29 tháng 9, 2014

Chuyện chó-mèo.


          Thứ sáu cuối tuần, sau trận nhậu, vì nồng nặc mùi bia rượu, không muốn về nhà ngủ, tôi ra ngoại thành tìm nhà người quen tá túc. Nhà ông anh có con chó dữ lắm, ai cũng sợ nhưng tôi thì nó quen lâu rồi, nên khi mình đến cổng, cả nhà không ai hay biết. Con chó to như con bê con, tiến lại cánh cổng, không một tiếng động; nhận ra người quen nó vẫy đuôi mừng rỡ, chồm lên liếm tay, nhảy hết bên phải rồi bên trái, rên ư ử….
  
  

Với tôi thì việc làm thân với chó là chuyện nhỏ. Cách đây hơn 25 năm, khi ấy có biết tự trọng là gì đâu, nhưng như thế lại được việc. Bạn gái tôi nhà ở quê, lên Hà nội học chuyên ngành chuẩn đoán hình ảnh, trường Y, ở nhà Bà nội; Bà nội của “bạn gái” có bàn nước chè phục vụ khách qua đường ngay ở tầng 1trong nhà. Theo chân vài lần, rồi một hôm tôi quyết định ra mắt. Chẳng ai mặn mà, đầu tiên là con chó xồm lao ra gầm ghè; Không dám tấn công, tôi xuống tấn, tay trái giữ lấy cặp sách thế thủ, tay phải nắm chặt để ngay thắt lưngchuẩn bị phản đòn, mắt nhìn thẳng, tự trấn an: “Tao chấp cả nhà mày!” được chủ nhà quát thì cu cậu quay vào, ngồi xuống và theo dõi tôi. Tôi cũng lấm lét nhìn cu cậu, rón rén ngồi xuống cạnh bàn nước, tìm cách bắt chuyện. Bà cụ rót chén nước đưa cho tôi, vồn vã: mời cậu. Vội vã lễ phép đưa hai tay đón chén nước nóng, tôi tranh thủ giới thiệu luôn tôi là bạn và đến tìm cháu gái bà. Bà cụ nhìn tôi nheo nheo đôi mắt từ đông sang tây, từ phải qua trái rồi nói: “nó không có nhà”, từ đó không thèm đoái hoài gì đến cậu khách nhỏ con nữa (Sau này mới biết: bà đang nhắm cho cháu bà một lưu học sinh mới từ Đức về). Trước đó, tôi đã lẽo đẽo gò lưng trên cái xe không chuông, phanh… thực chất cái xe chỉ có các bộ phận cơ bản không thể thiếu là hai bánh, xích, líp, đôi bút chì làm bàn đạp, và cái ghi đông khoòng khèo làm tay lái; mướt mồ hôi đuổi theo cái xe đạp Mifa mầu xanh ngọc. Đến khi “người ta” dắt xe vào nhà được một lúc tôi mới gếch cái xe trên vỉa hè rồi theo vào nhà. “Đương sự” trốn biệt trên gác, Bà nội của đương sự thì không thèm hỏi một câu. Măc, tôi kéo lọ kẹo vào gần, nhón hai cái để trên bàn, bẻ từng miếng nhỏ, mình ăn một, cu xồm ăn hai. Các cụ dạy rồi: “muốn qua thì bắc cầu Kiều, muốn yêu cô chủ thì chiều… câu Giôn”; được vài miếng, bà cụ phát hiện ra, đuổi cu cậu vào trong nhà, nhưng rồi một lát sau, thấy động dưới gầm ghế tôi biết cu cậu đã bí mật làm thân. Thầm nghĩ: “bén duyên rồi”. Hết hai cái kẹo tôi đứng dậy trả tiền nước, kẹo và ra về…Lần sau, lần sau nữa đến, nhìn thấy mặt tôi là cả hai bà cháu im lặng không nói câu nào, mỗi người theo đuổi một tình cảm khác nhau: Bà thì khó chịu khi thấy mặt mình, còn “bạn gái” thì … có ai nói hộ tôi về tâm trạng “người ta” lúc đó được không? chỉ có cún xồm là vui vẻ ngoái tít đuôi từ khi tôi chưa xuất hiện. Sau này, khi mà mọi chuyện đã được sắp đặt, cả nhà bên vợ mới vui vẻ nhắc lại chuyện mỗi khi thấy cún xồm có biểu hiện vui vẻ khác thường thì chỉ một lúc sau tôi có mặt, mọi người bảo: nếu không có con cún xồm thì chắc gì tôi đã được việc.
…Con chó chu lên từng hồi dài, ăng ẳng như đau đớn lắm, đèn cổng bật sáng, cả nhà lao ra cổng, tôi loay hoay luồn tay qua cổng xoa đầu an ủi con chó, nó đau lắm, sao mà không kêu được chứ: cu cậu vắt chân lên cánh cổng đùa với tôi, không may chân trước bị kẹp vào hai thanh sắt to, càng rẫy mạnh càng bị thít chặt vào khe hẹp. Ông anh lệt bệt chạy tới, hai tay cầm hai thanh sắt kéo rãn ra nhưng đâu có sức, thanh sắt rãn ra thì chân chó lại tụt sâu xuống. Được một lúc, mỏi tay quá, anh buông tay, hai thanh sắt về vị trí cũ, con chó bị kẹp đau hơn. Nó có biết vì sao đâu, thấy đau là nó cắn vào chỗ làm đau nó, thật không may, miếng ngoạm bao gồm cả ngón tay của ông chủ, máu phun ra, chị tôi chưa nghĩ gì đến đức ông chồng bị mất ngón tay, chạy đi tìm xà beng cứu chó cái đã. Con chó tập tễnh, cúp đuôi chạy thẳng một mạch vào sau nhà. Ông già hơn 70 tuổi mặt tái mét, được băng bó sơ qua rồi đưa đến bệnh viện. Lúc này đã quá nửa đêm, kíp trực nhiệt tình tiếp đón
Để anh ngồi trong phòng cấp cứu, việc làm trước là đi nộp tạm ứng viện phí



