25 tháng 3, 2014

TRỞ LẠI VỊ XUYÊN



9 giờ 30 sáng ngày mùng 9 tháng 2 nhận được tin nhắn của anh Ty nguyên cán bộ tác chiến của trung đoàn :“ Ngày 15-3 tại HG họp mặt F313, ai tham gia đăng kí cụ thể. Ngày 14 viếng nghĩa trang, ngày 15 mít tinh. Tất cả tự túc”. Anh Ty nằm trong ban liên lạc F313 ở khu vực Hà nội đã thông báo vậy thì chuẩn bị đi thôi vì từ hồi rời sư đoàn (tháng 10 năm 1979) đến nay chưa một lần tôi có điều kiện trở lại (Bạn bè đồng ngũ cùng đơn vị còn tham chiến đến năm 1982 nếu không hy sinh cũng ra quân để lứa kế tiếp lên thay). Tôi cũng chuyển tin này cho Trọng Hiền nguyên chiến sỹ đại đội 16 (cùng trung đoàn) một thành viên của 10cF. Nhưng rồi Trọng Hiền ra Hà Nội dự cưới con của “Mắt Biếc” có cùng đồng đội (C16) lên Hà giang trước một tuần không ở lại dự kỷ niệm 35 năm thành lập sư đoàn được.

Chiều tối 12 tháng 3, theo lịch đã hẹn tôi lên nhà Mận tại Thường Lệ, Đại Thịnh để sáng sau đi sớm. 17 giờ, gần đến nơi thấy điện thoại anh Lợi ở Hải Phòng gọi té ra anh đã đến nhà Mận từ trưa. Tối thêm anh Ý, ông bạn Khai( học ở cấp III Bến Tre sau 1 khóa, cùng lớp với đôi mắt Pleiku, nhập ngũ vào cùng đại đội) cùng gia đình Mận, chúng tôi vào mâm liên hoan chúc đoàn lên đường thuận lợi ( Khai không đi được do không xếp được lịch nghỉ. Khai cũng muốn đi lắm vì Khai còn tham chiến tại mặt trận vị xuyên sau năm 1984 với cương vị cán bộ chỉ huy ở đơn vị khác không phải F313).

4giờ30 sáng ngày 13 xuất phát từ nhà Mận, qua Việt Trì ăn sáng với Hùng sẹo, Bằng (cùng đại đội cũ), Hùng trung đoàn 122. Vì đích đến đầu tiên của chúng tôi là xã Việt lâm nơi đơn vị đóng quân đầu tiên tại Hà Tuyên còn đoàn Việt Trì đích đến là xã Phương Độ ( Km4 đường đi Thanh Thủy) nên chúng tôi đi trước.14 giờ lên đến ngã 3 Vạt cách thành phố Hà Giang 29 Km chúng tôi rẽ trái vào Việt Lâm. Nơi đây đã thay đổi nhiều: cầu, đường đã thông, điện, trường, trạm đã có (theo bí thư đảng ủy xã thì Việt Lâm đã đạt 16/18 tiêu chí của nông thôn mới). Căn nhà sàn to của ông Thơ nơi tôi ngủ đầu tiên đã di chuyển, trường tiểu học và THCS được xây lại khang trang hơn. Nền khu doanh trại nơi đại đội tôi xây dựng vẫn còn đó có khác chăng đã trở thành vườn của các nhà bám mặt đường. Gặp lại Chư cô gái đã cho 2 “sâu rượu” của đơn vị đo ván ( hồi đó mới học lớp 9 hệ 10 năm) nay đang là bí thư đảng ủy xã. Chúng tôi vào thăm hỏi các gia đình xưa đơn vị đóng quân cho đến 17 giờ chúng tôi về UBND xã ăn cơm. Thật vinh dự vì chiều hôm đó cũng có nhiều đoàn vào mà xã có tiếp cơm đâu (không hiểu bằng cách nào ông Mận và ông Ý còn lôi kéo cả Hạnh phó chủ tịch thị trấn Việt Lâm đang họp ở trên thành phố Hà Giang về cùng dự). Giao lưu, hát hò đến 21 giờ 30 chúng tôi lên Thành phố Hà giang với lời hứa lần sau về sẽ tắm khoáng nóng Quảng Ngần.

