Năm 1983, tốt nghiệp ĐHTHHN, tôi được điều về trường Sỹ quan
Pháo phòng không làm giáo viên. Khi thấy 1 ”ông” sỹ quan non choẹt, không ra
dáng sỹ quan đào tạo chính qui, Trưởng khoa khoa học xã hội và phòng cán bộ của
nhà trường quyết định đưa tôi về Tiểu đoàn 4 để rèn luyện trước khi trở thành
giáo viên. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4- trung tá Nguyễn Ngọc Vui giao nhiệm vụ
cho tôi làm Đại đội phó đại đội 46- một đại đội tân binh được huấn luyện để bổ
sung quân số chiến sỹ cho nhà trường. Thật là khó khăn khi tôi chẳng được huấn
luyện gì về chỉ huy mà lại được giao nhiệm vụ chỉ huy 1 đại đội, thật là khó
khăn khi mình chỉ là 1 thiếu úy, chưa là Đảng viên mà lại được giao làm chính
trị viên 1 đại đội phụ trách các trung đội trưởng trung úy hiểu biết mọi nhiệm
vụ huấn luyện, điều lệnh. Thật vô lý, thật lơ mơ và thật lo lắng.
Buổi sinh hoạt đầu tiên , Những tân binh mới, những bình nhì
không kém mình bao nhiêu tuổi đặt ra những câu hỏi.
-
Đại Phó bao nhiêu tuổi
-
Đại phó có người yêu chưa
-
Em có chị gái xinh lắm đại phó à
-
Em có em gái Đại phó à
Những câu hỏi, những câu trêu đùa của những người lính trẻ
Thị xã Sơn Tây làm một sinh viên học đường lúng túng thật sự.
Thế rồi, Tiểu Đoàn trưởng Vui cử C46 vào Xóm Chóng lao động
lấy củi vừa là rèn luyện, vừa làm kinh tế cho tiểu đoàn. C trưởng Lãm, người
Đông Anh, là người có kinh nghiệm đẫn dắt 43 chiến sỹ mới, 1 y tá với 1 túi thuốc
và 1 thiếu úy mới ra trường còn lơ ngơ vào chân núi Ba vì thực hiện nhiệm vụ.
Địa điểm đóng quân của Đại đội là xóm chóng, một xóm của người
dân tộc mường thuộc chân núi Ba vì. 43 chiến sỹ được chia theo tiểu đội và phân
bổ về ở nhờ các nhà dân. Ban chỉ huy Đại đội được bố trí ở tại 1 căn nhà của
các cụ nằm giữa 1 vườn chè rộng lớn, bên con đập, ven một bờ hồ rộng. Tôi và thượng
sỹ y tá Yến (biệt danh yến rắn vì có tài bắt rắn), quê Vĩnh Phú, được bố trí ở
tại nhà cụ Trinh ngay sát vườn chè. Tuy là người Mường nhưng gia đình cụ nói tiếng
Kinh rất giỏi. Cụ có cô con gái vừa xuất ngũ hơn tôi khoảng 2 tuổi nhưng 1 câu gọi
anh M, 2 câu anh M làm tôi khó xử. Gia đình cụ chỉ có 3 cái giường, cụ ông và
con trai nằm cái nhỏ, 1 cái cụ Bà và chị
Trinh nằm còn 1 cái phản lớn nhường cho Bộ đội. 4 anh em, Tôi, Yến rắn và 2 chiến
sỹ không hiểu xoay xở kiểu gì mà cũng vừa.
Hàng ngày, theo lệnh của Đại trưởng, Tân binh lên rừng chặt
cây lấy củi cho tiểu đoàn. Tôi khoác AK vào rừng chặt cây cùng bộ đội. Với suy
nghĩ người lính làm gì mình làm nấy nên tôi mắm môi chặt cây và ì ach kéo cây
vượt các dốc núi, con suối về khu vực tập kết. Chúng tôi gò lưng kéo cây vượt dốc
và chụm chân giữ, kéo cây lại khi cây lao xuống dốc. 1 chiến sỹ trẻ cười : “Đại
phó ạ, khi kéo lên sao nặng thế mà khi thả dốc, cây gỗ như 1 con chó săn kéo
minh chạy theo đứt hơi”. Tất yếu 1 người không được rèn luyện kỹ năng lao động
như tôi làm sao sánh được những thanh niên nông thôn. Càng ngày tôi càng mệt,
tay thì phồng rộp, chân tóe máu tứ tung nhưng không dám ngừng vì sợ Tân binh
chê cười. Mỗi sáng, nhấc được tấm thân mỏi nhừ khỏi tấm phản thật khó khăn. Một
ngày, Tiểu đoàn vào kiểm tra, thấy tôi hùng hục như chiến sỹ, chú The, tiểu
đoàn phó cười rồi nói:
-
Nhiệm vụ của cậu là quản lý anh em chứ có phải
đi chặt củi đâu. Tôi ngớ người.