Quay lại nơi đón bệnh nhân được chỉ định chụp xquang kỹ thuật số



Bệnh nhân vào phòng, mọi người chờ ngoài cửa, gần nửa giờ trôi qua, cánh cửa mở, anh về phòng tiếp đón, tôi ở lại chờ kết quả và nhận được hồ sơ 



Bác sỹ trực mở ra xem: xương ngón không bị tổn thương



Tim phổi bình thường



Sau khi rửa lại vết thương, băng bó lại, bác sỹ đề nghị chuyển về phòng bệnh nằm theo dõi, cô hộ lý nhanh nhẩu: “các bác có cần phòng tự nguyện không?”. Cả nhà nhìn nhau ái ngại. Lấy lý do sáng ra có việc, anh tôi cảm ơn sự tận tình của kíp trực rồi xin phép về nhà. Thôi cũng được, thanh toán viện phí rồi về. Cũng không đáng bao nhiêu cả, trên đường về cả nhà cứ thắc mắc, sao dập ngón tay mà lại chụp tim phổi, tôi giải thích: “Để kiểm tra xem gan mật có bị vỡ không, ở đây chưa có máy chụp cắt lớp chứ nếu có máy thì còn phải kiểm tra cả não nữa”.
Về đến nhà, tôi đi tìm con chó, cu cậu nằm im không cựa quậy, mắt nhìn tôi cầu khẩn, trách móc, ngồi xuống vuốt ve lưng nó, người nó vẫn còn run bắn, tim đập thình thịch, tôi gọi với lên nhà trên:
“Chị ơi, tim con chó đập mạnh quá, có cần đi khám bác sỹ không”?
 “Vớ vẩn, chó đau chân, tim phổi gì, sốt ruột”, lúc sau, chị tôi chợt nhớ ra điều gì đó, đặt tay lên ngực anh hỏi: “tim ông thế nào”?
Hôm sau, về nhà, tôi kể chuyện với vợ, vợ tôi cứ xuýt xoa mãi về sự cố, đến đoạn tôi thắc mắc với giọng diễu cợt về tạm ứng và chụp lồng ngực, hình như chạm vào tự ái nghề nghiệp của một cán bộ công đoàn bệnh viện, bà buông đũa không ăn nữa : “ông soi mói vụn vặt nó vừa vừa thôi, đàn ông đàn ang gì thì nó cũng phải rộng lượng, có cái nhìn công bằng, bao dung một chút”.
Bả “chém” một hơi dài: “Trong lúc cả xã hội lùng nhùng, thiếu chuẩn mực thế này thì cách làm như vậy ở các bệnh viện là rất tử tế, rất đáng khen cái tập thể đó; có thế mới đảm bảo giữ chân được những người có tâm huyết với nghề, ông thử nghĩ xem, nghề Y chúng tôi học 6 năm, 9 năm ra trường được trả lương 3 triệu đồng nhưng lúc nào cũng đòi hỏi y đức, sáng ra sấp ngửa không thể chậm một phút, đến bệnh viện, khoác áo blu vào là đóng khung cả ngày với bệnh nhân, là quanh quẩn với bệnh tật, với máu me, với vi trùng, với tia xạ…có quá cẩn thận, xét nghiệm thêm một chút, chạm vào kinh tế thì ai cũng săm soi, đàm tiế. Các ông thì sao? 7 giờ bắt đầu giờ làm thì 8 giờ vẫn chưa ăn sáng xong; 5 giờ hết giờ thì 4 giờ đã ngồi quán bia rồi; đến cơ quan thì nước chè, thuốc lá, xong thì đọc báo, vào mạng chit-chat rồi blog bleo, rồi lên face xem người ta có hở cái gì ra thì ỏng eo chê bai, phê phán. Các ông làm được cái gì cho đời, học đại học 5 năm thì 7 năm mới ra trường, ra trường rồi thì lên xe, xuống ngựa, bay ra, bay vào, nay cắt băng khánh thành, mai vỗ tay động thổ, phong bao phong bì trao tay hợp pháp. Sao ông không thắc mắc đi”.
