27 tháng 9, 2013

Thầy Ngọc




Thầy dạy văn lớp 10c năm 77, nhà Thầy ở Làng Mới, phía sau công ty TOYOTA bây giờ, tôi biết vậy nhưng chính xác thì không, Thầy dạy môn học chính, có số giờ lên lớp cao, nhưng có lẽ vì Thầy kiệm lời nên lũ học trò chưa giành cho Thầy sự quan tâm đúng mực. 10c F có ai còn nhớ Thầy không? Tôi còn nhớ Thầy thấp, đậm, trán cao, Thày nghiện thuốc lá .. dáng vẻ Thầy rất lam lũ và rất ít cười; sau mỗi giờ lên lớp Thầy đi về phòng nghỉ giành cho giáo viên và hút thuôc, trống trường điểm Thầy lại có mặt ngay, y như là Thầy chỉ đứng ngay hành lang vậy; tôi chưa thấy khi nào Thầy ngồi lại trong lớp tâm sự cùng học trò, chắc Thầy muốn giành cho lũ học trò một sự tự do thoải mái trong giờ giải lao.
Cuối học kỳ hai, năm học 1977, sau nhiều lần cân nhắc, chắc chiếu cố lắm,Thầy Ngọc chốt lại điểm tổng kết văn của tôi ở 4.5; Nhớ lâu vậy thôi, thực lòng tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng khi nhận kết quả đó, không buồn cũng chẳng hân hoan…..chắc ít có ai lại thờ ơ với kết quả chơi vơi như vậy, với tôi thì lúc đó nghĩ thế là mãn nguyện rồi, tôi đã được rèn luyện thói quen và có kỹ năng chấp nhận kết quả thấp. Từ bé sinh ra tôi vốn đã ít người vồ vập, quan tâm nếu không muốn nói là lạnh nhạt, xa lánh; chỉ trừ những người thân trong gia đình. Trong mười năm 1966-1977, biểu đồ học tập của tôi khi học phổ thông là một đường phẳng dưới nền, có hai lần “sáng loé”, nếu giầu trí tưởng tượng thì hãy tưởng tượng như ngọn nến lắt lay, bùng lên hai lần khi đến đoạn bấc có nước. Lần thứ nhất 1967 khi học lớp 1, chữ viết của tôi khá đẹp nhưng điểm không cao nên không được chọn vào đội thi học sinh giỏi; cuối buổi lên lớp, chuẩn bị nghỉ cuối tuần, tuần tiếp theo nhà trường sẽ lập hội đồng thi học sinh giỏi; cô giáo Hiển hỏi cả lớp : “Có em nào xung phong đi thi học sinh giỏi không”; duy nhất, có một cánh tay thập thò..thế là tôi đi thi “học sinh giỏi” môn văn. Đề bài là : “Tả cảnh sân trường em trong giờ ra chơi”. Có lẽ “ma xó” chỉ điểm không thiếu chi tiết nào trên sân trường nên tôi “ẵm” ngay giải nhất. Hân hoan chẳng được mấy ngày, kết quả học tập của tôi lại về với mức cũ: trên /dưới điểm trung bình. Sau này học lịch sử đến những sự kiện mà khởi nghĩa đã thắng lợi nhưng sau đó lại mất chính quyền ngay thì tôi liên tưởng ngay  đến kết quả học tập của mình: đúng là giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn. Năm 1974, không hiểu tả xung hữu đột thế nào mà hai môn văn và toán của tôi cũng đạt điểm khá cao, kết quả thi tốt nghiệp đủ để được nhận thẳng vào lớp 8, không cần qua thi đầu vào; bạn bè nhìn tôi bái phục; Bố tôi thưởng ngay cho ba tháng hè nghỉ hẳn chuyện