20 tháng 3, 2015

CÓ YÊU NHAU THÌ VỀ BAN-MÊ-THUẬT. II

   
Ngày thứ ba, 6 giờ sáng ăn sáng xong, Nhường thông báo: Hôm nay Hoa không đi cùng, bây giờ về trả phòng rồi đi trả xe máy, mang hành lý đi và lên đường. Trả xe máy xong, chúng tôi lên ô tô đi tiếp. Chúng tôi đi thăm cụm ba thác, cách trung tâm 40km về phía Tây Nam. Nơi sản sinh và lưu truyền trường ca Đam San huyền thoại, nơi giáp ranh giữa trời và đất, nơi Đam San chết gục giữa khu rừng Sap-Đen trên đường đi chinh phục trái tim nàng H'Bia Diet Kluk con gái thần mặt trời. Đầu tiên là Dray-Nur gọi là Thác Bà hùng vĩ, mỗi người khi chưa tới đây thì chưa thấy sự bé nhỏ của con người đối với thiên nhiên; mùa này ít nước nhưng trời cao xanh thẳm tạo ra một cảm giác man mác kỳ diệu.

Ảnh 1: Dray-Nur nhìn từ dưới thác

     Qua bao nhiêu năm bào gọt của thời gian, đặc biệt sau nhiều năm của hội nhập và phát triển, nơi đây thể hiện rõ tác động của bàn tay con người, cảnh vật xung quanh đều mang dấu ấn nhân tạo, hoặc là bị tàn phá, hoặc là đã phục dựng; chỉ còn Dray-Nur là của thiên nhiên, là huyền thoại. Vượt qua cầu treo cuối thác, sang bên kia đến một khu nghỉ, sau lại qua cầu treo nữa sẽ tới thác Dray-Sap (Thác Ông) hùng vĩ không kém; Thác Bà nằm trên đất Krong-Ana, Thác Ông thuộc Krong-Nô, trước đây cùng thuộc tỉnh ĐăcLak, nay tách Đăk Nông nên cây cầu treo thứ hai này là ranh giới hai tỉnh, người ta rào lại để bắt buộc du khách vòng 30km nữa qua cửa bên Krong-Nô mua vé du lịch rồi mới đến được thác Ông; thật bất tiện. Ba mươi cây số nữa thì xa quá, gần hai nghìn cây số vào đây, chẳng nhẽ... Chúng tôi quyết định chui rào và gặp khó thật sự.

