Sinh ra ở nội thành, gia đình có cửa hàng nhỏ trên phố lớn, nghe đâu họ bên ngoại, ba đời nhà 3H có gốc châu Âu. Cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa, trong chiến tranh Mỹ ném bom miền Bắc, 3H theo gia đình sơ tán về nông thôn; tuổi thơ của 3H gắn liền với cỏ, cây, trâu, bò, ruộng sắn, nương ngô miền trung du, nơi có đoàn tầu hỏa chốc chốc lại như con sâu trườn qua cánh đồng xa xa bên ngoài cửa sổ lớp học.
Vốn thông minh
nhanh nhẹn, với bản tính chan hòa, cần cù, tháo vát, quyết đoán; Vào năm học mới,
3H được sự tín nhiệm, yêu mến và nể trọng của tất cả mọi người trong lớp. Chỉ
sau vài ngày cùng học, 3H đã được cử làm cán bộ lớp.
Sau 1975, trở về
đất kinh thành, thi đỗ vào một trường đại học lớn; lúc này, 3H đã phổng phao
hơn chúng bạn; với khuôn mặt bầu bĩnh, sống mũi thẳng, cao, được ôm bởi mái tóc
ngang vai, quăn tự nhiên nhưng không che lấp được vầng trán rộng và nụ cười niềm
nở luôn nở trên đôi môi mọng đỏ; đôi mắt mơ màng, 3H không nhìn thẳng vào đâu cả,
lúc nào cũng như xa, như gần, thân thiết; trong đám đông quây quần, ai cũng
nghĩ 3H đang để ý đến mình. Dáng người dong dỏng, hấp dẫn, đôi tay trắng với những
búp măng dài luôn thoăn thoắt không nghỉ, uyển chuyển quyến dũ. Tính tình nhỏ
nhẹ, hào phóng trong cách đi đứng, ứng xử đều toát ra dáng vẻ của một con người
hào hoa, lịch lãm đất Kinh thành. 3H là thần tượng, cướp đi giấc ngủ nhiều người.
3H học giỏi, có tài hùng biện, dẫn chương trình trong nhiều sự kiện. Với giọng
hát cao, ấm - 3H cũng đã giành được nhiều giải thưởng tại các hội diễn văn nghệ
nghiệp dư. Không chen xe buýt như bạn bè hồi đó, 3H đến trường trên chiếc Mifa
mầu xanh ngọc, áo quần luôn chỉnh tề phẳng phiu được sơ-vin gọn gàng; khi lạnh thì
khoác thêm cái áo gió. Sởi lởi với bạn bè, trong năm năm học thì có đến bốn
sinh nhật 3H tổ chức mời bạn bè thịnh soạn; khi thì cà phê Quán Gío Hồ Bảy Mẫu,
lúc kem Thủy Tạ Hồ Hoàn kiếm, khi thì bánh tôm Hồ Tây, rồi lại đạp vịt Hồ Đại Lải…
trận nào ra trận ấy, đều để lại ấn tượng không ai theo được. Không chỉ giỏi
trong tính toán, dự trù; tài nội trợ và ngăn nắp của 3H thì khỏi chê; trong lần
dã ngoại ở Đai Lải, không biết đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ, mọi người dựng xong
lều trại thì 3H cũng đã sẵn sàng mâm cỗ…ai ai cũng trầm trồ nể phục.
Ra trường, đầu quân cho một công ty lớn ở nội
thành. Khi ở cơ sở, hoạt động ngoại khóa, ngoài văn nghệ, 3H cũng là một tay cầu
lông có hạng; đến sân trên chiếc Peugeot-city 102 mầu đỏ, khoác trên vai bộ đồ
nghề Yonex, trong bộ đồng phục LiNing gọn gàng, ra sân với đôi chân trắng mịn, dài
miên man, nhịp nhàng như vũ công trong vũ điệu Samba cùng với đường cầu như có
mắt, đầy uy lực, luôn làm sân cầu sôi lên như một chảo dầu. Rồi lại chuyển sang
chơi Tennis, chiều chiều ra khỏi nhà trên chiếc Spacy mầu mận chín lịch sự,
khoác bên mình túi vợt Winson, uyển chuyển trong với bộ đồng phục NICE sang trọng,
nhẹ nhàng, đúng giờ dọn dẹp sân bãi chờ đội chơi. Giải Tennis công đoàn ngành
năm ấy, sau cú bỏ nhỏ, đối phương tâng bóng qua đầu nhưng không thành, 3H lùi lại,
hất nhẹ mái tóc bồng bềnh, đôi mắt kính dõi theo, tay trái chỉ thẳng quả bóng,
vào thế, nhún người…R.. roạt.. cú Smart đến tận cuối sân đúng góc chữ A, đối
phương đứng như trời trồng, cả sân rung lên như động đất. 3H nhận giải, đưa cả
cơ quan đi liên hoan, đây cũng là buổi chia tay để 3H về công ty nhận nhiệm vụ
mới.
