24 tháng 4, 2016

Miền tây (2): SÓC TRĂNG - CẦN THƠ


Rời Bưng Tróp A bằng đường 1(tỉnh lộ 938), chúng tôi ra quốc lộ 1A. Qua khu công nghiệp An Nghiệp, xe xuôi xuống thành phố Sóc Trăng . Đến Miền tây mà không thưởng thức món ăn Miền tây như thế nào thì thật uổng nên xe chúng tôi dừng lại ăn trưa ở quán cơm "Lẩu mắm Cây Dừa 101B Hùng Vương". Thật lạ cho quán, biển hiệu thì đề địa chỉ "101B Hùng vương" trong khi biển số nhà lại là 203 (không biêt đằng nào mà lần nếu tìm địa chỉ theo biển hiệu). Khi bàn ăn được dọn ra, đĩa rau xanh, nồi lẩu với đĩa thịt cá, mực, đĩa bún kèm thêm: tép, tỏi, chanh, vài lát ớt trong đĩa mắm, trông thật tươi ngon và sinh động. Với vài lon bia và cái bụng rỗng, nồi lẩu và đĩa rau đã bay đi để lại dư vị chua, cay, mặn , ngọt nơi đầu lưỡi thực khách của món ăn dân dã miền tây sông nước. Chúng tôi đã ấm lòng để tiếp tục lên đường.



 Đi lòng vòng trong thành phố khoảng 5 km, chúng tôi đến chùa Dơi. Chùa Dơi hay còn gọi là chùa Mã tộc ( chùa Mahatup). Tiếng khơ mer gọi là se rây téc bô ma ba túp có nghĩa là do phúc đức tạo nên. Chùa nằm trên đường Mai Thanh Thế khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng. Chùa được xây dựng từ năm 1569 ban đầu bằng gỗ và lợp bằng lá dừa nước. Được trùng tu tôn tạo nhiều lần trong đó tòa chánh điện được trùng tu năm 1960 bằng vật liệu bê tông, ngói. Khuôn viên chùa cổ kính và thanh tịnh với rừng cây Sao và Dầu cổ thụ. Nơi đây có những ngôi tháp mộ mang kiến trúc đặc trưng bà con dân tộc khơ mer Sóc trăng. Nét độc đáo của chùa là nơi  đây hội tụ của hằng hà sa số dơi ngày thì tản đi ăn chiều tối bay về đậu kín cành cây trong chùa (chủ yếu là dơi quạ và dơi ngựa) có con lớn sải cánh lên hàng mét, tiếng vỗ cánh của chúng khiến những người yếu bóng vía cũng phải run sợ. Chúng tôi đi vãn cảnh chùa rồi dừng ngắm mấy chú dơi đang trễ nải treo mình trên cây trông như những bọc lá cây héo khô dưới tán lá xanh.14 giờ 50, chúng tôi rời chùa Dơi sang vãn cảnh chùa đất sét (cách đây hơn 4km)




15 giờ 03, chúng tôi tới chùa đất sét còn gọi là Bửu sơn tự nằm tại 286 Đường Tôn Đức Thắng, phường 5 thành phố Sóc Trăng. Đây cũng là một chùa nổi tiếng của Tỉnh Sóc Trăng. Chùa được xây đầu thế kỷ 20 do dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia. Ban  đầu là am nhỏ bằng cây trên diện tích nhỏ hẹp.Đến đời thứ tư mới được tôn taọ mở rộng và thêm nhiều pho tượng làm từ đất sét có pha trộn bột nhang ( hương) cùng keo ô dước để không bị sứt mẻ và được sơn phết tỷ mỷ bằng sơn và dầu bóng ( từ năm 1928 đến 1970) Chùa có kết cấu đơn giản xây dựng bằng vật liệu hiện đại. Do chùa của dòng họ nên không có sư, không nhận tiền công đức của khách thập phương. đặc điểm nổi bật của chùa ngoài hàng ngàn tượng đất sét còn có 4 đôi đèn cầy( nến) cao lớn được đúc năm 1940. Trong đó có 3 đôi đường kính 1m cao 2,6m mỗi chiếc cần 200kg sáp để đúc.một đôi nhỏ đúc bằng 100kg sáp. Hai cây nến nhỏ này cháy từ ngày 18/7/1970 đến nay chưa hết ( phỏng tính mỗi cây cháy khoảng 70 đến 80 năm mới hết. Ngoài ra cò 3 cây nến nhỏ cao 1,5m nặng 50kg chưa đốt.Chùa nhỏ, tượng nhiều, chúng tôi lướt nhanh rồi ra xe quay về Cần Thơ cho kịp chương trình buổi tối.


