Một sớm cuối đông năm Đinh Dậu,chúng tôi cùng cô giáo chủ nhiệm Tạ Chí Dân ngược sông Hồng tới dòng Lô Giang lịch sử để thăm một người đồng nghiệp của cô giáo chủ nhiệm và cũng là một người thầy mà lứa học sinh 10cf khóa 1974-1977 trường cấp 3 Bến Tre Vĩnh Phú chúng tôi mới chỉ biết tên ( tác giả bài hát : Trường ca Bến Tre ) mà chưa hề biết mặt.
Có lẽ vì háo hức được gặp lại người bạn đồng nghiệp năm xưa và thêm một chút kỷ niệm bí mật nào đó mà lúc xe chạy đến gần cuối đường Láng cô Dân đột nhiên đọc mấy câu thơ:
"Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi."
Rồi cô hỏi em nào còn nhớ tên tác giả của bài thơ này không? khi được trả lời: của tác giả Thâm Tâm cô bảo ừ đúng rồi. Khi được các trò hưởng ứng kể chuyện cho cô chuyện ngày xưa chép thơ, đọc truyện và cả chiêu trò ăn trộm truyện của thư viện sau khi mượn đọc xong , cô bảo : Sao ngày xưa các em lại nghĩ ra được trò đấy nhỉ... Cung đường xa, cô là người có tuổi lại mới bị ngã, lưng còn đau , những câu chuyện vui vẻ sẽ làm cho đường như ngắn lại.
Xe qua thị xã Phúc Yên đón thêm một số thành viên 10 cf nữa rồi thẳng tiến đến Lập Thạch.Hoa tiêu dẫn đường là Văn Minh .Nhưng do nhà xe cậy họ hàng với " giáo sư Geogle" nên phái đoàn 10cf chúng tôi "được" thêm gần 1 tiếng đồng hồ dạo chơi "lòng vòng" vùng đất Tam Dương , Lập Thạch (chắc chỉ có Bằng Lăng Tím là có vẻ khoái trí vì được ngó lại chốn sơ tán ngày xưa )
Gần 11 giờ . chúng tôi mới đến nhà thầy Trịnh An Ninh. Do đã hẹn trước với Thầy , nên khi đoàn đến nơi đã thấy Thầy ra đón ở cổng .
Chúng tôi thật sự bồi hồi xúc động khi chứng kiến giây phút Thầy , cô đồng nghiệp gặp lại nhau sau bao năm xa cách.
Mất chừng mươi phút xúc động, tay bắt, mặt mừng, trao đi đổi lại, đoàn mới vào được trong nhà ngồi quanh ấm trà có in dòng chữ "Trường THPT Bến Tre thị xã Phúc Yên Vĩnh Phúc kinh tặng" để cho Thầy,Cô, trò hỏi thăm hàn huyên tiếp.
Về tác phẩm TRƯỜNG CA BẾN TRE , Thầy Trịnh An Ninh nói bài hát được thầy viết vào năm 1968. Cho đến tận bây giờ thầy vẫn không hiểu làm sao lúc đó lại có cảm hứng đến như vậy để viết nên bài hát này. Khi chúng tôi hỏi về lời bài hát xưa thầy viết ở đoạn 2: "theo cờ giải phóng Miền nam" hay " dựng xây Tổ quốc ngày mai". Thầy bảo " theo cờ giải phóng Miền nam" chứ và "Gian nan nào cản được bước chân của ta" chứ không phải :" luyện rèn trái tim của ta". Thầy còn hát và hướng dẫn ngắt nhịp ở câu : "Chào Bến Tre (2,3), ơi mái trường mến yêu " & cách ngân "Chào...Bến...Tre" khi kết thúc . Giọng thầy nhỏ nhẹ khi Tú đệm đàn organ dạo nhạc bài hát thầy còn nhắc chưa chuẩn nhịp đúng tông rồi. Chúng tôi ngồi nghe thầy hát , hướng dẫn và giải thích . Bao thắc mắc xưa nay đã được giải tỏa . Như vậy bài hát chúng tôi nghe và học truyền khẩu ngày xưa là đúng.Chúng tôi đã thể hiện đúng hào khí và nội dung lời của bài hát mà thầy đã sáng tác năm xưa.Phải chăng sau này lời bài hát đã được ai đó sửa đổi "những mong" cho phù hợp với thời cuộc!? Chúng tôi kể choThầy nghe 10cf đã từng hát vang bài hát này trên khắp mọi miền đất nước, những nơi 10cf đã đặt chân đến,kể cả trên đỉnh Fansipan nóc nhà Đông Dương cao 3143 mét . Trên mảnh đất quê hương , bên dòng Lô xanh , ngay trong căn nhà đơn sơ,Thầy thật sự xúc động khi hòa chung giọng hát cùng chúng tôi trong Trường Ca Bến Tre .Cả thầy và trò như thấy tâm hồn bay bổng về gặp lại trường cũ,người xưa .
Thấm thoắt đã quá trưa, thời gian chuyển sang chiều. Chúng tôi mời thầy cô đi ăn trưa để còn có thời gian tâm sự tiếp .Mặc cho chúng tôi nhiệt tình mời, & cô Tạ Chí Dân nói trong xúc động: "Cố gắng đi đi, vì đây có thể là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau", thầy vẫn nhẹ nhàng từ chối do sức khỏe không cho phép. Dùng dằng đến tận 12 giờ 45 chúng tôi đành xin phép thầy, cô ra về sau khi tặng quà và chụp chung với thầy cô một vài kiểu ảnh làm kỷ niệm.
Chào tạm biệt Bến Cát, tạm biệt dòng Lô, tạm biệt thôn Quan Tử xã Sơn Đông, tạm biệt người Thầy đáng kính, người đã cho thế hệ chúng tôi một tác phẩm để đời "Trường Ca Bến Tre". Bài hát ra đời trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, gắn liền với tuổi học trò chúng tôi. Chúng tôi ra về với lòng nhủ lòng sẽ còn thăm lại Thầy, để biết đâu còn được nghe Thầy hát cho nghe một bài hát mới sáng tác về cảm xúc gặp lại người nữ đồng nghiệp năm xưa như thầy tự ứng tác hát cho cô Dân và chúng tôi nghe trước lúc chia tay...