30 tháng 12, 2015

GIÁNG SINH

 
Thấm thoắt vậy mà đã giáng sinh thứ 10 trên nước ĐỨC của mình.Giáng sinh năm nay gia đình mình quyết định sang thăm gia đình cậu em ở Ba lan
5h37 lên tàu từ PIRNA,sau 2 lần đổi tàu ở DRESDEN và BERLIN,15h15 tàu đến WARZSAWA.Tuyến đường này mình đi lại đã nhiều lần,nhưng mỗi lần qua lại thấy Balan đẹp hơn,khang trang hơn,sạch sẽ hơn từ khi gia nhập EU.
Vào nhà,mọi người đang rộn ràng làm cỗ mừng giáng sinh.Cây thông Nôen đầy ắp quà,dự báo một năm mới nhiều may mắn.
Cỗ giáng sinh nhà cậu là một sự tổng hợp  các món ăn truyền thống trong tiệc giáng sinh của các nước.Trước hết là món Việt,vì toàn người gốc Việt và nói tiếng Việt mà,nộm thịt bê hoa chuối,xôi lúa và miến lươn.Thứ hai là món cá.Người Balan có phong tục ăn cá chép vào đêm chúa giáng sinh.Trước 24h ngày 24/12 ko được phép ăn thịt.Tuy nhiên nhà cậu cách điệu một chút,thay vào cá chép lại là cá hồi ăn gỏi theo kiểu người Nhật.Thứ ba là món vịt nướng theo phong tục của người Đức,vì có gia đình mình từ Đức sang.Tráng miệng là món bánh ga tô mừng sinh nhật chúa,cao ba tầng tuyệt đẹp và chính xác là ăn 3 ngày ko hết.
Ngày hôm sau mệt lử đành nằm nhà,vả lại Nôen là ngày lễ sum họp gia đình nên hầu như mọi người đều ở trong nhà,ko mấy ai ra đường.
Ngày 26 đi thăm phố cổ,rất may là chợ Nôen vẫn còn.Con gái lại được thưởng thức món pho mát nướng đặc trưng của chợ Nôen Balan và món Langós của Hung làm theo kiểu Ba lan,chứ ko phải kiểu Đức.Dạo quanh tìm món hạnh nhân ngào đường nhưng ko có chỉ có hạt dẻ nướng như ở Thổ.Còn rượu vang hâm nóng thì chắc chợ Nôen nào ở Châu âu cũng có.
 

Giáng sinh năm nay ấm,ko có tuyết rơi.Châu âu nóng bỏng với vấn đề kiểm soát biên giới,nhưng phố cổ Warszawa vẫn bình yên vang lên những giai điệu nhẹ nhàng của Sôpanh,chẳng có bóng dáng cảnh sát,ngoài hai người lính gác trước phủ tổng thống.Bình yên mong ước đầu tiên của mọi nhà.