    

15 giờ 15, rời chùa đát sét quay ra quốc lộ 1A chúng tôi về lại Cần Thơ. 16 giờ 25 (với quãng đường 60km) xe về tới nhà Nhung ở đường Trần Hoàng Na. Chúng tôi ra nhà nghỉ cạnh đó để nghỉ ngơi, tắm rửa sau chuyến đi dài và cũng là để thư giãn chuẩn bị cho "trận chiến đấu tiếp theo". Theo hẹn, 17 giờ 25 phút chúng tôi đã có mặt tại nhà Nhung. Nhà Nhung mới được cải tạo lại, nâng nền lên cho cao bằng  đường hợp lí hơn so với 2 năm trước đây 10cF vào thăm. Tối nay trong bữa nhậu, ngoài vợ chồng Nhung , vợ chồng cô con gái, Châu cậu em trai, đặc biệt còn có bố Nhung. Cụ đã 86 tuổi nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn (nói trộm vía cụ). Hàng ngày cụ vẫn đi bộ tập thể dục hàng cây số. So với cách đây 2 năm lớp vào thăm cụ vẫn vậy. Bên nồi lẩu Ba Ba và món Ốc bươu luộc, mọi câu chuyện cũ, mới lại được nói ra. Cụ (bố Nhung) vẫn còn trăn trở lo cho cô con gái, con rể tuổi đã xế chiều vẫn còn phải vất vả kiếm ăn mà không có đồng lương hưu như bạn bè khác. Thật may, tối qua anh " Năm xị" ( biệt hiệu của anh Đức chồng Nhung hôm nay chúng tôi mới biết) và Châu đã cho Trọng Hiền "quắc cần câu" nên tất cả đều thống nhất hôm nay uống vừa phải để còn ra bến Ninh kiều lên thuyền ra sông nghe hát bù cho cách đây 2 năm.

20 giờ 10, chúng tôi tới bến Ninh Kiều. Hôm nay là ngày thứ bảy nên có chương trình miễn phí bán vé cho khách lên du thuyền Cần Thơ vào lúc 20 giờ. 

Nói là miễn phí nhưng ở tầng 3 đẹp nhất (nơi sân thượng) và các địa điểm có vị trí đẹp ở tầng dưới đều có người quen nhà tàu đặt hết rồi. chúng tôi lên tầng 3 ngắm cảnh rồi xuống tầng 2 nghe ca nhạc tạp kỹ trong khi du thuyền nhổ neo đi về phía cầu Cần thơ (như nghe hát trên sông Hương). 




20 giờ 30 du thuyền rời bến, lênh đênh đến 22 giờ tàu trả lại khách nơi bến Ninh kiều. Vẫn chưa đã, chúng tôi men theo bờ sông ngược về phía cầu Cần Thơ đi dạo trên cầu đi bộ trên sông mới được xây dựng


23 giờ chúng tôi lên xe ta xi trở lại đường Trần Hoàng Na kết thúc ngày đầu tiên ở Miền tây sông nước.


15 tháng 4, 2016

Miền tây (1): SÓC TRĂNG









Tưởng rằng những trục trặc ở những ngày cuối phải thay đổi lại lịch chuyến đi miền tây. Các phương án 1,2, 3 đã được đưa ra nhưng ơn giời đến phút chót mọi việc lại ổn thỏa nên chuyến đi không phải hoãn lại.
Đầu tháng 4 dương, nhưng lại là những ngày cuối tháng 2 âm nên Hà nội đang những ngày trở lạnh kèm theo mưa. Thời tiết thật oi nồng,thuận lợi cho cây cối đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái nhưng thật khó chịu cho mọi sinh hoạt của con người.
5:00  xuất phát từ Hà nội ra sân bay làm thủ tục...
7:38  máy bay rời đường băng cất cánh trong thời tiết mù sương

Sau khi đạt độ cao của trần bay, như mọi lần mọi người có thể tháo dây an toàn để đi lại nhưng do thời tiết xấu, tiếp viên trưởng liên tục nhắc nhở mọi người thắt dây an toàn và hạn chế đi lại do máy bay đi vào vùng nhiễu động. Cảm giác máy bay rung lắc khá rõ nhưng càng về phương nam thời tiết càng tốt hơn. Ngồi bên cửa sổ ngay trên cánh máy bay, tôi đã thấy những núi mây trắng xốp như bông lô nhô trong ánh nắng vàng như Hạ long trên trời dưới cánh máy bay.
9:28  máy bay bay qua sông Hậu từ từ đáp xuống sân bay Cần Thơ


Đón chúng tôi là 2 thành viên của 10Cf. Phan Huyền Nhung - Người đẹp Tây Đô & Nguyễn Trọng Hiền ( Cựu Chiến Binh ) từ thành phố Hồ Chí Minh xuống từ chiều tối hôm trước.Theo lịch trình chúng tôi bỏ đồ lên xe 7 chỗ (biển xanh) rồi theo đường quốc lộ 1 thẳng tiến Sóc Trăng.

