngực hít hết sức vẫn cảm thấy chưa đủ ôxi.Cứ bình tĩnh,dừng lại một lát rồi leo tiếp.Cậu tìm cái gì.Cái cán để lát nữa cắm vào lá cờ.Chợt nhớ/Ngày mai mày mang cờ đấy nhé.ừ tao nhớ rồi/.Mới đấy mà đã hơn 40 năm.
   
Cán đích.
Con gái đâu,kia rồi.Đông người quá.Thôi đứng tạm chỗ này nghỉ tí đã,tớ đi tập hợp mọi người.Nếu ko hát được cả bài thì hát một đoạn thôi cũng được.Trong đầu tên này chỉ nghĩ đến chuyện hát cho được bài trường ca trên nóc nhà Đông dương.Mình lấy điện thoại gọi cho LG.sao ko nghe máy đi.Thôi rồi.Số cũ rồi.
    .Lên đây đi.
    Ok.
  Cứ đứng dồn dần vào thì mới chiếm được đủ chỗ để cả lớp cùng hát và quay phim được.Nào đứng vào đây...hai ba.Một ngày hồng tươi....
hết đoạn một...tiếp tục....ngày nào về Nam....hát vang trời chào Bến tre.SUNG SƯỚNG VỠ ÒA ,THỎA MÃN.

Lên đỉnh là thế đấy.NƯỚC MẮT TUÔN TRÀN.Vì sao.Không biết.Cười mà nước mắt tuôn rơi.
những ánh mắt ngưỡng mộ của khán giả.vâng phải gọi họ là khán giả xem tập thể 10cf biểu diễn bài hát của thời học sinh.
Giờ thì chụp ảnh nào,chụp riêng ,chụp chung,chụp đôi,chụp ba...các kiểu.
 

Khẩn trương xuống núi,gọi điện về cho các bạn ở nhà làm thủ tục trả phòng.Ôi còn cái phông đem lên chưa kịp căng ra.ko kịp rồi,ko kiếm được chỗ nữa,thôi xuống chỗ sân chùa vậy.


Chân mình có vấn đề.Chân trái ko đau ko co lại được nên phải xuống từng bậc một.Ba nàng kiều nữ tổ 2 dìu nhau xuống núi.Đúng là tổ 2 chỉ còn 3nữ này thôi.Hội khỏe nhất tháo giày đi chân đất.Thu một bên và Thắm một bên.Mày cứ niệm nam mô a di đà phật đi là sẽ hết đau chân,hết mệt.Sang bên kia có đũa tre ko,ko có thì cầm sang.11 chiếc đũa con đập vào tay mỗi ngày 50 chiếc,11chiếc đũa cả đập vào chân mỗi ngày 50 chiếc cho máu lưu thông là khỏi hết ko đau đớn gì...bỗng nhiên mình nhớ đến bầm mình,với những lời dặn dò của bà ,với những kinh nghiệm sống của bà chỉ dạy cho mình.Hội ơi,sao mày giống bầm tao ngày xưa thế.những niềm tin rất ngây thơ,mộc mạc,chân thành.Con Hồng anh chảy máu cam thế là phải cho nó uống sắn dây,mai tao gửi xuống cho,cả rượu hạt gấc nữa để mà bóp chân,cứ xoa rượu vào,bóp đến lúc nào thấy dính tay,thấy ấm chân thì thôi,mai lại xoa tiếp,nhanh khỏi lắm,nhưng rượu ấy ko được uống nhé.Cám ơn Hội nhờ có rượu gấc của cậu mà chân tớ mau khỏi.
Đây rồi,nào đứng vào đây chụp ảnh xuống núi an toàn,mừng chuyến đi thành công rực rỡ.Hóa ra 3 đứa là những người cuối cùng xuống núi.Lại nhớ giờ chạy 800m của thầy Nho.Mình và Thu đi về đến lớp cuối cùng nhưng vẫn được cả lớp vỗ tay hoan hô và thầy tuyên dương là ko bỏ cuộc và ko gian lận nhảy lên xe đạp của người đi chợ.

Mở rượu chúc mừng.123zô....23zô....23uống.hơi rượu lan tỏa ấm nồng máu chảy nhanh hơn,cảm giác thật nhẹ nhõm.Bỗng nhớ đến món PHÚC LẠC DƯỢC trong HARRY PORTER.Tình bạn như là PHÚC LẠC DƯỢC vậy,nó nâng đỡ tinh thần mình nó động viên cuốn mình đi cho mình vượt qua được cả chính mình.


  
Niềm vui,niềm tự hào hiện rõ trên gương mặt của tất cả mọi người,một sự nuối tiếc ko nhỏ cho những ai ko lên đỉnh được hôm ấy.Bữa cơm trưa hôm ấy sao mà ngon thế.

Còn cơm cháy Ninh bình làm sao.Yên tâm đi,cái ngon để lại sau,còn chặng đường cao tốc ko ngắn đâu.
Chỉ còn mấy tiếng nữa thôi là xa nhau rồi.Ngày mai chỉ còn một ngày để chuẩn bị hành lí,ngày kia bay rồi.Ngồi với mỗi bạn một tí,lại kể tội mình ngày xưa.Rồi cười chảy cả nước mắt.ÔI tớ như thế thật ư.Mỹ linh hát quốc ca một mình còn bị ném đá như thế,nếu ai thu âm được mà giờ phát lên thì chắc tớ chết mất.May thế.
Liên hoan chia tay các bạn ở xa.Đức Bình người đến phút cuối ko đi Sapa được lại phải lo đặt cỗ bàn đón đoàn về.Anh Thuật chồng Xuân Thu phóng xe đến gửi quà biếu mẹ mình và cô Dân rồi đi ngay làm mình chẳng kịp nói lời cảm ơn.Các bạn thật chu đáo,các bạn thật tình cảm và các bạn luôn ưu tiên cho mình.Chắc tại mình ở xa quá,ít được sum vầy cùng các bạn.

Cuối cùng,mình muốn nói đôi điều với các bạn là dâu,là rể của 10cf chúng mình.
Các bạn ạ,các bạn là những người đã chiến thắng chúng tôi trong cuộc chinh phục những chàng trai ,cô gái của 10cf năm xưa.Hồi ấy chúng tôi quá ngây thơ và ngốc nghếch để tình yêu vỗ cánh bay đi.Còn giờ đây chúng tôi có đủ thông minh và bản lĩnh để giữ cho tình bạn của chúng tôi mãi mãi sáng trong và vun đắp cho hạnh phúc của bạn mình.Chúng tôi tự hào về tình bạn của chúng tôi và chúng tôi mừng cho hạnh phúc của các bạn.