19 tháng 12, 2015

RANH GIỚI






Năm 1983, tốt nghiệp ĐHTHHN, tôi được điều về trường Sỹ quan Pháo phòng không làm giáo viên. Khi thấy 1 ”ông” sỹ quan non choẹt, không ra dáng sỹ quan đào tạo chính qui, Trưởng khoa khoa học xã hội và phòng cán bộ của nhà trường quyết định đưa tôi về Tiểu đoàn 4 để rèn luyện trước khi trở thành giáo viên. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4- trung tá Nguyễn Ngọc Vui giao nhiệm vụ cho tôi làm Đại đội phó đại đội 46- một đại đội tân binh được huấn luyện để bổ sung quân số chiến sỹ cho nhà trường. Thật là khó khăn khi tôi chẳng được huấn luyện gì về chỉ huy mà lại được giao nhiệm vụ chỉ huy 1 đại đội, thật là khó khăn khi mình chỉ là 1 thiếu úy, chưa là Đảng viên mà lại được giao làm chính trị viên 1 đại đội phụ trách các trung đội trưởng trung úy hiểu biết mọi nhiệm vụ huấn luyện, điều lệnh. Thật vô lý, thật lơ mơ và thật lo lắng.
Buổi sinh hoạt đầu tiên , Những tân binh mới, những bình nhì không kém mình bao nhiêu tuổi đặt ra những câu hỏi.
-          Đại Phó bao nhiêu tuổi
-          Đại phó có người yêu chưa
-          Em có chị gái xinh lắm đại phó à
-          Em có em gái Đại phó à
Những câu hỏi, những câu trêu đùa của những người lính trẻ Thị xã Sơn Tây làm một sinh viên học đường lúng túng thật sự.
Thế rồi, Tiểu Đoàn trưởng Vui cử C46 vào Xóm Chóng lao động lấy củi vừa là rèn luyện, vừa làm kinh tế cho tiểu đoàn. C trưởng Lãm, người Đông Anh, là người có kinh nghiệm đẫn dắt 43 chiến sỹ mới, 1 y tá với 1 túi thuốc và 1 thiếu úy mới ra trường còn lơ ngơ vào chân núi Ba vì thực hiện nhiệm vụ.
Địa điểm đóng quân của Đại đội là xóm chóng, một xóm của người dân tộc mường thuộc chân núi Ba vì. 43 chiến sỹ được chia theo tiểu đội và phân bổ về ở nhờ các nhà dân. Ban chỉ huy Đại đội được bố trí ở tại 1 căn nhà của các cụ nằm giữa 1 vườn chè rộng lớn, bên con đập, ven một bờ hồ rộng. Tôi và thượng sỹ y tá Yến (biệt danh yến rắn vì có tài bắt rắn), quê Vĩnh Phú, được bố trí ở tại nhà cụ Trinh ngay sát vườn chè. Tuy là người Mường nhưng gia đình cụ nói tiếng Kinh rất giỏi. Cụ có cô con gái vừa xuất ngũ hơn tôi khoảng 2 tuổi nhưng 1 câu gọi anh M, 2 câu anh M làm tôi khó xử. Gia đình cụ chỉ có 3 cái giường, cụ ông và con trai nằm cái  nhỏ, 1 cái cụ Bà và chị Trinh nằm còn 1 cái phản lớn nhường cho Bộ đội. 4 anh em, Tôi, Yến rắn và 2 chiến sỹ không hiểu xoay xở kiểu gì mà cũng vừa.
Hàng ngày, theo lệnh của Đại trưởng, Tân binh lên rừng chặt cây lấy củi cho tiểu đoàn. Tôi khoác AK vào rừng chặt cây cùng bộ đội. Với suy nghĩ người lính làm gì mình làm nấy nên tôi mắm môi chặt cây và ì ach kéo cây vượt các dốc núi, con suối về khu vực tập kết. Chúng tôi gò lưng kéo cây vượt dốc và chụm chân giữ, kéo cây lại khi cây lao xuống dốc. 1 chiến sỹ trẻ cười : “Đại phó ạ, khi kéo lên sao nặng thế mà khi thả dốc, cây gỗ như 1 con chó săn kéo minh chạy theo đứt hơi”. Tất yếu 1 người không được rèn luyện kỹ năng lao động như tôi làm sao sánh được những thanh niên nông thôn. Càng ngày tôi càng mệt, tay thì phồng rộp, chân tóe máu tứ tung nhưng không dám ngừng vì sợ Tân binh chê cười. Mỗi sáng, nhấc được tấm thân mỏi nhừ khỏi tấm phản thật khó khăn. Một ngày, Tiểu đoàn vào kiểm tra, thấy tôi hùng hục như chiến sỹ, chú The, tiểu đoàn phó cười rồi nói:
-          Nhiệm vụ của cậu là quản lý anh em chứ có phải đi chặt củi đâu. Tôi ngớ người.
Hôm sau, Đại đội trưởng Lãm gọi tôi vào:
-          Thôi lao động thế là đủ rồi, bây giờ tôi giao cho cậu gần gũi với bộ đội, phụ trách Đại đội lấy củi còn tôi sẽ lo công tác ngoại giao với bản với xóm. Nhiều việc phức tạp lắm.
 Tôi bắt đầu công việc của “nhà quản lý” và lúc đó mới thấy có rất nhiều vấn đề phải làm. Đơn vị thiếu thức ăn, chỉ có gạo, muối, ít mỡ, mắm… bữa ăn thiếu chất. Thật ra trước khi đi tiểu đoàn cho mang theo 2 con lợn con khoảng 9-10 kg để khi nào hết thức ăn thì thịt nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi không dám thịt cho bộ ăn mà hang ngày phải hái rau, nhường cơm cho lợn (3 tháng sau rút quân mỗi con lợn tăng hơn chục kg). Anh em ghét 2 con lợn này lắm. nhiều hôm ngồi trong nhà nghe lợn kêu eng éc, nhìn ra thấy chiến sỹ ta cầm que chọc lợn. Hỏi sao thì lính trẻ bực bội:
-          Chọc cho nó chết để được ăn thịt lợn Đại phó ạ. Nó càng lớn càng ăn hết cháy của bọn em.
Thật là thương anh em, tôi nghĩ cách cho họ về nhà chiều thứ 7 với lời nhắn nhủ: các em về thăm nhà không được cắt cơm, để cơm lại cho người ở lại ăn no và về nhà nhớ mang thêm chút đồ ăn cho tuần tiếp. Từ đó những buổi chiều thứ 7, từng tốp lính đi bộ 17-19 km từ rừng về thị xã Sơn tây để buổi tối chủ nhật quay lại với niềm vui và lọ muối lạc trong túi. Tôi ở lại, lúc đầu thì thích vì được nghỉ nhưng sau thì buồn vì anh em họ về nhiều, bữa ăn vắng vẻ và cả ngày không tivi, không báo, đài…. Ra vườn chè, vào vườn chè và đỉnh núi Ba vì cao tít trên mây.