Theo đúng kế hoạch ,cả nhóm sẽ ghé qua nhà Lý - một thành viên của 10C family hiện đang làm ăn tại Sóc Trăng-vùng có khá nhiều người Khơme sinh sống...
Cầm địa chỉ đã có , với sự "giúp đỡ" dẫn đường của chiếc điện thoại Smarphone, cộng thêm sự hướng dẫn "từ xa" của Lý :) Xe chạy nhanh theo quốc lộ 1, qua thị xã ngã 7  tới ngã tư chợ An Trạch  Xã An hiệp, huyện Châu Thành rẽ phải vào đường tỉnh lộ  938 . Qua cầu là ấp Giồng Chùa A, Bưng Tróp B , đến ấp Bưng Tróp A  xe dừng đỗ ngay bên trong sân chùa Kon Pong Tróp.


Từ đây vào nhà Lý còn khoảng 1km đi theo thuyền trên kênh hoặc đi theo đường bê tông rộng 1m sau đó lên thuyền sang kênh ( nhà Lý bên kia kênh). Trong khi chờ người ra đón bọn tôi đi vãn cảnh chùa. Đây là chùa người Khơ me nên mang nhiều nét đặc trưng chùa khơ me Nam Bộ. Gần đến ngày lễ tết Chaul Chnam Thmey ( từ 14/4 đến 16/4 hàng năm) của người Khơ me nên nơi đây đông người đang tiến hành sửa sang trang hoàng và làm nơi diễn ra các trò chơi đón tết






Ngỡ là Nhung đi một mình nên người nhà Lý ra đón Nhung bằng xe máy. Sau khi biết có thêm chúng tôi nên sau khi đưa Nhung về, Chi con trai cả của Lý đưa xuồng máy theo kênh ra đón. Thật thích khi đi xuống miền tây được đi xuồng máy trên sông nước. Được nghe tiếng máy nổ ròn rã của động cơ Koler, tiếng nước bị mũi thuyền xé ào ào, được nhìn phong cảnh hai bên bờ kênh xanh mát thỉnh thoảng có con cò trắng thấy động vụt bay lên thật thú vị và nên thơ biết bao. Đôi lúc gặp đám lục bình quá dày làm tắc chân vịt, Chi phải tắt máy nhắc chân vịt lên để gỡ rồi nổ máy chạy tiếp hay tắt máy chạy ép sát bờ kênh nhường đường cho xuồng có máy công suất lớn chạy qua. 11 giờ 53 phút chúng tôi xuống xuồng tại bến chùa Kon Pong Tróp, 12 giờ 14 phút đến nhà Lý ( chậm do mất thêm thời gian Chi chạy ra chợ mua thay cái chân vịt).


Đón đoàn là Trí vợ Lý, hơn 25 năm gặp lại nhìn Trí vợ Lý không khác xưa là mấy. Bắt tay, chào hỏi, giới thiệu từng người, chúng tôi vào nhà uống nước.
Hôm nay nhà Lý có việc nên hầu như mọi người có đủ cả trừ Lý đang về quê và con gái lấy chồng dạy học ngoài bắc. Ngoài Trí vợ Lý còn có vợ chồng Chi con trai cả, vợ chồng con gái thứ đang là giáo viên và 4 đứa cháu nội ngoại. Qua nói chuyện, chúng tôi được biết nhà Lý chuyển vào đây từ năm 1992 theo bà bá lấy chồng tập kết. Hiện nhà Lý đang nằm trên đất mua lại với 15 công đất ( gần 2 héc ta) trồng lúa, rau màu và chăn nuôi trong đó có bò nhưng đã bán. Mùa này lúa chưa xuống giống ,đang trồng rau màu, nhà có cái ao và 2 rạch chứa nước ngọt nên mặc dù mặn xâm nhập ngoài kênh nhưng vẫn có nước ngọt tưới. Chi như một nông dân thực thụ bảo cháu ở đây đã quen nhìn màu nước ngoài kênh là có thể biết lúc nào lấy được nước ngọt trữ vào ao và 2 rạch nước không cần phải dùng dụng cụ đo độ mặn. Bốn năm trở lại đây nhà Lý đã có điện, đường nên việc đi lại cũng có phần thuận tiện hơn  Vì thời gian đã lập trình trước, chúng tôi không thể ở lại thăm nhà Lý lâu nên sau khi thăm ruộng,vườn cây chụp ảnh chung và từ chối khéo bữa cơm gia đình mời, chúng tôi chào tạm biệt gia đình.


12:40 chúng tôi lên xuồng Chi điều khiển chạy về bến chùa Kon Pong Tróp


Tạm biệt Chùa Kon Pong Tróp, tạm biệt ấp Bưng Tróp A chúng tôi ra tỉnh lộ 938 ra quốc lộ 1 A  xuống thành phố Sóc Trăng theo đúng lịch trình.