Ảnh 2: Chui rào- Gây khó cho khách du lịch

     Có lẽ xưa kia chưa có Google map nên người ta đi từ ngoài đồng bằng vào gặp thác Bà rồi sâu hơn nữa gặp thác Ông nên đặt tên như vậy để thể hiện Ông huyền bí hơn Bà, thực tế thì đây là hai nhánh của sông Krong-Ana tách ra sau hơn 2km lại hợp lại và đổ về miền Tây qua Buôn Đôn và đó là kết quả của mối tình sâu nặng đã sinh ra nàng Serepok, nhưng quả thật Ông huyền bí hơn nhiều, nơi đây rừng nguyên sinh âm u, các gốc cây xù sì, hốc đã rêu phong như những ma trận và những vết chân mòn trên mặt đá, ít có tác động nhân tạo; mặt nước phẳng lặng dưới chân thác nhưng không ai dám nghĩ đến lập đội thuyền kinh doanh trên mặt nước(trừ mình tôi). Thấy tôi đặt vấn đề bè mảng, Nhường nói: "Chớ có dại", mỗi năm ở đây "cung tiến" đôi người khoẻ mạnh.
     Quay lại Dray-Nur, qua khỏi bãi lau sậy, chúng tôi gặp đoàn khách khác đang dò dẫm hỏi đường, rồi ba bốn cháu nhỏ người bản địa, khoảng 6-7 tuổi mặt lấm lem, đang bó măng rừng phục vụ du khách, tôi hỏi giá, được biết mỗi bó măng rừng 5.000đ, lấy trong túi ra ba tờ 10.000đ đưa cho ba cháu, vội vã quay đi, chỉ sợ chúng nhìn thấy "hạt ngọc trân châu" trên khoé mắt, chỉ sợ rằng những đứa nhỏ nhà mình không may có lúc cũng thế này thì sao??? Đến khu nghỉ chân, mọi người kêu vào nghỉ uống nước, tôi vội vã rời đi với lý do chưa khát, nhưng thực chất là đã hết tiền lẻ. Lên xe đi tiếp, đến thăm thác Gia Long, thượng nguồn của Serepok, hạ nguồn của Krong-Ana, phía trên nữa người ta đã ngăn đập thuỷ điện Buôn Kuop, nơi đây đang đóng cửa để cải tạo; trước kia ở đây đã xây một cây cầu để ngắm thác nhưng nay đã hỏng, chắc hẳn xưa kia đẹp lắm nên nhà Vua mới cho xây cầu ngắm thác ở đây. Con sông Serepok bắt nguồn từ phía Lâm Đồng, chảy ngược về phía Tây Bắc, qua thác Gia Long chia hai thành Dray-Nur và Dray-Sap, chảy qua Yook-Đon, Buôn Đôn nhập với sông MeKong; khi qua huyện Krong-Ana người ta chặn lại để làm thuỷ điện và thuỷ lợi phục vụ vựa lúa nước nơi đây, làm cho cả ba thác này cạn nước, đã làm giảm đi vẻ đẹp của nó. Đây cũng chính là bài toán cần lời giải: No ấm của người dân địa phương hay để vui mắt du khách. Quá trưa, chúng tôi lại lên đường, gần 20km nữa, đến Buôn Trấp, thủ phủ huyện Krong-Ana; len lỏi một chút, xe đỗ, người ra đón lại là Hoa-vợ Nhường, hôm nay Hoa không đi cùng, ở nhà làm cơm chờ mọi người. Hoá ra nhà của Nhường cách thành phố gần 40km. Hôm trước, vợ chồng hắn lặn lội lên phố đón "bạn"; mình có biết đâu? Ở Thủ đô, thi thoảng có bạn gọi, mình vẫn thường trả lời: "thông cảm nhé, tôi đang đi công tác xa, hôm nào về gặp lại nhé, mong lắm!!!", ừ Mobile phone thật là tiện lợi.