7 giờ sáng ngày 14, chúng tôi lên cửa khẩu Thanh Thủy. Qua dốc Mã Tim    (núi cấm) nơi E bộ và các C trực thuộc đóng quân hồi tháng 3-1979 ( thuộc 2 tiểu khu Việt Trung và Đoàn Kết), qua xã Phương Độ, Phương Tiến chúng tôi lên cửa khẩu Thanh Thủy. Cây cầu cũ bắc qua suối còn đây ngay trên bờ bắc suối bây giờ là đài bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ Quốc. Sau khi lên thắp hương ở đài tưởng niệm xong chúng tôi vào đoàn kinh tế quốc phòng 313, qua cầu treo nhỏ qua suối là sở chỉ huy đơn vị chốt tại cầu Thanh Thủy năm xưa. Chụp ảnh,  thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại đây xong chúng tôi vào gặp gỡ với chỉ huy đoàn kinh tế quốc phòng 313. Biết là các cựu chiến binh sư đoàn các anh mời ở lại ăn cơm giao lưu với đơn vị nhưng chúng tôi cảm ơn và từ chối vì còn nhiều việc phải làm. Tạm biệt đoàn kinh tế quốc phòng 313 chúng tôi ra cửa khẩu thanh thủy mà không thăm lại các điểm cao vì có khuyến cáo những nơi ấy vẫn còn nguy hiểm do bom mìn chưa được rà phá. Trời mù sương nên cũng không quan sát được. Cửa khẩu Thanh Thủy cũng có đổi khác nhưng cũng không phát triển nhiều như các cửa khẩu khác. Đứng bên cột mốc 261, nhìn sang cửa khẩu Thiên Bảo của Trung Quốc, chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm rồi về thành phố Hà giang để chiều dự lễ thắp hương cho các liệt sỹ nghĩa trang Vị Xuyên tại xã Đạo Đức của ban liên lạc sư đoàn. Do trục trặc kỹ thuật, 14 giờ 30 chúng tôi mới xuống tới nơi khi đó buổi lễ tưởng niệm đã bắt đầu. Buổi lễ tưởng niệm diễn ra trang trọng, sau buổi lễ chúng tôi tỏa ra thắp hương cho các ngôi mộ, có nhiều CCB sau khi thắp hương xong vào nhà quản trang ghi sổ lưu niệm. Nghĩa trang đã được quan tâm chăm sóc thường xuyên tuy nhiên nhiều CCB vẫn còn băn khoăn vì nhiều mộ chí ghi nhầm các thông tin nhất là địa chỉ quê quán. 17 giờ chiều ban liên lạc sư đoàn tổ chức gặp mặt giao lưu lần đầu thông qua bữa ăn tối tại nhà hàng Hạnh Phúc.

 Đúng 8 giờ sáng ngày 15, Buổi họp mặt nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập sư đoàn ( 15/3/1979) đồng thời cũng là 35 năm Sư đoàn tham gia bảo vệ biên giới phía bắc bắt đầu, hội trường trường quân chính tỉnh đội Hà Giang chật kín chỗ ngồi:tầng1, tầng 2 và cả sảnh hội trường. Sau chương trình biểu diễn văn nghệ là lời khai mạc của ban tổ chức, là lễ chào cờ và phút mạc niệm các anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống vì sự vẹn toàn và bình yên của Tổ quốc. đ/c Bùi Như Lạc (nguyên đại tá, sư trưởng sư 313) thay mặt ban liên lạc sư đoàn ( còn gọi là Đoàn Tây Côn Lĩnh) đã điểm lại quá trình hình thành phát triển, những chiến công cũng như những mất mát trong các trận chiến mà sư đoàn tham dự, là lời phát biểu của đồng chí chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang… Buổi gặp mặt diễn ra trang trọng, ấm áp tình đồng chí,đồng đội.

Cảm ơn ban liên lạc đã tổ chức buổi gặp này để các CCB ở các vùng miền trở lại thăm chiến trường xưa, là điều kiện để các CCB về tụ hội gặp nhau nơi địa đầu Tổ Quốc. Đông nhất là các CCB nhập ngũ sau chúng tôi tham dự các trận chiến năm 1984, 1985. Sau bữa ăn trưa chan hòa ấm tình đồng đội chúng tôi chia tay với lời hứa mãi xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ, xứng danh là CCB của Đoàn Tây Côn Lĩnh. Hẹn ngày tái ngộ


 










































4 tháng 3, 2014

TẢN MẠN ĐÁM CƯỚI CON “MẮT BIẾC”