Chiến sỹ mới tuổi còn rất trẻ lại chủ yếu là con em Thị xã, nhiều người không quen lao động, nhiều người nghịch ngợm. Cậu Lộc, nhà ở thị xã Sơn Tây là người có nhiều quái chiêu nhất. Một buổi chiều tôi đi rừng về rửa tay chuẩn bị cùng anh em ăn cơm. Thấy  Lộc đứng giữa sân tôi  bảo: Vào ăn cơm Lộc. Một câu lính bên cạnh thì thầm:
-          Nó bị phạt đấy anh ạ.
-          Sao lại bị phạt, tôi quay sang người lính bên cạnh.
-          Nó ăn gian nên Đại trưởng phạt
Tôi đứng dậy sang mâm của Đại trưởng. Đại trưởng Lãm giải thích:
-          Mấy hôm nay cậu Lộc kêu ốm không lên rừng nhưng tối tối lại vào xóm vào bản chơi. Sáng nay vào rừng được 1 chút thì kêu đau bụng đi ngoài nhiều lần và bỏ về. Tôi cho y tá kiểm tra thì không phải vậy.
Y tá Yến bổ sung:
-          Theo lệnh của anh Lãm, tôi yêu cầu Lộc ra bãi chè đi ngoài để tôi kiểm tra nhưng sau khi kiểm tra tôi phát hiện phân cứng và cậu Lộc dùng que khấy như phân lỏng. Tôi đã gọi Lộc và nói rõ việc giả làm phân lỏng thì cậu ấy lại nói dối: đi từ rừng về đau bụng quá gặp bà Mế và bà Mế cho nắm lá gì đó nên phân cứng lại. Tôi lại hỏi: vì sao lại phải khuấy phân thành phân lỏng thì cậu Lộc ú ớ không trả lời được nên anh Lãm phạt đứng ngoài sân.
Cuối bãi chè có mấy ngôi mộ đất. Ngày ngày sau mỗi bữa ăn chúng tôi phải đi ngang qua để trở về nhà dân. Cụ Trinh và dân làng nói ở đó có mộ của một cô gái chết trẻ thiêng lắm. Thỉnh thoảng hồn của cô lại hiện lên trắng toát, lượn lờ… nhiều lần họp xong về muộn đi ngang qua tóc gáy tôi dựng ngược. Ngày còn ở nhà tôi là chúa sợ ma. Năm lên 6-7 tuổi, ông Bính bên hàng xóm mất tôi sợ ma mấy tháng. Mẹ phân công 2 anh em: ngày này đứa này rửa bát, đứa kia nấu cơm và hôm sau ngược lại. Thế là tôi bỏ cả chơi xung phong nấu cơm suốt tháng để khỏi phải ra giếng rửa bát 1 mình vào chập tối. Thế nhưng ở đây không để chiến sỹ biết mình sợ ma được. Đại đội phó sợ mà sợ ma à…  
Một tối, gió lạnh, tôi đang ngồi sưởi và nói chuyện với cụ Trinh thì Yến ùa vào hổn hển:
-          Ối giời ma anh ạ.
-          Ma ở đâu? Nói rõ xem nào
Yến mặt xanh lét diễn tả:
-          Lúc đầu tôi cũng không tin có ma nhưng vừa rồi đi qua cuối bãi chè tôi thấy bóng trắng toát lượn lờ trên mộ. tôi chạy văng cả dép.
Nhìn xuống dưới chân Yến thấy chỉ còn 1 chiếc dép nhựa đứt quai, tôi lo lắng.
-          Cô ấy thiêng lắm, nhiều lần cô ấy hiện lên đấy.
Cụ Trinh thêm vào làm mọi người càng sợ. Thật là lúng túng, làm sao bây giờ. Trong bụng thì muốn để sáng mai hẵng hay nhưng như vậy thì làm sao mà ăn nói với Lính. Tôi bảo Yến:
-          Anh em mình ra đó xem sao
-          Thôi anh ạ mai đi
Những ngày sau tôi cho Yến và 1 cậu lính lên rừng kiếm củi bán lấy tiền mua dép cho Yến và sau này tôi biết được ma chính là cậu Lộc. Lộc đã rủ mấy người bạn khoác màn trắng ra mộ dọa Yến cho bõ tức hôm bị phạt. Thật là lính với tráng.
Ba Vì cũng là nơi được coi là rừng thiêng nước độc. Một ngày đi rừng về tôi thấy nóng người. Cơn sốt kéo đến nhanh chóng. Lúc này tôi đã chuyển sang nhà trông chè của các cụ ở mà không ở nhà cụ Trinh nữa để dễ quản lý bộ đội. Mấy ngày đầu còn nhúc nhắc, đến ngày thứ 3 là tôi nằm liệt, sốt cao, nhức toàn thân. Mấy bát cháo rau rừng của mấy cậu công vụ cũng chẳng muốn ăn. Yến thì lục cả túi thuốc của 1 y tá cũng chỉ có vài loại: Thuốc cảm, thuốc đau bụng… và với kiến thức của 1 y tá Yến cũng không biết tôi bị sốt vì sao. Sang ngày thứ 4 bắt đầu thấy hiện tượng mơ màng và lâng lâng, chìm vào giấc ngủ, có 1 đàn ong vo ve đâu đó. Sang ngày thứ 5, một ngày của vận mệnh. Chú Lai, thiếu tá phó chủ nhiệm quân y của nhà trường đạp xe vào rừng xem xét cho việc ban quân y cũng sẽ tổ chức vào rừng kiếm củi gây quỹ. Nghe nói tôi bị sốt chú đến xem. Mới ngồi xuống cầm tay tôi chú đã kêu ầm lên:
-          Thôi chết rồi, chết rồi tay bắt chuồn chuồn rồi (Ngôn từ của nghề y nói tay đã bị cứng và khòng khòng như đang bắt chuồn chuồn)
Chú Lai lấy 1 tờ giấy viết vài chữ và đưa cho 1 công vụ yêu cầu đạp xe gấp về Trường xa 12 km. Sau 3 tiếng chiếc xe UAZ đè lên những bụi chè chạy vào sân nhà trông chè của các cụ. Anh em khiêng tôi ra xe trong tư thế người tôi đã cứng.
Về tới tiểu đoàn 4, Trung sỹ Đính y tá kéo ống quần tôi lên tiêm liên tiếp 2 ống Penicilin vào mắt cá chân và đầu gối đã sưng vù rồi chuyển xuống bệnh xá của nhà trường. Ở đây Bác sỹ Hùng xác định: Tôi bị sốt Xoắn Khuẩn mảnh, một loại vi khuẩn của rừng thiêng nước độc và bắt đầu cho phác đồ điều trị. Mỗi ngày tôi bị tiêm 2 mũi streptomycin sau 3 ngày tôi đỡ sốt và 5 ngày sau tôi trở lại rừng trong sự vui mừng của các Tân binh.
Hàng năm đến ngày 22/12 các chiến sỹ nghịch ngợm năm nào của C46 vẫn tập trung gặp mặt tại Sơn tây. Năm 1995, sau khi từ Liên xô về, anh em chúng tôi vào xóm Chóng thăm gia đình cụ Trinh, thăm đồi chè và không quên nhìn lại ngôi mộ thiêng đã làm mất đôi dép của Thượng sỹ Yến. Mảnh đất này đã giữ rất nhiều kỷ niệm đã cho tôi đứng bên ranh giới của sự sống và cái chết trong tình thương của anh em bộ đội.