Ảnh 3: Lâm tặc vui với vườn

     Nhà Nhường nằm giữa chợ, cả hai mặt tiếp giáp chợ và đường, hai bên là các quán hàng, nơi đây xưa là khu gia đình của Nông trường cà phê Krong-Ana, sau khi thành lập thị trấn họ lập chợ tại đây, thế là Nhường - Hoa trở thành "dân kẻ chợ". Nhìn quang cảnh chung, ai cũng ái ngại cho tương lai các cháu nhỏ, giữa chợ thế này thì chúng lanh lợi nhiều hơn tri thức... đi qua dãy bếp, vào nhà chính, phía trước ngổn ngang hàng hoá, nếu là tôi thì không thể nhớ hết tên hàng chứ không nói đến giá từng mặt hàng; một tấm bảng đen xi măng, nho nhỏ trên tường chi chít con số và dấu cộng, trừ. Nhường cho biết khi xưa (cách đây hơn chục năm) "Con Tôm, con Mèo" tên ở nhà của hai cô con gái, thích làm cô giáo, tao làm cái bảng này cho chúng thể hiện, nay chúng đi học hết mẹ nó làm bảng ghi nợ. Quay ra sân bếp, Nhường thả đàn gà, chúng bay lên cổ, nhảy lên vai. Ừ mấy "con Vịt" bay đi thì có đàn gà làm bạn cũng khuây khoả. Trước cửa bếp, một đống củi to, nhìn vào ai cũng ái ngại về chuyện Nhường tiếp tay cho "lâm tặc". Hoa kể: "Mấy năm trước anh Nhường đi Sài Gòn về bị đau lưng do lệch đĩa đệm, có người mách ăn cao mèo sẽ khỏi thế là em đăng quảng cáo mua mèo, gom được 30 con cộng một xe củi nấu cao mấy ngày, đến nay "Ảnh" còn động đậy được chút, không có việt vị lâu rồi", ông bạn nheo mắt xác nhận, bất giác tôi nghĩ đến mấy con mèo bị bắt trộm ở nhà tôi mà cảm thấy vơi đi bực tức. Vào bữa cơm, Hoa kể tiếp về gian nan mấy năm qua: Công ty làm ăn thất bát, đi làm không công, Hoa ở nhà bám chợ, Nhường đau ốm, đi làm không lương, hai đứa nhỏ đi học trên tỉnh rồi học đại học, cũng may cả hai rất có ý thức, bây giờ đã đi qua cơn bĩ cực.
     Cơm trưa xong khoảng 4 giờ, chúng tôi cùng lên đường sang huyện Lăk, 40km nữa, trên đường đi trời mưa tầm tã, đến nơi không biết đường, tìm đến Biệt điện Bảo Đại, có ý định làm vua một đêm nhưng chỉ có hai phòng và đã có khách, lại lên đường tìm đến Buôn Jun, ăn tối, may quá gặp cháu Dung người cũng ở Buôn Trấp với Nhường, Hoa; công tác ở chi cục thuế nơi đây, Dung xếp phòng nghỉ miễn phí cho đoàn, Dung không quên nhắc nếu đi du lịch trên hồ Lăk nhớ bảo để cháu thu xếp giảm giá. May quá, chúng tôi nhận lời luôn và mời Dung làm hướng dẫn viên vào sáng ngày mai.
     Ngày thứ tư, sáng sớm, đi bộ dạo quanh thị trấn, về trả phòng rồi ăn sáng, lại đến Buôn Jun, tìm điểm cưỡi voi, thuê hai thuyền đi trên hồ Lăk, hồ rộng mênh mang, bờ bên kia là huyện Krong-Ana là vựa lúa cao nguyên, ngon nổi tiếng; nơi chiều qua chúng tôi vừa dời đi, mờ mờ sau hơi nước mặt hồ...gần trưa, quay về Buôn Jun, gọi cơm sáu người ăn thoải mái, đứng dậy thanh toán 650.000đ, tôi xin không kiệt kê món nữa sợ mọi người bảo mình bốc phét, nhưng hãy trải nghiệm đi. Chia tay cháu Dung, chia tay huyện Lăk, còn 60km nữa, trên đường về ghé "tảng đá voi" ở Krong-Bong, từ cách gần chục km đã thấy như một con voi tách đàn đi vào rừng, gần 30 phút leo lên "lưng voi", nắng gắt trên nền đá, gió ào ào bên tai, nhận được một cảm giác chinh phục rõ rệt. Cùng đường đi lên núi có hơn chục cháu học năm cuối cấp ba đến đây để cùng ghi nhận một dấu ấn tuổi học trò, một cảm giác chống chếnh lại trào dâng, tôi lại nhớ về những ngày trồng cây năm cuối cấp ở chân núi Tam Đảo; không biết chúng là "gia đình" nào? Ừ, chắc hẳn là "12...F".

Ảnh 4: Chuẩn bị chia tay tuổi học trò - Krong-Bong

     Đưa chúng tôi đến cửa sân bay Ban Mê Thuật, Nhường - Hoa vẫy tay chào rồi tiếp chặng đường 40km nữa về Krong-Ana, chiếc xe khẽ rung lên rồi vút đi trong làn mưa xiên ngày càng nặng hạt. Làm thủ tục xong lên tầng hai ngồi chờ gần hai giờ đồng hồ, 6 giờ chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh hạ cánh trả khách Ban Mê Thuật và đón khách đi Hà Nội; vì sân bay nhỏ nên hành khách tự đi vào nhà ga sân bay mà không có xe đón, người người từ máy bay hối hả vội tránh làn mưa xiên, gió ào ạt.
     Qua cửa kính nhà chờ, tôi thấy Hoa đang nép vào vai Luân tránh cơn mưa lạnh và gió lộng trên đường băng, sau hai ngày về thành phố thăm cháu ngoại nay lại về với công việc thường nhật.
     Muốn nói lên lời tạm biệt với Luân, với Hoa mà cách khung cửa kính không sao cất nên lời, quên luôn cả điện thoại di động rồi lại vội vàng bước lên máy bay.
     Chào nhé! Ban Mê, hẹn gặp lại.