 Hoảng quá, tôi chen ngang: “tôi làm gì đâu mà hăng thế, nói nhỏ không hàng xóm nghe thấy, mai kia chi bộ tổ dân phố sinh hoạt 76 thì lại khổ tôi”. Vợ tôi ngắt ngay: “Tôi không làm gì phải sợ dư luận, ai có tật thì người ấy giật mình, sợ gì công quyền khi mình không sai, khi người ta không công bằng. Ông thử đặt mình vào nghề  y xem, Chữa bệnh cho người ta xong, may ra được nhận giỏ quà cảm ơn có mấy quả cam bệnh nhân ăn không hết, cái phong bì lép cũng không được phép; bây giờ xã hội hóa rồi, tiền tệ hóa rồi, không có tiền thì không chữa, y đức gì mà om sòm lên, chữa cho bệnh nhân không tiền tạm ứng, xong việc mà không thu được thì bán nhà đi đền à. Tôi đi ra ủy ban phường kia xin cái giấy chứng nhận nhân thân, không có tiền lót thì cũng không được; Tốt nghiệp đại học, muốn đi làm không có trăm triệu không xong. Bác sỹ không “ăn bẩn” trong bệnh viện, về nhà chữa bệnh ngoài giờ, thiếu cái giấy phép thì hết người này đến hỏi giấy, người kia đến hỏi bằng; có giấy phép mà chẳng may vô ý để hậu quả xấu thì cả xã hội nhao nhao đòi Bộ trưởng Y tế từ chức, Bộ trưởng liên quan gì ở đấy, có chăng thì là Bộ trưởng y tế không làm gì đươc để cho nhân viên y tế đỡ đói thôi chứ, mà nhân viên y tế là người ăn lương từ Bộ nhưng là sản phẩm của cả xã hội chứ, của riêng gì ai nào. Người ta là nhà khoa học, không biết đường pi-a (PR), không khéo ăn khéo xử để vừa lòng các vị thì các vị kết tội… “Ngọc còn có vết”, huống chi con người? Con người quý lắm, nhìn nhận đánh giá một con người thì người đánh giá phải chuẩn mực, cần nhìn vào cái tốt, cái việc làm được của người ta mà xem xét, thử đặt mình vào địa vị người ta cái đã. Cái chưa được của người ta nhưng nếu là bản thân mình thì chắc gì đã làm tốt hơn. Chỉ có tiểu nhân mới chơi “chiếu hậu” như vậy. Ông thử xem các ngành khác thì sao? Công an bắn nhau chết, “vô tình” đánh chết dân thì sao? Kiểm sát cố tình kết luận sai, tòa án không có lót tay, xử bỏ tù oan thì sao? Cùng là nhân viên của các Bộ làm sai cả, sao không thấy ai yêu cầu các Bộ trưởng từ chức đi? Có phải vì sợ các cơ quan công quyền, tư pháp hay không? Hay chỉ tại bà Tiến là phụ nữ thì các ông bắt nạt, hay vì y tế chỉ làm tốt cho người khác, không biết làm hại được ai thì các ông không sợ?”…..
O! Cái bà này! Chộp lấy cái điện thoại trên bàn: “alo alo, Sếp gọi ah? thế hả? tôi đến ngay!”, đóng sầm cửa tôi đi ra cổng, lúc này mới chợi nghĩ ra là điện thoại chưa đổ chuông, mà mình cũng chưa bấm gọi. Mỉm cười, dựng tóc gáy! Đúng là dại mặt, tự nhiên bị “hứng đòn” thay! Thôi,  vật vờ đâu cho hết ngày rồi về, không có nhỡ lại chuyển sang chủ đề tiền lương, tiền điện, tiền nước, tiền đóng học cho con… rồi “nhắc khéo” thì rách việc! Không biết làm sao mà hôm nay “mụ” lý luận ghê thế? có thể vào bữa cơm, “mụ” đang nghĩ tối hôm trước tôi “đi bụi”! đúng là “quá giận mất khôn”. Biết trước được rằng có ngày “cãi tay đôi” thế này thì 25 năm trước “dẹp luôn”, “ông” không thèm chơi với chó.