Hôm sau, Đại đội trưởng Lãm gọi tôi vào:
-
Thôi lao động thế là đủ rồi, bây giờ tôi giao
cho cậu gần gũi với bộ đội, phụ trách Đại đội lấy củi còn tôi sẽ lo công tác
ngoại giao với bản với xóm. Nhiều việc phức tạp lắm.
Tôi bắt đầu công việc
của “nhà quản lý” và lúc đó mới thấy có rất nhiều vấn đề phải làm. Đơn vị thiếu
thức ăn, chỉ có gạo, muối, ít mỡ, mắm… bữa ăn thiếu chất. Thật ra trước khi đi
tiểu đoàn cho mang theo 2 con lợn con khoảng 9-10 kg để khi nào hết thức ăn thì
thịt nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi không dám thịt cho bộ ăn mà
hang ngày phải hái rau, nhường cơm cho lợn (3 tháng sau rút quân mỗi con lợn
tăng hơn chục kg). Anh em ghét 2 con lợn này lắm. nhiều hôm ngồi trong nhà nghe
lợn kêu eng éc, nhìn ra thấy chiến sỹ ta cầm que chọc lợn. Hỏi sao thì lính trẻ
bực bội:
-
Chọc cho nó chết để được ăn thịt lợn Đại phó ạ.
Nó càng lớn càng ăn hết cháy của bọn em.
Thật là thương anh em, tôi nghĩ cách cho họ về nhà chiều thứ
7 với lời nhắn nhủ: các em về thăm nhà không được cắt cơm, để cơm lại cho người
ở lại ăn no và về nhà nhớ mang thêm chút đồ ăn cho tuần tiếp. Từ đó những buổi chiều
thứ 7, từng tốp lính đi bộ 17-19 km từ rừng về thị xã Sơn tây để buổi tối chủ
nhật quay lại với niềm vui và lọ muối lạc trong túi. Tôi ở lại, lúc đầu thì
thích vì được nghỉ nhưng sau thì buồn vì anh em họ về nhiều, bữa ăn vắng vẻ và
cả ngày không tivi, không báo, đài…. Ra vườn chè, vào vườn chè và đỉnh núi Ba
vì cao tít trên mây.
Chiến sỹ mới tuổi còn rất trẻ lại chủ yếu là con em Thị xã,
nhiều người không quen lao động, nhiều người nghịch ngợm. Cậu Lộc, nhà ở thị xã
Sơn Tây là người có nhiều quái chiêu nhất. Một buổi chiều tôi đi rừng về rửa
tay chuẩn bị cùng anh em ăn cơm. Thấy Lộc
đứng giữa sân tôi bảo: Vào ăn cơm Lộc. Một
câu lính bên cạnh thì thầm:
-
Nó bị phạt đấy anh ạ.
-
Sao lại bị phạt, tôi quay sang người lính bên cạnh.
-
Nó ăn gian nên Đại trưởng phạt
Tôi đứng dậy sang mâm của Đại trưởng. Đại trưởng Lãm giải
thích:
-
Mấy hôm nay cậu Lộc kêu ốm không lên rừng nhưng
tối tối lại vào xóm vào bản chơi. Sáng nay vào rừng được 1 chút thì kêu đau bụng
đi ngoài nhiều lần và bỏ về. Tôi cho y tá kiểm tra thì không phải vậy.
Y tá Yến bổ sung:
-
Theo lệnh của anh Lãm, tôi yêu cầu Lộc ra bãi
chè đi ngoài để tôi kiểm tra nhưng sau khi kiểm tra tôi phát hiện phân cứng và
cậu Lộc dùng que khấy như phân lỏng. Tôi đã gọi Lộc và nói rõ việc giả làm phân
lỏng thì cậu ấy lại nói dối: đi từ rừng về đau bụng quá gặp bà Mế và bà Mế cho
nắm lá gì đó nên phân cứng lại. Tôi lại hỏi: vì sao lại phải khuấy phân thành
phân lỏng thì cậu Lộc ú ớ không trả lời được nên anh Lãm phạt đứng ngoài sân.
Cuối bãi chè có mấy ngôi mộ đất. Ngày ngày sau mỗi bữa ăn
chúng tôi phải đi ngang qua để trở về nhà dân. Cụ Trinh và dân làng nói ở đó có
mộ của một cô gái chết trẻ thiêng lắm. Thỉnh thoảng hồn của cô lại hiện lên trắng
toát, lượn lờ… nhiều lần họp xong về muộn đi ngang qua tóc gáy tôi dựng ngược.
Ngày còn ở nhà tôi là chúa sợ ma. Năm lên 6-7 tuổi, ông Bính bên hàng xóm mất
tôi sợ ma mấy tháng. Mẹ phân công 2 anh em: ngày này đứa này rửa bát, đứa kia nấu
cơm và hôm sau ngược lại. Thế là tôi bỏ cả chơi xung phong nấu cơm suốt tháng để
khỏi phải ra giếng rửa bát 1 mình vào chập tối. Thế nhưng ở đây không để chiến
sỹ biết mình sợ ma được. Đại đội phó sợ mà sợ ma à…
Một tối, gió lạnh, tôi đang ngồi sưởi và nói chuyện với cụ
Trinh thì Yến ùa vào hổn hển:
-
Ối giời ma anh ạ.