12 tháng 12, 2015

TÂN BINH


Tháng 8 năm 1978 là đợt tuyển quân thứ 2 trong năm ( tháng 5 là đợt tuyển thứ nhất). Gần như tổng động viên nên lứa tân binh từ khu vực thị trấn Xuân hòa ra đi bao gồm nhiều thành phần ( học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức) đủ mọi lứa tuổi (từ 18 cho đến 28 tuổi).
Ngày 22 tháng 8 tân binh trúng tuyển tập trung tại thị trấn Xuân Hòa sau đó được bố trí ở nhà dân chờ xe đến đón.
7 giờ sáng ngày 24 tháng 8, sau khi mỗi người nhận hai khẩu phần ăn cả ngày là 2 chiếc bánh mì nhỏ không bột nở (mà khi đó chúng tôi gọi là loại bánh "ném chó chó chết"), tất cả lên xe rời thị trấn  Xuân Hòa đi ra quốc lộ 2 ngược lên Hà giang. Tôi được bố trí lên xe Zin ba cầu chạy sau cùng ( là xe hộ tống cả đoàn xe chở quân 2 cầu mang nhãn hiệu giải phóng). Do chưa được phát quân trang nên tất cả tân binh ngồi trên xe nom như đoàn dân công hỏa tuyến . Sau khi qua phà Đoan Hùng lúc lên dốc, chiếc xe chở tôi bị tụt cầu không chạy tiếp được nữa nên chúng tôi phải ở lại chờ xe quay lại đón . Chính vì vậy đến 21 giờ 30 chúng tôi mới đến ngã 3 Vạt, xã Việt lâm.huyện Vị xuyên, Hà tuyên.
 Ngã ba Vạt ngày nay

