14 tháng 11, 2016

CÔ GIÁO CHỦ NHIỆM

Trong 3 năm học cấp ba, 10cf có vinh dự được 2 cô giáo chủ nhiệm. Cô Nguyễn Ngọc Trâm 2 năm lớp 8, lớp 9 ( 1974-1976) và cô Tạ Chí Dân năm lớp 10 ( 1976-1977).
Ngày 12 tháng 11, thay mặt 10cf, tôi cùng Thanh Hà đến nhà thăm cô đồng thời mời cô đến dự ngày vui họp lớp10c do cô chủ nhiệm  nhân ngày 20 tháng 11. Để chuẩn bị cho ngày gặp mặt, chúng tôi xin phép cô kể cho chúng tôi nghe một số chuyện liên quan đến "sự nghiệp trồng người" của cô để làm tư liệu. Cô đã  vui vẻ nhận lời.

Cô Dân kể: cô sinh năm Canh thìn (1940). Cô nói con gái đứng chữ "canh" thì vất vả và khổ lắm không như con trai ( cô chiêm nghiệm và cũng thấy đúng như vậy). Quê của cô ở Khương Trung, Thanh Trì ( nay là phường Khương Trung quận Thanh xuân, Hà nội, giáp ngay ngã tư sở ). Những năm kháng chiến chống Pháp cô theo Cậu, Mợ ( cách gọi bố mẹ của người Hà nội xưa) tản cư lên tận Yên Bái. Cô nói những kí ức thuở nhỏ vẫn còn hằn rõ nét trong cô, cái thời kì cô còn nhỏ đi mò cua bắt ốc giữa cánh đồng. Ban đêm được thắp sáng bởi ngọn đèn đốt bằng dầu trẩu đựng trong cái đĩa khói mù, tối om tuy vậy mỗi khi máy bay giặc Pháp bay qua thả đèn dù cũng vẫn phải tắt đi. Hòa bình lập lại, cô theo Cậu, Mợ về quê được cho ăn học. Năm 1959 cô vào học trường đại học sư phạm Hà nội ( nay là trường sư phạm I Hà nội). Năm 1962 sau khi thực tập tốt nghiệp tại trường cấp3 Bến Tre, cô tốt nghiệp đại học và được phân về làm giáo viên dạy trường trung cấp sư phạm 7+2 tại Phúc Yên ( khu hồ ăn nước của thị xã bấy giờ) nhưng cô vẫn ở nhờ khu tập thể của giáo viên trường cấp III Bến Tre. Khi còn dạy ở trường Trung cấp sư phạm kỷ niệm của cô thì nhiều lắm nhưng đáng nhớ nhất là lần đi thẩm tra lí lịch học viên vào dịp nghỉ nghỉ hè. Những năm đó tuy còn trẻ, mới ra trường nhưng nhà trường vẫn giao cho cô đi thẩm tra lý lịch một số học viên tại Sóc Sơn. Phương tiện đi lại cá nhân không có, cô phải ra ga Phúc Yên đi tàu về Đông Anh sau đó đi bộ theo quốc lộ 3, ngược lên Phủ lỗ qua Đa Phúc tới Trung Giã vào vùng bán sơn địa, nơi ở của gia đình học viên. Chiều gần tối hôm đó cô mới tới nơi. Rất may cô gặp 2 bác chủ nhà ở nhà. Mới định thần chưa kịp uống nước (vì bác gái lúc này mới xuống bếp đun nước) Cô giật mình tá hỏa khi nghe Bác chủ nhà nói : " Em nó đang cùng vợ đi gặt lúa ngoài đồng" .Cô hoang mang nghĩ không biết đây có phải nhà học viên cần tìm của mình không? vì hồ sơ học viên không ghi "có vợ". Nếu không phải thì đi tìm tiếp ở đâu đây? đôi chân thì đã rã rời vì "cuốc bộ" mà trời thì gần tối rồi. Nhưng rồi cũng may bởi đó chính là nhà học viên mà cô phải thẩm tra. Học viên đã có vợ là bởi vì học viên đã lấy vợ trước khi nhập ngũ, sau khi xuất ngũ về mới đi học tiếp. Tôi trêu cô: sao cô không dùng phanh "nón" bắt xe ô tô để đi nhờ xe có phải nhanh và khỏe hơn không mà lại phải "cuốc bộ" cho vất vả, cô đang còn trẻ mà lại xinh nữa. Cô mà phanh "nón" cú nào chết đứng xe cú ấy ấy chứ. Cô  cười nói : hồi đấy còn trẻ, tay xách túi nên còn ngại ngùng và còn non dại lắm.
 2 năm sau, trường Trung cấp sư phạm 7+2 chuyển lên Lập Thạch, cô xin chuyển trường vì đường về nhà xa quá. Sau khi nghe cô trình bày ông phó ty giáo dục Trọng Trân bảo cô: "tưởng cô quê ở Yên Bái thì cho cô theo trường về quê cho gần nhưng nếu quê ở Hà nội thì thôi, cho về dạy ở trường cấp 3 Trần Phú, Vĩnh Yên nhưng phải dạy môn địa đấy nhé bởi môn sử  trường đã đủ giáo viên rồi". 