học tập và gửi đến một đội sản xuát của Nông trường Tô Hiệu, cho làm quen với lao động chân tay. Sau ba tháng hè, về đi học thì tôi chẳng còn tý kiến thức nào trong đầu và lại lọt vào danh sách “chăm sóc đặc biệt” của nhà trường. Năm 1975, chuyển về học ở trường Bến Tre, do được phụ huynh trao đổi trước nên cô Trâm xếp cho tôi ngồi giữa Mai và Hải, tưởng rằng thằng bé “nên người” ngay nhưng ngờ đâu kết quả lại ngày càng thê thảm. Có lẽ lúc đầu cô Trâm tưởng hai bạn sẽ giúp tôi khi học tập và làm bài kiểm tra, nhưng cô có biết đâu “chúng” săm soi, ghi sổ các tội “con kiến” của tôi và mỗi lần kiểm tra thì tay che, tay viết, chẳng cho tôi một cơ hội sao chép nào, thật là “gửi trứng cho ac”. Thôi, đành lòng vậy, cầm lòng vây; chẳng ai người ta có nghĩa vụ phải yêu quý mình cả, kệ thôi, ghét họ cũng chẳng được gì thì …..vậy, để cho có quan điểm và thể hiện bản lĩnh…
Bố tôi, một con người năng nổ, tiếng nói của Ông một thời có trọng lượng trong Tỉnh, là người giám nghĩ giám làm; hết mực thương con, và biết được trước những gì chúng sẽ gặp phải. Năm 1975, Ông chuyển mẹ con chúng tôi về quê, một mình ở lại Sơn La tiếp tục công tác; sau này, tôi mới biết đến từ “bất đồng quan điểm”. Mỹ miều thế thôi chứ trong tổ chức nào cũng nảy sinh những mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn một cách quyết liêt; tất nhiên cái gì đến nó phải đến, chỉ có điều là do biết trước đường đi của tôi nên Ông cố ở lại , chịu đựng thêm ba năm nữa, đẩy được tôi vào trường đại học rồi Ông mới làm đơn nghỉ sớm và ba-lô, túi nải về quê. Rời chốn quan trường về nhà buồn lắm, lúc ấy Ông mới 57 tuổi, Ông ủ rũ hàng tuần, rồi cũng tự tìm ra nguồn vui cho bản thân, đồng thời đó cũng là kế sinh nhai cho cuộc sống hiện tại. Có lẽ do trước kia Ông phụ trách về Nông nghiệp trong Tỉnh nên Ông thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, tức là “Ưu tiên Nông nghiệp một cách hợp lý”. Chỉ sau vài tháng chuẩn bị, bẵng đi một thời gian, đã thấy đàn lợn con lăn lóc trong chuồng. Bố mẹ tôi đã quyết định nuôi lợn nái và tham gia hội chăn nuôi khu vực Phúc Yên. Một hôm, từ trường về nghỉ cuối tuần, qua cổng, tôi thấy trong sân có hai xe đạp cũ (nhìn kỹ, không thấy có xe Favourit), tôi đi thẳng xuống bếp, Mẹ tôi đang lúi húi nấu cám, hỏi ai đang ngồi với bố, mẹ tôi bảo có chú Ngọc, tổ trưởng hội chăn nuôi, đưa thú ý đến chữa cho đàn lợn. Chết thật! người ốm còn được chứ lợn ốm thì gay quá, cả nhà trông vào con lợn nái. Tôi ra ngay chuồng lợn, thấy “Nàng” đang khó nhọc thở, nhìn tôi lơ đãng. Tôi cảm thấy buồn nẫu ruột, chẳng là Bố tôi bảo: xuất lứa này sẽ mua cho tôi cái xe đạp Thống nhất để đi học cho chủ động… gay quá, chắc lại