 Lúc này trời vẫn còn đang mưa nặng hạt, chúng tôi xuống xe tay ôm bọc quần áo thường phục, bước thập thõm bước thấp, bước cao theo sau ánh đuốc và đèn pin của các cán bộ nhận quân. Đường trơn, đất dính có những lúc phải lội qua suối nên làm bật quai đôi "gò" của tôi đang đi, thôi thì đành phải tháo cầm tay và lội bộ chân trần vậy. Hành quân bộ thêm 5 km nữa chúng tôi đến bản Trang vào tập trung dưới gầm nhà sàn ông Thơ. Bữa cơm tối đã được bày ra sẵn chờ đón chúng tôi tự bao giờ.  Mỗi người được hai miếng bánh mì luộc ăn với đĩa "mắc cà lào" sào không mỡ với  nước chấm "đại dương". Sau khi điểm danh,và ăn tối xong mọi người được chia về các nhà dân quanh bản để ở. Tôi sau mấy ngày ốm và gần như thức trắng đêm hôm trước cộng thêm say xe nên sau khi điểm danh và biết phải đi tiếp tôi xin phép được ngủ tại nhà ông Thơ vì quá mệt. Được sự đồng ý của cán bộ đại đội, tôi ra suối rửa chân, trèo lên sàn thay quần áo, hơ người qua bếp lửa giữa nhà, uống thuốc mang theo rồi lăn ra ngủ. Sáng hôm tỉnh dậy, sau mở mắt ra thấy sương mù mờ mịt. Khi sương tan, thấy ba bề, bốn bên là núi đập vào mắt mới thấy heo hút nao lòng. Gọi là bản nhưng các nhà ở lưa thưa, cách xa nhau.
Sau ăn sáng là công tác biên chế, nhận quân trang, ổn định nơi ăn chốn ở theo đội hình các tiểu đội và các trung đội theo khu vực. Thời kì này quân trang ta mới bắt đầu tự chủ, nội địa hóa do Trung quốc đã cắt viện trợ từ lâu và không còn vải tốt để may nên chất lượng quân trang không được tốt, ba lô nhỏ hơn bằng vải dày chứ không phải bằng vải bạt, có 2 túi cóc chứ không phải 3 cóc. Mũ, dép đúc, dày, quần áo....chất lượng cũng không được tốt bền như trước. Tân binh xe cuối cùng chúng tôi được biên chế về đại đội thông tin trực thuộc trung đoàn. Cán bộ khung đại đội là lính cũ dạn dày kinh nghiệm chiến trường. Đại đội trưởng là thiếu úy Nguyễn Đức Thanh quê Nam Định thương binh hạng 2 (ở đầu gối). Chính trị viên là thiếu úy Nguyễn văn Rường quê Bá Hiến, Vĩnh Phú. đại đôi phó là chuẩn úy Lê Hữu Hải nhập ngũ năm 1971 quê Triệu sơn, Thanh Hóa. Các cán bộ tiểu đội và cán bộ trung đội cũng đều là lính tái ngũ ( từ thời chống mỹ) với quân hàm từ hạ sỹ đến trung sỹ. Duy nhất tiểu đội 10 thông tin truyền đạt, tiểu đội trưởng và tiểu đội phó là tân binh với quân hàm binh nhì. Ngoài trang bị vũ khí cá nhân là khẩu AK47, các trung đội được trang bị máy thông tin có xuất xứ đều của Trung quốc chất lượng không cao và không còn mới.  Trung đội 1 là tổ máy 15W. Trung đội 2 thông tin hữu tuyến dùng tổng đài 15 cửa, máy điện thoại 0743 và QT65 , dây điện thoại đầu tiên dùng dây "súp" cuốn trong guồng sừng bò( sau này thêm điện thoại con cóc và dây đôi doViệt Nam sản xuất vừa nặng vừa cồng kềnh) . Trung đội 3 thông tin vô tuyến dùng máy 2W ( 71si líc ăng ten cần tán xạ và 884 dùng ăng ten cần cô li cốp). Tiểu đội 10 thông  tin truyền đạt được trang bị 1 xe đạp, túi văn thư,xà cột, súng pháo hiệu. Sang ngày thứ 2 chúng tôi bước ngay vào 3 tháng huấn luyện tân binh. Mỗi tuần từ thứ 2 đến thứ 7, riêng sáng chủ nhật vào rừng lấy củi nộp cho nhà bếp ( khô thì 30 kg , tươi 50kg) chỉ còn buổi chiều chủ nhật nghỉ ngơi tắm giặt. Cũng may thời kì đầu được ở nhà dân nên khá thoải mái không bị o ép nhiều. Chúng tôi vừa tham gia huấn luyện vừa tranh thủ học đôi ba tiếng tày để mà giao tiếp để mà biết cách gọi cha, gọi mẹ, gọi anh, gọi em, biết gọi "tu" là "con" , "mắc" là "quả", "kin" là "ăn","nòn" là ngủ.... đôi khi cũng không tránh khỏi chuyện buồn cười của các anh chàng học tán gái  bị lừa kiểu "tam sao thất bản". Tháng 12 năm 1978 sau khi bắn đạn thật kết thúc giai đoạn 1 huấn luyện, tất cả các tân binh đạt kết quả khá đều được phong quân hàm từ binh nhì lên binh nhất, và bước vào giai đoạn 2 huấn luyện : học chuyên môn kèm hành quân dã ngoại (lên vùng Quảng ngần, Thượng sơn thuộc Xín mần hoặc ra xã Trung Thành ,Vị xuyên) đồng thời tham gia khai thác vật liệu xây dựng doanh trại ra ở riêng để xây dựng nề nếp chính quy, không ở nhờ nhà dân nữa . Chúng tôi đón tết năm 1979 ở doanh trại mới tuy chưa thật hoàn chỉnh.
                Nền doanh trại cũ bên bờ suối

 Tết đầu tiên tất cả cấm trại, không được về nhưng đại đội vẫn có trường hợp bỏ trốn bị quân cảnh bắt nhốt. Chỉ thương cảnh chị em ở đại đội 24 quân y và 25 vận tải ôm nhau khóc trong 3 ngày tết ( sau này chị em vẫn không khỏi sụt sùi kể lại khi gặp nhau). Ra tết sau khi tập huấn vừa xong phần học chung để chuyển sang tập huấn chuyên môn lớp tiểu đội trưởng do trung đoàn mở thì ngày 17 tháng 2 năm 1979, chiến tranh biên giới phía bắc với Trung quốc nổ ra. Ngày 18 tháng 2 năm 1979 cả trung đoàn tôi chuyển trạng thái chiến đấu.
  Sân trường cấp I,II nơi Trung đoàn ra lệnh chuyển trạng thái chiến đấu 

Tôi trở về cùng đơn vị hành quân lên thành phố Hà giang kết thúc giai đoạn được gọi là "Tân Binh".