Cô nhận quyết định về trường Trần Phú, vào dạy trong Tam Dương  nơi ngày xưa nông dân trồng dưa chuột nhiều lắm( những năm ấy trường Trần phú sơ tán ở 2 nơi : Tam Dương và Yên Lạc). Những năm này do cô còn trẻ lại có trình độ nên cô trúng cử 2 khóa là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Khi cơ cấu để cô ứng cử bầu vào đại biểu quốc hội thì cô từ chối xin rút. Năm 1968 cô được điều chuyển về Trường cấp III Bến Tre lúc đó cô cùng bố mẹ ở nhờ nhà người ông họ hàng gần tại xóm nhà thờ, Kim Tràng bên sông Cà Lồ. Chính vì vậy nên mới có chuyện, khi cô về dạy ở trường cấp III Bến Tre, trong một buổi lên lớp cô nghe thấy có một trò gọi : "Lập ơi Lập, cháu  vào lớp rồi đấy, nhanh nhanh lên". Cô biết cậu học trò kia cố tình trêu cô và Lập - người chú họ nhưng biết làm sao được vì đúng là cháu đang dạy chú mà. 
Cô lấy chồng sinh con, một trai, một gái. Do công việc, chồng cô công tác ở xa, một mình nuôi 2 con nhỏ cùng hai bố mẹ già nên vất vả lắm. Hồi còn ở khu gia đình giáo viên của trường gần ga Phúc Yên, hàng tuần vào ngày thứ 7 hay chủ nhật cô cùng Thầy Nhang cô Thắm đạp xe đạp vào núi Thằn Lằn trong Xuân Hòa quét lá bạch đàn về đun. Bữa nào nhặt được cành bạch đàn khô về làm củi buộc vào gác ba ga xe đạp là sướng lắm. Cũng như bao gia đình giáo viên khác, cô cũng cuốc đất trồng rau tăng gia, trồng mấy khóm mía và mấy khóm chuối nhưng bị lũ học sinh quỷ quái biết nhà cô chỉ có bố mẹ già và con nhỏ nên chúng vào bẻ mía ăn còn trêu ngươi ông bà, lấy súng cao su bắn vào buồng chuối còn xanh Cô biết nhưng không làm gì được vì không có bằng chứng, không bắt được quả tang ( sau này Đức "cận" một thành viên của 10cf trong một buổi trà dư, tửu hậu đã buột miệng  thú nhận có tham gia một trong những phi vụ ấy). Thanh Hà đã kể cho cô lời thú nhận trên của Đức đồng thời tiện thể có ảnh 10cf Thanh Hà lấy ra chỉ cho cô một trong những thủ phạm năm xưa. 
Cô, trò cùng nhắc tới tên các thầy cô năm xưa của trường Bến Tre:Thầy Trịnh An Ninh ( tác giả Trường Ca Bến Tre ) tài năng & đào hoa. Thầy Được dạy hóa người trong Tháp miếu, thầy Nhang dạy toán, cô Thắm dạy nga văn. Thầy Lân dạy văn nhưng đã mất lâu rồi. vợ chồng thầy Huy dạy toán, cô Lan dạy văn nhờ thầy Huy được giải ba về thi sáng tác "Quốc ca mới" nên cả hai được đặc cách đỗ mà không phải học, thi chuyển loại (vì các thầy cô năm xưa học hệ 3 năm, nay chuẩn hóa 4 năm nên phải học thêm 1 năm và phải thi nếu đạt mới được xếp vào hệ lương kỹ sư). Nhân chuyện nhắc đến bác Thưởng đánh trống mà bọn tôi vẫn quen gọi thầy Thưởng, cô Dân cười nói : tuy không dạy nhưng bác Thưởng lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề xách cặp to nhất đến trường nom rất oai vệ.....
Năm 1983, nhà cô chuyển về khu tập thể Thành công nên cô xin chuyển trường về dạy dưới Hà nội. Đầu tiên cô dạy một học kì ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi sau đó chuyển về dạy tại trường cấp 3 Tây sơn ( Nay là trường THPT Quang Trung khi hai trường Tây Sơn và Nguyễn Huệ sát nhập vào làm một) cho đến khi nghỉ hưu. Trường cấp 3 Tây Sơn ( Trường THPT Quang Trung) vẫn mời cô về dự các ngày kỷ niệm trường và ngày nhà giáo Việt nam hàng năm.