Ừ! lẽ ra tiêu đề của bài là “đám cưới con Xuân Thu” nhưng trong comment các bài vừa rồi của Blog lớp, Nguyễn Trọng Hiền bảo đi tìm “mắt biếc” hộ nên người viết bài định mượn một “mắt biếc” làm tít bài, không biết Trọng Hiền thấy có đúng người ấy hay không? hay lại tiếp tục“ Anh đi tìm em, chứ em ở.. ở nơi đâu …”  



Cứ nghĩ  Xuân Thu nói “chơi” trong ngày tất niên của lớp vì sát ngày Xuân Thu công bố mà vẫn không thấy Xuân Thu và các bạn trên Phúc yên có ý kiến gì. Đang lo Trọng Hiền bay từ TP HỒ CHÍ MINH ra mà không phải thì đơ quá. Sáng 25 nhận được cú điện thoại : “ mời bạn 16 giờ ngày 28 lên dự đám cưới con tôi…..”  Chà! may quá, không “đơ” rồi, nhưng sao sớm vậy. Mình thì không sao nhưng còn mấy vị “tai to, mặt lớn” đang còn công tác thì bỏ đi sớm sao đặng. Đầu giờ chiều, nhà gọi điện báo gọi cho cô Trâm vì sáng cô gọi vào máy bàn. Gọi lại cho cô mới biết cô vừa hết xạ trị, Cô bảo chúng tôi có lên dự cưới con Xuân Thu thì đón cô đi cùng, chủ nhật cô lại xuống Hà Nội điều trị tiếp.

Tối 25 Trọng Hiền bay ra  nhà bố, mẹ và anh chị ở phố Chùa Hà. Sáng 26, gọi cho ông bạn hẹn lịch chiều tối 27 gặp nhau. 17 giờ15 chiều ngày 27, đang dừng nghe điện thoại, hướng dẫn ông bạn đến địa điểm tụ họp trước ngõ ngang của nhà hàng “Phương nam” (18 Hoàng Ngân) thì thấy xe tự nhiên từ từ đổ  nghiêng, nhìn lại thì thấy một chiếc xe cam ry 5 chỗ đang lùi quay đầu, hô lái xe dừng không kịp, giây sau đuôi xe máy tôi đã nằm gọn dưới đuôi  xe camry rồi. Thấy phần chắn bùn đuôi xe cam ry cong lên tưởng xe máy đã hỏng Vội hô lái xe cho xe tiến lên, may phúc xe không sao.  Sau câu xin lỗi, lái xe cam ry vội chạy mất hút. Thở phào thoát nạn, lát sau các bạn tới ngồi lai rai cùng bia , rượu “votka” Thạch “thửa”và Sminop nhà hàng. Đến gần 20 giờ tối thì giải tán sau khi thống nhất kế hoạch lên Phúc Yên ngày hôm sau.

Sau nhiều cuộc điện, rồi chúng tôi cũng không phải đón cô Trâm vì Sáng 28 Hà (con cô Trâm) xuống đón cô chú về trước rồi. Đúng như nhận định, vào ngày thứ 6 các vị “chức sắc” nghỉ muộn nên sau khi đón cô Dân ( cô chủ nhiệm năm lớp 9) 16 giờ 20 chiều xe mới từ đường Trần Duy Hưng đi lên. Tuy lời mời từ 16 giờ đến 16 giờ 30 nhưng các bạn cùng cô Trâm vẫn ở nhà Văn Minh vừa nói chuyện với Trọng Hiền, Giai nhân Tuyên Quang vừa đợi.


17 giờ 20, sau khi làm thủ tục mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể cùng gia đình. 10 cF vào tiệc cưới. Ngoài Giang “ Anh chàng độc thân cuối cùng có vợ” đây là lần thứ 2 một thành viên của 10cF có vinh dự đón 2 cô chủ nhiệm lớp cũ của 10cFvề dự đám cưới. Tuy hơi muộn nhưng 5 mâm của 10 cF thật rôm rả nhất là khi chú rể cùng bố mẹ đến từng mâm cảm ơn và nhận lời chúc mừng của các thành viên 10cF. Ngồi cạnh tôi có bác sỹ trưởng khoa da liễu bệnh viện phúc Yên ( nơi làm việc của bố chú rể) cứ suýt xoa mãi không biết bao giờ lớp bọn em mới được như lớp các anh, các chị.