3 tháng 12, 2015

THÁNG 12 THƯƠNG NHỚ!






Một ca khúc quen thuộc từ nhà hàng xóm vang lên:"Đời mình là một khúc quân hành.Đời mình là bài ca cây súng..."khiến tôi nao cả lòng.Ca khúc có từ lâu rồi mà sao đối với tôi nó vẫn có sức rung động vô tận.Có phải vì tôi sinh ra trong một gia đình có cha và hai em trai đã từng là "anh bộ đội"!
Tôi còn nhớ khi tôi học lớp 2 hoặc lớp 3,mỗi khi bố tôi được nghỉ phép về thăm nhà,thì đối với tôi,đó là những ngày vui nhất.Hai chị em tôi quấn quýt bên bố suốt ngày,líu lo kể chuyện.Em trai tôi đội cái mũ có ngôi sao của bố,lấy một thanh tre,buộc dây chuối,khoác qua vai giả làm súng và sung sướng đi khắp khu sơ tán.Lũ con trai trong khu cũng bước theo nó rất đông,đứa nào cũng tự tạo ra cho mình một khẩu "súng".
Thầy giáo dậy tôi lớp vỡ lòng (lớp 1 bây giờ) cũng là một "anh bộ đội".Thầy để lại nơi chiến trường cánh tay trái và một nửa bàn chân phải.Thầy vẽ rất đẹp.Từ bàn tay còn lại ấy,những con mèo,con gà ,con thỏ,quả na,quả mít hiện ra...Lũ học trò thò lò mũi xanh chúng tôi thích mê.Cũng có thể từ hình bóng người cha,người thầy bộ đội từ thuở ấu thơ đã in đậm trong tâm hồn tôi nên sau này khi đã lớn,tôi đã dành cho những con người ấy một tình cảm thiêng liêng.
"Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi,vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo".
Lời thơ cứ ngân vang trong tâm hồn tôi cô thiếu nữ tuổi 16,17...Hồi ấy,bọn con gái chúng tôi đứa nào mà chẳng ấp ủ một chàng trai tưởng tượng trong tim mình và đó phải là một "anh bộ đội".Tôi cũng vậy.Thần tượng của tôi là một anh bộ đội.
Tôi mang thần tượng của mình vượt cả ngàn cây số vào Đà Lạt,một nơi quá xa lạ với một cô gái Hà Nội.Ngày tôi lên đường đi xa,trên sân ga chỉ có bố mẹ tiễn chân.Tầu Thống Nhất khởi hành muộn nên sân ga chỉ có rất ít người đưa tiễn.Tôi lên tầu.Buồn tênh.
Năm cuối ở trường sư phạm tôi quen một anh bộ đội,sĩ quan học viện quân sự Đà Lạt.Anh là một trong số các anh bộ đội ra huấn luyện quân sự cho trường sư phạm chúng tôi.Anh là người Hà Nội gốc,khá kín đáo và hơi....Kiêu.(cũng phải thôi vì anh chuẩn nhất trong đội : người cao,đẹp trai...).Còn tôi là một cô gái duy nhất được chọn đi bắn đạn thật tại trường bắn của tỉnh đội Lâm Đồng.Có lẽ hình ảnh một cô gái mảnh mai,tóc dài,ì ạch vác khẩu AK47 nặng chịch khiến anh phải buồn cười và bớt kiêu chăng! ( Không hề vác hộ nhé!).Tôi lại bắn bằng tay trái nữa chứ.Ấn tượng đấy...
Những tháng cuối cùng ôn thi căng thẳng.Vậy mà khu nội trú vui hơn bởi vì thi thoảng,đến tối thứ 7,ban văn khóa III lại có những vị khách đặc biệt tới chơi."Các thầy quân sự".Chúng tôi nói chuyện,hát hò.Tôi hát rất hay.Tôi chiến thắng trong tất cả các cuộc liên hoan văn nghệ của trường sư phạm.
Lớp Hà Nội chúng tôi tự hào lắm vì được các bạn sinh viên trong trường và các thầy cô ngưỡng mộ.Anh để ý đến tôi lúc nào chẳng rõ.Nhưng rồi đến hè,tôi ra Hà Nội,anh cũng đến chơi.Mẹ tôi không đồng ý -vì sợ con gái khổ như mẹ.Chúng tôi từ biệt nhau.Tôi lấy chồng,ra Hà Nội,còn anh ở lại Đà Lạt mù sương có ngàn thông reo...
Khi đã trở thành một cô giáo dậy văn,tôi thả hồn mình vào những vần thơ,những câu chuyện viết về người lính.Những rung động nho nhỏ đầu đời,những kỉ niệm đẹp đẽ về những người bạn là anh bộ đội luôn sống động trong tôi mỗi giờ tôi lên lớp.Cha tôi,em tôi,những người bạn của tôi và một xao xuyến tuổi 17 tôi giấu kín đến tận bây giờ,gắn liền với sự cảm phục,ngưỡng mộ một hình tượng không phai mờ trong tôi: ANH BỘ ĐỘI.
"Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây"
Xao xuyến tuổi 17 ơi,em muốn là ngôi sao,là ngọn lửa hòng kia cho anh...!