                                                                                       Thạch NguyenViet
                                                                                        Hà Nội, 10/2014

1 tháng 3, 2015

TIỄN BIỆT...





     Giữa những ngày giáp tết Ất Mùi, lớp 10C Family lặng đi khi nhận được tin cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Trong đêm vắng thời gian như đọng lại, kỷ niệm về cô như trở lại trong mỗi trái tim chúng ta:

Cô rời cõi thế dương gian
Về nơi cực lạc tới miền đất tiên
Học sinh trên khắp mọi miền
Tiễn cô với cả tấm lòng tri ân

Ngày 26 tháng 02 (Tức ngày mùng 8 tháng Giêng năm Ất Mùi) 
Lễ viếng - Lễ truy điệu

     Như tin đã đưa, ngày 26 tháng 02 năm 2015, các cựu học sinh trong đó có học sinh niên khoá 1974 - 1977 đã đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội để tham dự lễ viếng và lễ truy điệu nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Nguyên giáo viên trường cấp III Bến Tre tỉnh Vĩnh Phú (nay là trường THPT Bến Tre, Tỉnh Vĩnh Phúc). Nguyên giáo viên chủ nhiệm lớp 8C, 9C niên khoá 1974 - 1977;

     Từ bốn phương trời, mọi thành viên của 10CF đã tụ về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để tiễn đưa cô về miền viễn du... Tất cả chung một cảm xúc nghẹn ngào, tiếc thương. Được tin cô mất, từ miền Nam, miền Trung - Tây nguyên nắng gió hay từ nước Đức xa xôi các bạn Lê Tự Minh, Dương Hoài Nam và Vũ Thị Hồng Thắm cũng đã trở về;

     Trong giờ phút đau thương và đáng ghi nhớ này, bạn bè trong lớp đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp về cô giáo chủ nhiệm; sự tận tình, nhiệt huyết của cô đã để lại trong tâm tư, tình cảm và trong ký ức tuổi học trò những kỷ niệm đẹp về tấm gương sáng của người thầy đã hết lòng tận tuỵ vì học sinh thân yêu;

     10g30 đoàn học sinh niên khóa 1974-1977 do bạn Vũ Thị Hồng Thắm làm trưởng đoàn đã tập trung và làm xong công tác chuẩn bị vào viếng cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Trâm.
(Do thời lượng có hạn, lượng người tới viếng đông nên BTC ghép nhiều đoàn vào viếng cùng một lúc)


     10 giờ 51 đoàn vào viếng với vòng hoa mang dòng chữ: Tập thể học sinh khóa 74-77 Trường Cấp 3 Bến Tre, Vĩnh Phú kính viếng cô.

               Mới hôm nao còn câu nói, nụ cười
                Nay vĩnh biệt, lệ dâng niềm đau xót
          Thiên thu là thế, câu định mệnh
Cô ra đi về cõi âm vang

     Chúng em - Những học sinh lớp10C năm xưa xin được thắp nén nhang và cúi đầu vĩnh biệt cô. Cầu mong cho hương hồn cô được thanh thản, yên nghỉ nơi chín suối. Cảm ơn những gì tốt đẹp nhất mà cô đã để lại cho đời và cho lớp lớp học sinh chúng em;
     Sau nghi thức thắp hương và mặc niệm, mọi người đi vòng quanh linh cữu cô, chia buồn cùng gia quyến. Đại diện cho lớp, bạn Vũ Thị Hồng Thắm (Lớp trưởng) và bạn Lê Tự Minh (Bí thư chi đoàn) đã xúc động ghi lời tiễn biệt cô trong sổ tang.






     11 giờ 30 buổi lễ truy điệu bắt đầu.
     Những dòng nước mắt tiếc thương tiếp tục rơi lặng lẽ...
     Cô ơi! Người giáo viên tốt giống như ngọn nến, tự đốt cháy mình để thắp sáng cho người khác. Cô giống đoá hướng dương gom hết dòng nhựa sống, chắt chiu nắng ấm cuộc đời để kết thành những mùa xuân đẹp đẽ cho lớp 10C Family. Từ mùa xuân này, gia đình thiếu vắng cô - Người vợ, người mẹ, người bà hiền hậu đảm đang; Tổ dân phố mất đi một người công dân tốt nhiệt tình, năng nổ với công việc xã hội. Lớp 10C mất một lối đi về thân thương mỗi khi bay về thăm tổ ấm...