Với chức danh mới,
Chánh văn phòng công ty, Hoàng Hồng Hòa bận rộn với công việc, ít có thời gian nhàn rỗi; khi Nam, lúc Bắc,
tiếp khách triền miên; không biết có phải do đồ ăn hợp với khẩu vị? Hòa có mập
hơn nhiều. Nhìn mái tóc dài, quăn tự nhiên, nước da trắng trẻo của Hòa mỗi khi
lách bụng qua cửa lái chiếc Audi mầu bạc, ai cũng thấy ái ngại; cái nhẫn cưới
hai chỉ vàng, xưa kia như con sâu bám vào búp măng, hình như qua năm tháng chăm
sóc gia đình, lo việc công ty, nay đã mòn đi thì phải, chỉ còn lấp ló khiêm tốn
trên bàn tay trái. Hòa ra khỏi xe, thì chiếc xe bật lên khoan khoái, bốn bánh
xe dần trở về với trạng thái tròn đều như thiết kế ban đầu .
Năm Quý Mùi 2003,
nhà nhà, người người đều mong đợi gia đình mình có công dân mới, tuổi Dê Vàng,
hy vọng đứa bé sinh ra có tính tình nhã nhặn, quan tâm đến mọi người, trong
tương lai có được cuộc sống sung túc dư dật, thành đạt và nhiều tài lộc như tử
vi, phong thủy đã phán với tuổi Quý Mùi, những mong nay mai có chỗ nương tựa tuổi
già. Tại các bệnh viện, trong phòng bệnh: phụ sản hai, ba người chung nhau một
giường; ngoài hành lang trên ghế, chục bà bầu đang ngồi nhăn nhó chờ đến lượt;
những người đàn ông đứng lố nhố, tay xách, nách mang, mắt hau háu nhìn về phía
cửa phòng cách ly.
Hơn 4 giờ chiều,
tiếng còi ò eo ò eo não nuột, một xe hồng thập tự lao lên sảnh khoa cấp cứu, ba
người đàn ông to béo mặt đỏ phừng phừng trên ba xe máy lao theo; bảo vệ chặn lại,
yêu cầu mang xe máy ra gửi ngoài cổng. Bệnh nhân được đưa lên xe đẩy, mắt nhắm
nghiền, thiêm thiếp sau cặp kính được phủ kín bởi mái tóc quăn bê bết; bụng to
như trống cái đình làng, được phủ lên trên bằng tấm ga trắng mỏng, loang lổ vệt
đỏ thấm từ áo. Hai, ba nhân viên sơ cứu đón bện nhân; bác sỹ ngồi trong phòng
nhìn qua cửa kính ái ngại: “lại một ca đẻ khó, chắc là chửa trâu đây”. Nhân
viên trên xe cấp cứu 115 bàn giao ngắn gọn: “Bệnh nhân đang hôn mê, nôn ra máu”;
bàn giao xong, chiếc xe quay đầu lao vút ra cổng. Bác sỹ già đầy kinh nghiệm
dương mục kỉnh lẩm nhẩm đọc kỹ phiếu nhập viện từng chữ một; đến phần nhân
thân: Hoàng Hồng Hoa, 45 tuổi - ông lẩm bẩm thành tiếng “Cái tên thật đẹp! dịu
dàng biết bao, nhưng mà sao phải ham hố quá thế? con gì chả được? bằng này tuổi
rồi còn không biết giới hạn…. quá nguy hiểm!”. Ông tiến lại gần bệnh nhân, ân cần
xoa nhẹ lên phần khô ráo trên bụng, gỡ cặp kính của bệnh nhân, vạch mi mắt lên,
ngó vào đôi mắt vô hồn. Cô hộ lý đang lùa tay dưới tấm ga, thay váy cho bệnh
nhân, báo cáo: “sản phụ sắp sinh, ngôi ngược”. Bác sỹ lệnh vào tuyến hai: “chuẩn
bị mổ, cứu bằng được em bé”, ông lại đọc nốt giấy nhập viện rồi nói vào không
trung: “đã nói bao nhiêu lần rồi không rút kinh nghiệm, làm nghề Y mà cứ viết
thiếu dấu, thiếu nét thế này, có bữa tù cả nút, ngôn từ thì thô tục…”, ông lấy
bút điền thêm dấu vào phần chưa rõ nghĩa.