HN-02-12-2015

25 tháng 11, 2015

KỶ NIỆM VỀ MỘT CÂU THƠ, MỘT NGƯỜI THẦY



Trong cuộc đời mình, tôi đã được học nhiều thầy cô. Nhiều người thầy đã có những ảnh hưởng lớn tới sự trưởng thành của tôi, Nhiều người thầy đọng lại những kỷ niệm như những ngọn lửa cháy mãi một thời đi học trong sáng, hồn nhiên….
Hôm nay tôi muốn kể về kỷ niệm của một người thầy không dạy tôi nhiều, một người thầy bình dị mà hình ảnh mãi ấm áp trong tôi.
Năm 1974 lũ học trò trường làng chúng tôi được trở thành học sinh của trường cấp 3 Bến tre, một mái trường nhỏ nằm gần ga Phúc yên, trên đường vào Thị trấn Xuân hòa. Vẻn vẹn với 8 phòng học, 10 lớp học và hơn 400 học sinh nhưng Trường cấp 3 Bến tre lại là một trườngđiển hình của tỉnh Vĩnh phú. Ban đầu trường mang tên vị tổng bí thư đầu tiên - Trần Phú, sau này trường đổi tên thành trường cấp 3 Bến tre để ghi nhận tình cảm kết nghĩa của nhân dân Vĩnh Phú với Bến tre thành đồng kiên cường trong thời kỳ đánh Mỹ.
Những ngày đầu lũ học sinh lơ ngơ chúng tôi tới với mái trường cũng là những ngày cô sinh viên người Hà nội, Ngô Tú Hiền tốt nghiệp khoa Vật lý trường đại học sư phạm Hà nội và khoác ba lô lên đường về Phúc yên bắt đầu sự nghiệp của một nhà giáo. Cô mảnh mai, Cái mảnh mai của người Tràng an thanh lịch và cũng là sự mảnh mai của một thời mà đất nước cơm không đủ ăn. Tuy nhiên trong sự mảnh mai ấy là sự nghiêm túc, say mê với nghề nghiệp và yêu thương học trò.Năm đầu cô dạy môn vật lý cho lớp D và lớp B và chỉ 1 năm sau cô được giao làm chủ nhiệm lớp 9B (năm 75-76) Một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp làm thầy ở lứa tuổi còn rất trẻ.
Cô Hiền không dạy lớp tôi, thỉnh thoảng cô dạy vài tiết, kỷ niệm về cô không nhiều nhưng có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Tháng 3 năm 1977, 3 tháng trước thời gian kết thúc đời học trò, nhà trường tổ chức cho khối 10 vào Ngọc Thanh, một xã của dân tộc Sán dìu nằm trong vùng chân dãy núi Tam đảo, phía sau hồ Đại lải, để trồng rừng và để học sinh học hỏi thêm kinh nghiệm, gắn bó với bè bạn. Cả khối 10, bốn lớp thầy trò chất sách vở, quần áo, gạo mắm, cuốc xẻng…lên xe đạp cùng vào Ngọc Thanh trồng cây phủ kín đồi trọc. Ban tổ chức chọn những khoảng đồi trống rồi phân chia cho các lớp vị trí cắm trại. Ngày ấy chẳng có vải bạt và các Phương tiện chuyên dụng để cắm trại, các bạn nam trong lớp chặt cây rừng đóng cọc, dựng khung rồi trải áo mưa lên trên thành mái, quay xung quanh thành vách thế là đã có những căn lều ấm cúng xuất hiện trên những ngọn đồi Ngọc Thanh. Cả lớp chỉ có 1 lều nên hơn 40 học sinh nằm sát nhau, nam một phía và nữ một phía tối lạnh nằm ôm nhau kiểu úp thìa để ngủ cho bớt đi cái rét trong những đêm cuối đông đầu xuân trên những ngọn đồi trống vắng. Ranh giới giữa Nam và nữ chỉ gang tay, chẳng đứa nào chịu nằm cạnh mấy đứa con gái vì ngượng. Bếp là một cái lán nhỏ hơn, được dựng ngay bên cạnh. Ông đầu bếp là mấy hòn đá nhặt trên đồi. Củi thì quá dễ tìm trong vùng rừng núi. Trước ngày đi lao động, cô chủ nhiệm dặn: Các em xin bố mẹ mang theo gạo gạo, nước mắm, muối….có gì mang nấy cho 15 ngày lao động trên rừng. Tôi còn nhớ giây phút các bạn mang gạo và thực phẩm nộp cho các bạn nữ. Đứa thì đựng gạo trong túi đi học, đứa thì đựng trong lọ, trong tay nải, ruột tượng, đứa thì xách theo chai nước mắm, đứa lại có bơ lạc, ít muối vừng… Tôi còn nhớ những bát cơm thập cẩm trộn đủ thứ gạo rất ngon trong tiếng cười, sau những buổi cuốc đất mệt nhoài. Hàng ngày chúng tôi cuốc những hố sâu để trồng cây non. Tiết trời tháng 3 dành lại chút hơi lạnh cho lũ học trò. Buổi tối bên lửa trại không ai muốn ngủ.
Một hôm, trời về chiều, lũ học trò nhỏ đang hùng hục cuốc đất, bỗng loa phóng thanh vang lên: A lô, a lô… giọng thầy Kế dạy lý thử loa. Thầy thông báo xin đọc bài thơ và giọng ấm áp nghịch ngợm của Thầy vang lên:
Tôi có cô em gọi Tú Hiền
Tóc mềm như rạ, mắt như gươm
Năm nay cô nó 24 tuổi,
Nhiều gã trai làng dạ vấn vương.
Tiếng cười vang khắp các ngọn đồi. Năm ấy cô Hiền khoảng 24 tuổi, chưa lấy chồng và sống trong tình yêu thương của đồng nghiệp, học trò nơi mảnh đất xa lạ. Sau đó nhiều lần tôi được nghe câu thơ đó một cách dang dở, mỗi lần nghe tôi lại nhớ tới những ngày đi lao động trồng cây trong Ngọc Thanh, nhớ bè bạn nhớ giọng Thầy Kế và nhớ cô Hiền.
Ngày 20/11 vừa qua, sau 38 năm xa cách tôi được gặp lại cô trong buổi học sinh K74-77 Trưòng C3 Bến tre gặp mặt một số thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt nam. Nhìn cô già đi, gầy đi trong lòng tôi trào dâng niềm thương cảm.
Thời gian như người mẹ hiền đã cho ta thật nhiều và cũng là tên trộm âm thầm lấy đi của chúng ta những điều giá trị nhất.
Đứng bên cô, tôi đã đọc lại những câu thơ trên cho Cô Hiền, chồng cô và bạn bè nghe và cô trò chúng tôi đều xúc động. Hôm nay tôi xin chép lại bài thơ mà thầy Kế đã mượn 4 câu đầu để nói lên tình yêu thương của một người anh dành cho em gái.