11g54 lễ di quan đưa cô ra đài hoá thân Hoàn Vũ bắt đầu






12g30 đến và làm thủ tục tại đài hoá thân Hoàn Vũ







12g50 mọi thủ tục tại Đài hoá thân Hoàn Vũ đã xong
(các công việc đã diễn ra hết sức thuận lợi)

Ngày 27 tháng 02 (Tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ất Mùi)
Lễ An táng - Đưa cô về nơi đất mẹ

     10g30, các thành viên của 10CF Plus đã tập trung tại nghĩa trang Thanh Tước - Thị xã Phúc Yên để vĩnh biệt cô lần cuối cùng. Lê Tự Minh thay mặt các bạn đã xúc động đọc lời vĩnh biệt:

"Kính thưa toàn thể gia đình, người thân, bè bạn và học trò nhiều thế hệ của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Trâm!

     Giữa đất trời của mùa xuân Ất Mùi, chúng ta vô cùng thương tiếc tiễn đưa người thân, người thầy kính yêu về nơi vĩnh hằng.
     Dù đã trải qua nhiều nỗi đau, dù biết rằng cô giáo của chúng tôi một ngày sẽ ra đi nhưng khi nghe tin cô mất, chúng tôi đều nghẹn ngào đau đớn. Nước mắt tôi đã lăn rơi trên xe, suốt chặng đường trở về nhà trong chiều 29 tết và niềm thương cảm vẫn trào dâng trong những ngày tết. Tôi biết rằng có rất nhiều, rất nhiều người kính trọng và yêu thương cô như chúng tôi, bởi cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Trâm là một người nhân hậu, giản dị và sáng trong, một công dân mẫu mực, một cuộc đời vì sự nghiệp trồng người cho đất nước.
     Kính thưa cô!
     Về tiễn đưa cô hôm nay bên cạnh gia đình, người thân của cô là bao lớp học sinh được cô dạy dỗ năm xưa. Vùng đất Thanh Tước năm nào cô đưa chúng em đi lao động, nay đang chứng kiến cuộc tiễn đưa đau thương. Cầu mong những ngọn gió trên cao đưa linh hồn cô về nơi yên nghỉ tốt nhất, cầu mong những tia nắng luôn sưởi ấm nghĩa tình con người để nơi xa cô bớt cô quạnh. Cuộc sống  dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng em, những học sinh của cô vẫn sống trong sạch, yêu thương, trách nhiệm và xứng đáng là những học trò của một người thầy ưu tú.
     Và:
                           Có những vì sao sáng mãi trên bầu trời
                           Có những con người sống giữa mọi yêu thương
                           Cả lớp nghẹn ngào thắp những nén hương
                            Tiễn cô đi về phương trời ly biệt...

     Xin vĩnh biệt cô, vĩnh biệt người thầy ưu tú và nhân hậu! "

     Sau lễ viếng tất cả lớp cùng ở lại chờ đến khi gia đình đưa cô đến nơi an nghỉ cuối cùng.








     Kính thưa cô giáo!
     Tiền nhân đã nói "Sinh ký tử quy" - Sống gửi thác về. Cuộc sống của con người cũng như mọi vật trong trời đất đều có sự khởi đầu rồi cũng có lúc kết thúc để chuyển hoá. Ai cũng biết nhưng không thể tránh khỏi. Nếu có một nơi cực lạc hay thiên đường dành cho người đã sống trọn cuộc đời vì mọi người, thì ở nơi đó sẽ cô giáo kính yêu của chúng em. Cô sẽ luôn dõi theo, phù hộ gia đình, phù hộ cho những người yêu quý cô có cuộc sống tươi vui, lành mạnh, hạnh phúc cô nhé.
     Chúng em xin vĩnh biệt cô!