Chiếc xe được đẩy
băng băng, chạy dọc hành lang khu cấp cứu, “sản phụ” nẩy lên từng chặp khi qua
gờ những viên đá lát vội, đến cánh cửa được khép chặt, có tấm biển: “PHÒNG ĐẺ,
không nhiệm vụ miễn vào” chiếc xe dừng lại, cô hộ lý loay hoay mãi, không mở được
cái chốt. Đường bộ, dưới hàng cây bên ngoài, ba người đàn ông đang vừa chạy vừa
cằn nhằn: “Bia Hải xồm dạo này tệ quá!”. Đằng xa, người phụ nữ trung niên, đang
bước thấp bước cao thảng thốt, lo lắng lết về phía phòng cấp cứu. Ba nhóm gặp
nhau tại cửa phòng; cô hộ lý cũng đã mở được chốt cửa, đứng dậy vịn vào xe đẩy.
Lúc này, Hòa đã tỉnh, mở mắt lờ đờ nhìn mọi người, vén tấm ga, trên ngực vương
lại vài sợi rau thơm, mấy mảnh lạc vỡ; Hòa chống tay ngồi dậy, miếng tiết canh
ăn dở, từ trong cổ áo Hòa lăn ra, dơi xuống nền đá. Người phụ nữ trung niên, tội
nghiệp trách: “đã nói với các anh bao lần, cho anh ý uống ít thôi..”. Cô hộ lý
nhìn vợ Hòa với gò má đỏ ửng, lý nhí: “chị cho em xin lỗi, em không biết, em
không cố ý”. “Ơ kìa! sao em lại xin lỗi, tôi phải cảm ơn em mới đúng chứ!”.
Quay sang “Quan phụ mẫu” đang gục đầu xuống ngưc trên xe đẩy, cô hộ lý buông
câu trống không: “CỦA NỢ” rồi bỏ đi thẳng.
Bing.. Bong, Bing…
Bônh, Vợ Hòa ra mở cửa, đón chúng tôi vào nhà, sau khi khóa cổng cẩn thận, cô
đưa chúng tôi lên tầng hai, hai cháu, con của vợ chồng Hòa ra chào các bác, các
chú lễ phép. Chúng tôi nhẹ nhàng đẩy cánh cửa tiến vào phòng. Hòa nằm trên giường,
cánh tay phải teo tóp như gióng tre khô, những ngón tay búp măng xưa kia, nay
khòng khèo để yên trên cái bụng lép kẹp; đầu cạo trọc, hai mắt mở to, nhìn lên
trần nhà không chớp; biết chúng tôi đến, Hòa đưa tay trái ra, cái nhẫn cưới hờ
hững bám vào những “gióng trúc” khẳng khưu, lành lạnh; bắt tay từng người và nắm
chặt từng bàn tay như không muốn rời ra; hai mắt Hòa lúc này như hai chén nước
đầy, nước chảy thành dòng hai bên thái dương…. Cách đây năm, sáu năm, vào “năm tuổi” của Hòa;
sau một trận tenis sôi động, chúng tôi thắng ròn rã, vào quán bia Hải xồm, kết
thúc tưng bừng, chia tay trong lặng lẽ; không biết làm thế nào tôi cũng mò về đến
nhà. Sáng ra, vợ tôi lay dậy và đưa cái điện thoại di động; đầu dây bên kia vợ
Hòa nức nở: “Anh Hòa đang cấp cứu trong bệnh viện”. Hòa bị tai biến, tràn máu
não.
Chúng tôi chuẩn bị ra về, Hòa phều phào
theo, qua tiếng gió : “Uốn… ít… hôi…”.
Hà Nôi 16/07/2014