Các thế hệ học trò cũ của cô nhiều người đã thành đạt, có người vẫn thường xuyên đến đây thăm và tặng quà cho cô, kể cả lứa học sinh cô dạy từ những năm sáu mươi trên trường cấp III Trần Phú. Cô nói giờ cô đã già, sức đã yếu lại có bệnh nữa nên việc đi lại khó khăn, cô không dám đi đâu xa sợ có vấn đề gì thì con cháu lại khổ. Nhưng nếu đi gần thì cô vẫn đi được bởi tuổi già ăn uống được mấy chỉ sống bằng tinh thần là chính mà thôi. 
Thời gian trôi nhanh đến giờ chúng tôi phải xin phép cô ra về mặc dù vẫn còn muốn nghe cô kể chuyện tiếp. Thôi đành tự nhủ " để dành cho những buổi sau vậy


2 tháng 11, 2016

Những cuộc hội ngộ bất ngờ (2) : ANH & EM

Trước những năm 1975 hiện tượng hai anh em hay hai chị em học cùng một lớp không phải là hiếm bởi tuy chiến tranh loạn lạc nhưng các cụ nhà ta vẫn "Sản xuất" con đàn cháu đống theo kiểu "sòn sòn" năm đôi, lôi thôi năm một. Vì vậy chỉ cần học chậm hay đúp một năm là anh em dễ bề ngồi cùng chung một lớp mà thời đấy có đâu như bây giờ, học kém không đủ điểm tổng kết các môn trên trung bình là đúp, là rớt. Học ra học, chơi ra chơi, kiếm cái giấy khen học sinh tiên tiến còn khó như bắc thang lên hỏi ông Trời huống chi học sinh giỏi. Chứ có đâu như bây giờ, học sinh học lên lớp sáu lại bị trả về lớp một vì tội không viết nổi tên mình. 10cf cũng có 2 cặp đôi như vậy nhưng một cặp đôi 2 chị em là học khác lớp, còn một cặp đôi hai anh em học cùng lớp.
Đầu học kì một năm lớp 8, 10cf đón nhận một cặp đôi 2 anh em Tuấn- Toản chuyển trường từ Yên Bái về. Hai anh em cách nhau gần 2 năm ( anh sinh năm 1959, em sinh đầu năm 1961 trẻ nhất 10cf) mà trông cứ như một cặp song sinh bởi dáng người gầy và nhỏ con. Trước năm 1972, bố mẹ Tuấn - Toản làm ở nhà máy Z123 trong Xuân Hòa, sau bố Tuấn -Toản được điều về nhà máy Z1 nên Tuấn - Toản  đi theo Bố mẹ lên Yên Bái.  Vì lo đường học hành của các con nên bố mẹ Tuấn, Toản  quyết định cho các con về xuôi. Nhà Tuấn - Toản ở khu vực dưới Đại Thịnh, Mê Linh lên trường cấp III Bến tre học khá xa nên sang năm lớp 9 hai anh em lại được bố mẹ chuyển cho đi học trường khác từ đó 10cf bặt tin. (Sau này gặp lại mới biết Tuấn - Toản  chuyển về học tại trường cấp III Xuân Đỉnh Từ liêm, Hà nội.). Được phân vào tổ1 và 2, là con trai nên hai anh em nhanh chóng hòa đồng cùng với các bạn trong ngôi trường mới.
Tuy thời gian chỉ học cùng với nhau một thời gian ngắn  nhưng với tinh thần " Tìm gặp lại bạn xưa đã cùng học chung một lớp" để cùng nhau " ôn Trò, kể nghịch", 10cf đã tìm gặp được Tuấn - Toản sau 40 năm với những hành trình tìm kiếm không ai ngờ tới.
  