lỡ kế hoạch rồi. Lên nhà trên, chào Bố và khách của Bố, thoáng giật mình, hình như Thầy Ngọc dạy văn, rất nhanh tôi chào hai chú và Bố xong lại quay xuống bếp; băn khoăn mãi, sao Thầy mình lại tham gia hội chăn nuôi? Thầy phải thanh cao lắm cơ mà? Và tôi cũng coi như thầy trò chưa hề quen biết, không hiểu Thầy có nhận ra tôi không? tôi cố lảng tránh Thầy, tôi sợ phải động trạm đến điểm trung bình dưới năm hay tôi sợ phải nhìn thấy một sự thật là Thầy mà cũng phải nuôi lợn, Thầy chỉ dạy tôi thôi chứ sao thầy lại dạy cả lợn; thế ra tôi cũng bằng…… ah? Tôi không nghĩ là nuôi lợn cũng chỉ là một công việc bình thường và đáng trân trọng như bao việc khác. Lúc đó, tôi chấp nhận là Bố mẹ tôi nuôi lợn là để mưu sinh, để nuôi chúng tôi ăn học, nhưng tôi lại không giám chấp nhận Thầy cũng phải mưu sinh và nuôi các em ăn học; Tôi chưa nhận thức được: lên lớp là một nghề và nuôi lợn cũng là một nghề, tất cả đều đòi hỏi hiểu biết và nhiệt tình như nhau; tôi vẫn coi nuôi lợn là một đẳng cấp thấp trong xã hội, Tôi không giám thừa nhận Thầy là “Nhà nuôi lợn”, lúc đó tôi có cảm giác là “nhà nông” có khi được xếp hàng cao hơn là “nhà nuôi lợn”, khi về hưu thì chỉ quanh quẩn với mảnh vườn trồng hoa , vuông ao thả cá nhìn vào thấy thanh cao làm sao. Hồi đó tôi chưa biết gì về đầu tư, vốn ban đầu và doanh thu, lãi xuất. Tôi vẫn giữ suy nghĩ: Vinh dự nhất là Bộ đội, tiếp đến là Giáo viên, Bác sỹ, tiếp theo là Công nhân, sau nữa là Nông dân… và nuôi lợn là không xếp hạng (lúc đó bộ máy Công an còn sơ khai, thương nhân lại còn chưa được công nhận, chỉ được ám chỉ miệt thị là “con phe”). Sau này, khi đất nước thực hiện “chính sách mở cửa”, người ta nhìn lại lịch sử có những chuyện cười rơi nước mắt. Lúc đó, tôi mới thấy sự ấu trĩ của một thời chưa xa, một thời mà nhiều người coi thường lao động chân tay, làm gì lam lũ cũng lo bị coi thường. Người ta kể rằng một lần, đội quy tắc khu phố đến lập biên bản: “Giáo sư Văn Như Cương nuôi lợn trên tầng bốn khu tập thể…..” Ông rứt khoát không ký biên bản và yêu cầu đổi lại chủ ngữ mới chấp nhận, tức là “Lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương trên tầng bốn….”, Đọc xong câu chuyện này tôi không thể không cảm phục suy nghĩ rất đời thường của Giáo sư và cũng không thẻ không soi lại suy nghĩ của  mình. Chuẩn mực cuộc sống mà mình suy nghĩ bấy lâu nay đảo lộn hết cả. Con người ta, trước hết phải làm con, làm người rồi mới làm được ông nọ bà kia.. tức là phải tồn tại trước khi phát triển, Phát triển rồi thì mới thấy không con đường nào, nghề nào sang hơn, hèn hơn nghề nào...
                                                                                 Hà nôi, 9.2013