                                                                            Hà Nội 20/8/2014



9 tháng 9, 2014

Gặp nhau lần nào cũng vội.....



* Gặp để chia buồn cùng bạn …..

Sáng 30 tháng 8 nhận được điện thoại của Cao Liên báo: Mẹ Bình mất, 17giờ 10cF tập trung tại nhà Nghĩa “ Lãm” để tổ chức đi viếng. “ Ông” ở dưới ấy có lên tham dự được không? Tôi đáp: để tôi sắp xếp có gì tôi báo lại sau.
 9 giờ 30 Văn Minh gọi điện báo tin và bảo tôi thông báo cho các thành viên 10cF khác ở khu vực Hà Nội, tôi nhất trí và bảo có gì báo lại cho Văn Minh sau. 
10 giờ 45 Hoa Mai báo đang ở Cầu giấy nếu có đi thì  cho đi cùng. OK .
15 giờ 20, Thanh Hà gọi điện thoại : xe đã đến ngõ, ra ngay. Tôi vội vàng chuẩn bị rồi đi ra vì cứ nghĩ 15 giờ 30 xe mới đến. Xe qua cầu Yên Hòa phía đường Nguyễn Khang đón Hoa Mai rồi chạy một lèo lên nhà Nghĩa ở ngã tư Phúc Yên. 
Đến nơi điều ngạc nhiên nhất khi vào nhà Nghĩa là thấy Nhường và Lý. Hai ông bạn ở xa lắc, xa lơ tận trong  miền nam sao nay cũng có mặt. Hỏi ra mới biết Lý từ Sóc Trăng ra quê Khả Do lo tiền để vào thành phố Hồ Chí Minh mổ tim (Ngày, tháng, giá cả dịch vụ mổ tim bệnh viện tim đã báo cho Lý rồi). Còn Nhường thì cũng từ Ban Mê Thuột về quê chơi nên khi nghe tin mẹ Bình mất Lý,Nhường cũng ra nhà Nghĩa vừa để gặp gỡ các bạn và đi viếng mẹ Bình cùng với lớp. Nói chuyện, hỏi han đợi chờ các bạn đến sau. 17 giờ 15 đoàn hơn 20 người xuất phát đi đến nhà Bình. Sau khi làm xong mọi thủ tục 17 giờ 50 mọi người chia tay (vì sát ngày nghỉ mùng 2 tháng 9 nên nhà ai cũng bận).









*Và gặp để đón bạn xa về....

         Sáng mùng 5 tháng 9, Văn Minh thông báo : Đầu năm học  thời gian còn rảnh rỗi với các thầy cô giáo. Các bạn Lý, Nhường,Trọng Hiền ở miền nam ra bắc, Thanh Huyền từ Tuyên Quang về chơi, 10cF tổ chức gặp mặt đón tiếp các bạn. Thời gian 17 giờ ngày mùng 6 tháng 9. Địa điểm tập trung tại nhà Văn Minh sau đó đi tiếp đâu tính sau.
          10 giờ 15 ngày mùng 6, Thanh Hà gọi bảo Thanh Hà Và Trọng Hiền đi trước vì còn vào thăm cô Trâm. 17 giờ 15 tôi cùng Việt Thạch đến nhà Văn Minh, ngoài Trọng Hiền, Nhường,Lý lại có cả Thanh Huyền từ Tuyên Quang xuống và Đồng Minh ở Hải Dương lên, thật vui. Tôi còn mong chờ thêm Giang đến( theo như đã hẹn trên điện thoại) thì vui biết mấy nhưng chắc “Nhà đài QPVN” bận nên Giang không đến được.    












17 giờ 40,Tiến Hùng tới, tất cả kéo nhau đi ăn. Lượng người vừa tròn 4 mâm 6 (một số bạn bận không đến được).
Nâng ly , giao lưu,trêu đùa,hát trường ca Bến tre 














Giữa chừng Bình đến. Tuy đang còn bận chăm sóc bố ốm nằm trong bệnh viện nhưng Bình vẫn cố gắng sắp xếp tới gặp  bạn bè để cảm ơn các thành viên 10cF đã tổ chức đến viếng và chia buồn cùng gia đình khi mẹ Bình mất. Nhưng Bình không thể ở lại đến cuối được vì còn phải quay lại bệnh viện  chăm sóc bố . 




 


Đến 20 giờ vì nhiều bạn ở xa lại cận ngày têt trung thu nên ngay sau khi chụp ảnh chung, các thành viên 10cF chia tay nhau hẹn ngày gặp lại.