Gặp Toản :
Sau ngày 02/4/2016, với sự giúp đỡ nhiệt tình của "người đẹp tây đô" tại Cần thơ, chuyến thăm chớp nhoáng của 10cf trong ngày đối với nhà bạn Lý (một thành viên của 10cf) tại Sóc trăng thành công tốt đẹp ngoài sự mong đợi. Theo lịch trình đã lên trước, ngày 03/4, 10cf có chuyến ghé qua thành phố Hồ Chí Minh trước khi lên máy bay bay ra Hà Nội. Sau một hành trình dài từ bến xe Cần Thơ về bến xe miền tây tp HCM, do tắc đường giờ cao điểm và nhiều lí do khác nên cuộc hẹn giao lưu Hà Nội - Sài Gòn chậm đến gần một tiếng. Trèo lên tầng 2 vào phòng ViP 5 nhà hàng sân vận động quân khu 7 đã thấy ba người đang ngồi đợi bên bàn tiệc. ngoài Hồng Yến lớp A, Kim Liên ( người quen 10c f) còn có một anh chàng nhỏ người, mặc quần bò, áo phông màu nâu, tóc rẽ ngôi giữa. Bắt tay giới thiệu mới chợt thấy ngỡ ngàng. Bạn Toản của 40 năm về trước đây ư? nếu gặp nhau ngoài đường chắc đánh nhau vỡ đầu cũng chẳng nhận ra  nhau nếu như không có người xi nhan trước.Có thể vì lẽ đó mà chàng Trọng Hiền một thành viên của 10cf  công tác ở thành phố gần 30 năm, đơn vị chỉ cách đơn vị của Toản có một bức tường rào mà bao năm không nhận ra nhau.Vui mừng gặp lại nhau, vừa ăn vừa nói chuyện, những bỡ ngỡ ban đầu đã được bỏ qua, những bức tranh ngày học chung trường xưa, lớp cũ đã dần tái hiện: này là các bạn Lý, Nhường... nhỏ con, này là bạn Thắm lớp trưởng, nào chuyện cô giáo chủ nhiệm..... sau 40 năm Toản vẫn còn nhớ nhiều lắm
. Ăn ít, dô nhiều hết 3 bịch bia hainiken lon dài thì Minh Phương vợ của Toản đi dự đám cưới về ghé qua tiếp khách cùng chồng. Hóa ra Minh Phương là con của cán bộ miền nam tập kết ra Bắc, Minh Phương sinh ra lớn lên ở miền bắc. Tuổi thơ từng gắn bó với Hà nội cho đến sau giải phóng miền nam năm 1975 mới theo gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì thế mà mọi người không còn khoảng cách, các câu chuyện trở nên rôm rả và cuộc nhậu đi thêm một bịch bia hainiken nữa.Với khí thế cuộc nhậu, còn thời gian  chờ đợi để 10cf ra sân bay, mọi người rủ nhau mần tiếp tăng hai: hát Karaoke lúc này chàng Hiền và Kim Liên trổ tài Hồng Yến, Minh Phương vừa ngồi nghe, hưởng ứng và tranh thủ chờ đến lượt lướt web

Còn 10cf sau một hồi tham dự lôi Toản ra ngoài tâm sự cho đỡ ồn.
Mải vui nên thời gian trôi nhanh rồi cũng đến giờ ra sân bay mọi người chia tay với lời hẹn ước: cuối tháng 7 hai vợ chồng Toản - Phương sẽ ra Sa Pa họp lớp với 10cf.

Gặp Tuấn 
( Anh trai của Toản ):
Sau ngày gặp Toản được mấy hôm, Thạch báo tin: đã hẹn gặp Tuấn vào ngày 11/4 tại quán Lào bên trong khách sạn Cầu giấy, 10cf khu vực Hà nội sẽ gặp nhau vào ngày đó. Thật mừng sau một thời gian ngắn liền một lúc 10cf đã tìm được 2 anh em Tuấn Toản ở 2 đầu đất nước. Đúng hẹn mọi người dần tụ tập tại nhà hàng Lào, duy chỉ có nàng Thanh Phi mải đi dạy trò trên Xuân Hòa nên khi mọi người đã "dô" được một lúc mới kịp về tham gia.
 Cuộc gặp sau 40 năm thật bất ngờ nhưng thật vui vẻ. Hỏi ra mới biết nhà Tuấn hiện đang ở khu tập thể viện công nghệ khu vực Cổ Nhuế. Không biết bởi lí do gì mà một bên tai của Tuấn hiện nay hơi bị nặng, khó nghe. Tuấn cũng hơi lận đận trong công việc nên nghỉ chế độ sớm. Giao lưu làm quen mọi người Tuấn đã thực sự trở về với 10cf sau 40 năm xa cách

Để ghi nhớ ngày đầu tiên gặp lại nhau sau 40 năm cả nhóm đã chụp chung tấm ảnh lưu niệm với lời hẹn sớm gặp 10cf trên đất cũ trường xưa trước khi chia tay ra về.



LTS: Sau nhiều lần dò hỏi, tìm kiếm của 10cf, 2 anh em Tuấn - Toản đã trở về với mái nhà chung 10cf . Gia đình 10c plus sau một thời gian dài đã dần dần hội tụ đông đủ. Mỗi người, mỗi việc, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng cho đến nay tất cả  mọi thành viên đều mong vun đắp cho tình bạn, tình thân hữu ngày càng gắn kết bền chặt, và phát triển.