CÔ BÉ EM TÔI
“Tôi có cô em gọi Thị Hường
Tóc mềm như nắng, mắt như gương,
Năm nay cô nó mười tám tuổi
Lắm gã trai làng dạ vấn vương
Nhưng ý em tôi: Chửa chọn người
Môi tròn vẫn nở đóa tinh khôi
Ngày vui nắng trải, mùa xuân ấm
Năm tháng ươm tơ dệt mộng đời…
Thày với u tôi tuổi đã già,
Tôi thì công tác mãi nơi xa
Ruộng vườn, mai mốt mình cô nó…
(Vì thế u tôi quý nhất nhà)
Ai hỏi-u tôi cũng chối rằng
-“Thưa bà, thưa bác (hoặc thưa ông)
Năm nay cháu nó còn bé lắm,
Hoàn cảnh nhà neo… việc ruộng đồng…
…Nhưng bỗng ngày kia có một người
(Trước cùng đơn vị vốn quen tôi)
Phục viên năm ngoái về sản xuất
Quyến luyến em tôi-định ngỏ lời…
Ngày trước u tôi vẫn mến thầm
Khen người hiền hậu lại siêng năng
Mỗi lần nhắc đến u tôi bảo
“Chả trách từng vào Vệ quốc quân…”
Nghe nói anh nay ở một mình
Lửa bom đã cướp mẹ thầy anh
U tôi lệ ứa hai tròng mắt
Bàn với thày tôi-định tán thành…
… Chiều ấy, em tôi quẩy mạ về
Vuốt làn tóc đẹp u tỉ tê:
Con là con gái vừa khôn lớn,
Có đám người ta định hỏi về…
Ý kiến thầy u thấy được rồi
Bây giờ còn đợi ý con thôi
Nhà neo, thôn xóm người ta giúp
Tao chỉ mong mày được đẹp đôi
Cô bé em tôi thẹn thẹn cười:
“Con còn nhỏ dại lắm(!) u ơi”…
(Thực ra cô nó và anh ấy
Đã hẹn hò nhau trước cả rồi!)”.

Bài thơ được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 7-1958 - Tác giả Trần Phương Thùy (Tuy nhiên cho đến nay có nhiều ý kiến cho rằng chưa tìm thấy tác giả). Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đất nước đã dành được độc lập, nhiều bộ đội xuất ngũ về làng. Ngày ấy, đối với những cô gái làng chẳng có hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ cho dù “ Nhiều gã trai làng dạ vấn vương”. Đối với bậc cha mẹ thì những người đã vào Vệ quốc quân sẽ là những người hiền hậu và siêng năng… Bộ đội thật sự là môi trường tốt. Bài thơ cũng nói lên tình thương sâu nặng của người anh với cô em gái.
Và tôi chợt nảy mấy câu thơ:

Có những vần thơ theo ta suốt cuộc đời
Có những tình người đọng lại mãi tháng năm…

Thay mặt các bạn học sinh cấp 3 Bến tre K 74-77, Kính chúc cô Hiền mạnh khỏe, nhiều may mắn và dành nhiều thời gian cho Trường cấp 3 bến tre. Học trò của cô luôn yêu quý kính trọng các thầy cô.