-
Ma ở đâu? Nói rõ xem nào
Yến mặt xanh lét diễn tả:
-
Lúc đầu tôi cũng không tin có ma nhưng vừa rồi
đi qua cuối bãi chè tôi thấy bóng trắng toát lượn lờ trên mộ. tôi chạy văng cả
dép.
Nhìn xuống dưới chân Yến thấy chỉ còn 1 chiếc dép nhựa đứt
quai, tôi lo lắng.
-
Cô ấy thiêng lắm, nhiều lần cô ấy hiện lên đấy.
Cụ Trinh thêm vào làm mọi người càng sợ. Thật là lúng túng,
làm sao bây giờ. Trong bụng thì muốn để sáng mai hẵng hay nhưng như vậy thì làm
sao mà ăn nói với Lính. Tôi bảo Yến:
-
Anh em mình ra đó xem sao
-
Thôi anh ạ mai đi
Những ngày sau tôi cho Yến và 1 cậu lính lên rừng kiếm củi
bán lấy tiền mua dép cho Yến và sau này tôi biết được ma chính là cậu Lộc. Lộc đã
rủ mấy người bạn khoác màn trắng ra mộ dọa Yến cho bõ tức hôm bị phạt. Thật là lính
với tráng.
Ba Vì cũng là nơi được coi là rừng thiêng nước độc. Một ngày
đi rừng về tôi thấy nóng người. Cơn sốt kéo đến nhanh chóng. Lúc này tôi đã
chuyển sang nhà trông chè của các cụ ở mà không ở nhà cụ Trinh nữa để dễ quản
lý bộ đội. Mấy ngày đầu còn nhúc nhắc, đến ngày thứ 3 là tôi nằm liệt, sốt cao,
nhức toàn thân. Mấy bát cháo rau rừng của mấy cậu công vụ cũng chẳng muốn ăn. Yến
thì lục cả túi thuốc của 1 y tá cũng chỉ có vài loại: Thuốc cảm, thuốc đau bụng…
và với kiến thức của 1 y tá Yến cũng không biết tôi bị sốt vì sao. Sang ngày thứ
4 bắt đầu thấy hiện tượng mơ màng và lâng lâng, chìm vào giấc ngủ, có 1 đàn ong
vo ve đâu đó. Sang ngày thứ 5, một ngày của vận mệnh. Chú Lai, thiếu tá phó chủ
nhiệm quân y của nhà trường đạp xe vào rừng xem xét cho việc ban quân y cũng sẽ
tổ chức vào rừng kiếm củi gây quỹ. Nghe nói tôi bị sốt chú đến xem. Mới ngồi xuống
cầm tay tôi chú đã kêu ầm lên:
-
Thôi chết rồi, chết rồi tay bắt chuồn chuồn rồi
(Ngôn từ của nghề y nói tay đã bị cứng và khòng khòng như đang bắt chuồn chuồn)
Chú Lai lấy 1 tờ giấy viết vài chữ và đưa cho 1 công vụ yêu
cầu đạp xe gấp về Trường xa 12 km. Sau 3 tiếng chiếc xe UAZ đè lên những bụi
chè chạy vào sân nhà trông chè của các cụ. Anh em khiêng tôi ra xe trong tư thế
người tôi đã cứng.
Về tới tiểu đoàn 4, Trung sỹ Đính y tá kéo ống quần tôi lên
tiêm liên tiếp 2 ống Penicilin vào mắt cá chân và đầu gối đã sưng vù rồi chuyển
xuống bệnh xá của nhà trường. Ở đây Bác sỹ Hùng xác định: Tôi bị sốt Xoắn Khuẩn
mảnh, một loại vi khuẩn của rừng thiêng nước độc và bắt đầu cho phác đồ điều trị.
Mỗi ngày tôi bị tiêm 2 mũi streptomycin sau 3 ngày tôi đỡ sốt và 5 ngày sau tôi
trở lại rừng trong sự vui mừng của các Tân binh.
Hàng năm đến ngày 22/12 các chiến sỹ nghịch ngợm năm nào của
C46 vẫn tập trung gặp mặt tại Sơn tây. Năm 1995, sau khi từ Liên xô về, anh em
chúng tôi vào xóm Chóng thăm gia đình cụ Trinh, thăm đồi chè và không quên nhìn
lại ngôi mộ thiêng đã làm mất đôi dép của Thượng sỹ Yến. Mảnh đất này đã giữ rất
nhiều kỷ niệm đã cho tôi đứng bên ranh giới của sự sống và cái chết trong tình
thương của anh em bộ đội.