20 tháng 9, 2013

Giao thoa văn hóa: Dự đám cưới con bạn Trần Phương Lan




Nhận lời mời của Trần Phương Lan (nữ lớp trưởng lớp A, học giỏi và xinh đẹp năm xưa của trường cấp III Bến Tre niên khóa 74- 77 hiện đang cùng con gái định cư tại CHLB Đức) tới dự đám cưới cô con gái “rượu” của bạn tổ chức tại Việt Nam. chiều ngày chủ nhật 15 tháng 9,Tôi và TH  lên đường.
17 giờ 10 phút chúng tôi đã có mặt ở sảnh tầng 1 khách sạn  INTERCONTINENTAL HANOI  WESTLAKE   ( số 1A, Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội). 

Chúng tôi gặp cô Trâm  và cô Chi ( vợ thầy Bảo và là mẹ của Trần Phương Lan). Do chưa đến giờ nên sau khi chào hỏi các cô, chúng tôi vào gặp các bạn cùng khối: Đức “sửu”, Thu Hòa, Quốc, Hương Lan, Phượng, Bính (đã đến đây từ bao giờ). Đang nói chuyện thì thầy Trần Bảo (Nguyên hiệu trưởng trường cấp III Bến Tre) đến, chúng tôi chào và hỏi thăm sức khỏe của thầy. Thầy vẫn khỏe mạnh và phong độ như hôm lên dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Được một lát có khách quan trọng tới, cô Chi gọi, Thầy ra tiếp khách. Chúng tôi ngồi lại nói chuyện với nhau và chờ Lương (lớp10D), Tự Minh  tới để lên tầng 2 dự tiệc cưới ( LTM bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội từ trưa để dự cưới và kết hợp giải quyết công việc của doanh nghiệp luôn).










 Rồi Tự Minh và Lương cũng tới, chúng tôi lên tầng 2 chứng kiến tiệc cưới giao thoa văn hóa giữa châu Âu và Châu Á ( Cô dâu Trần Phương Anh người Việt và chú rể Noach Kilian người Đức). Nhìn các bạn nước ngoài trong vai trò phù dâu,phù r ể xúng xính trong trang phục truyền thống của Việt nam thật đẹp. Các bạn sử dụng  trang phục không chút lúng túng, ngượng ngùng mà còn tỏ vẻ thích thú là đằng khác. Đám cưới được tổ chức,trang trí theo phong tục Việt như bao đám cưới khác ở Hà Nội. Cô, dâu chú rể ăn mặc theo đám cưới truyền thống của Việt nam (mặc dù chú rể là người Đức).














 



Sau khi các quan khách đã an tọa, Cô dâu, chú rể bước vào phòng cưới giữa tiếng vỗ tay của hội hôn và pháo giấy do các bạn người Đức đảm nhiệm. sau đó là màn ra mắt của bố mẹ hai gia đình, là lời phát biểu của đại diện nhà trai và lời cảm ơn của nhà gái. Có khác chăng là người chủ trì, trưởng ban tổ chức hôn lễ không phải ai khác mà lại là bố cô dâu, đồng thời cũng là thông dịch viên cả ba thứ tiếng Việt, Anh, Đức trong buổi lễ. Là lời phát biểu hết sức trịnh trọng của đại diện nhà trai với văn phong của một chính trị gia được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước bằng văn bản và được dịch sẵn chạy trên 2 phông đèn chiếu trên tường phòng cưới. Có lẽ đây là nét riêng duy nhất theo phong cách “Âu” của đám cưới này.
























 Chúng tôi cùng nâng ly chúc cho hạnh phúc cho cô dâu, chú rể. Mừng cho Lan và mừng cho thầy Bảo, Cô Chi đã có con, cháu ngoan, rể hiền và không quên nguồn cội. Mừng cho đám cưới giao thoa giữa ba nền văn hóa: Việt, Đức và Anh (mẹ chú rể là người Scotlen) đã diễn ra tốt đẹp như lời của bố cô dâu thay mặt cho ban tổ chức cảm ơn quan khách sau tiệc cưới.

 
 


Một chút thời gian bên ly cà phê trong không gian tuyệt vời của Hồ Tây & những lời chia tay xen lẫn những hẹn ước gặp lại...















LTS : Hình ảnh về đám cưới bình dị nhưng trang trọng như bao đám cưới khác ở Hà Nội mà tôi từng tham dự. Có khác chăng là có thêm hình ảnh các bạn “tây” mặc trang phục Việt dự đám cưới theo truyền thống Việt mà thôi.