27 tháng 6, 2014

MIÊN MAN 2

Năm 1979, sau hơn một tháng “gạo đem vào giã ...”, xác định tư tưởng xong, cảm thấy tự tin hơn với môi trường mới, tôi quyết định mở rộng địa bàn nơi trú chân. Đã bốn tuần liền tôi không đi đâu ngày chủ nhật, thường quy định là ngày nghỉ phải có 30% quân số trực tại doanh trại, vậy là thừa tiêu chuẩn, tôi xin phép ra phố huyện Xuân Mai.


Lần mò một lúc cũng tìm được đơn vị cần tìm; ở đây bạn cùng trường có Văn Minh và Trung Toán. Ngày nghỉ nên hai ông ban cũng thư thả, diện quần đùi “chính ủy” (loại quần đui nhưng rộng thùng thình, chắc chính ủy mới đủ tiêu chuẩn vải để may đo) đang chăm vườn rau. Tôi thì biết hai người ở đây nhưng cả hai ngỡ ngàng bởi sự xuất hiện đột ngột của tôi, chẳng gì cũng đã hơn hai năm không gặp nhau. Tíu tít chút ngoài vườn, hỏi thăm sơ qua về sức khỏe, sinh hoạt hơn hai năm vừa qua rồi Toán chủ động chuyển sang chủ đề biên giới, với nét mặt lo âu Toán kể tên các bạn trong lớp đang chưa liên lạc được từ tháng 2, vừa điểm tên vừa bấm ngón tay: Tiêu này, Quyền này, Hậu này… Năng Thắm này; chưa kịp bổ sung thêm thì Văn Minh thêm vào: “cả cái Thay nữa, mày có nhớ nó không? Thay không phải bộ đội nhưng nghe đâu chỗ Thay công tác nó tràn qua lâu rồi, tội nghiệp con bé…”; ờ..ờ mỗi người nhìn đi một nơi, suy nghĩ về một khía cạnh khác nhau của thời cuộ; lặng đi một lát,Toán vội đi báo cơm khách, Minh đưa tôi đi thăm quan quanh doanh  trại. Một dãy dài “voi rừng” bóng loáng nằm trong lán, thì ra cả hai ông đều là lính tăng. Vừa đi Minh vừa giải thích: trưa ăn cơm với tiểu đội tao cũng được, nhưng báo “tiểu táo” cho “tươi”, tiếp khách cho lịch sự (trong quân đội, biên chế tác chiến thì tiểu đội là nhỏ, trung đội là vừa, đại đội là to hơn; nhưng anh nuôi thì lại chia ngược lại: lính thì ăn đại táo, sỹ quan ăn trung táo còn hơn nữa, khách và bệnh nhân sẽ dùng tiểu táo). Vào bữa, Bạn của Minh, Minh, Toán và tôi vào phòng khách; vẫn chu đáo như xưa, Minh đảo đầu đũa gắp cho tôi miếng thịt gà to nhất, tôi ngài ngại:…. .ờ…ờ cho xin, lại còn lộn đầu đũa nữa, vệ sinh quân đội có khác, chẳng bù cho bọn tôi hồi ở trường: sáu thằng, sáu cái thìa, chung một mâm có hai cái xoong, một đống muối.  Mặc dù ngất ngây với khẩu phần nhưng tôi không thể không để ý đến những động tác ăn rất chuyên nghiệp của cánh lính tăng, họ tập trung cao nhưng cũng chưa cần dùng đến “chiến thuật”.(hồi đó lính tăng hưởng 23kg gạo/ tháng nên không biết đến đói, sinh viên và cán bộ chỉ được 13 kg thôi)...chắc nhiều người thắc mắc :“sao lại có chiến thuật ăn” phải không? Chẳng là trong chiến tranh cánh lính nhà ta ăn khỏe nhưng lương thực chu cấp không đủ, nếu không khéo ăn thì dễ bị đói, nhiều người rút kinh nghiệm truyền tai nhau rồi thành ra chiến thuật tác chiến dễ thấy: mâm sáu người, mỗi người đến chỉ mang một cái bát và một đôi đũa, cái bát men Trung Quốc có tên gọi là “bát B52” (B52 là loại máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ, cho đến nay hình như chưa có loại nào khủng hơn), gọi bát B52 vì nó to; Bát B52 nếu đựng canh chung thì hơi nhỏ, nếu là bát ăn thì hơi to.. Thoạt đầu bữa ăn mỗi người trong mâm chung cái muôi, lần lượt vục đôi cái nhẹ, B52 đầy có ngọn rồi “cất cánh”, tiếp theo đến người khác, loáng một cái B52 lại đứng chờ nhưng lần này thì chỉ “màn hình phẳng” thôi.. sau vài động tác động viên quân, B52 hạ xuống  nạp thêm muôi nước; S.o.o…..a.ạ.t, hết lần hai B52 lại tiếp liệu, lần này thì ngoài có ngọn còn bị lèn thêm cho chặt, tưới lên tý nước mắm thế là ra đứng một góc, lúc nào hết cũng được; sau ba lần như vậy đong đếm tương đối có tên gọi là “đầy- vơi-đầy”, nếu sai chiến thuật mà chuyến thứ hai cũng đầy thì không còn chuyến thứ ba nữa….
 Toán lại trở đầu đũa, gắp cho tôi món khác; vừa ăn, vừa chuyện trò vui vẻ, bất chợt thấy con chó lụi rụi dưới gầm bàn, Minh lộn đầu đũa, vụt cái nhẹ vào lưng chó quát: “đi ra”. Tôi liếc nhìn đầu đũa của Minh rồi “tập trung chuyên môn” để khỏi phiền các bạn…. Trên bàn cũng vơi đi nhiều, thấy tôi ngắc ngứ, đứng dậy loanh quanh, lúc thì sờ vào cái lồng bàn, lúc thì cầm cây chổi tre; Văn Minh hiểu ý, nháy mắt vẫy tôi lại rất ý nhị rồi từ từ mở khuy túi áo ngực, móc ra một nắm tăm mầu cháo lòng, nhìn vào ai chũng hiểu là hàng “secondhand”, chọn cái ít bầm rập nhất đưa cho tôi bảo dùng tạm; OKE- một miếng lúc đói bằng cả gói khi no; không gì khó chịu bằng thịt gà mắc răng. Về nhà khách nghỉ trưa, ngủ dậy pha ấm trà rồi tôi xin phép về đơn vị. Sau ba tháng huấn luyện , trước lúc được trở về trường để học tiếp; chiều hôm trước tôi mượn xe đạp, đến Xuân Mai chào hai bạn, uống hớp chè, trao đổi chút tin tức rồi lại về đơn vị, sáng hôm sau được về Thủ đô.
Về trường, sau vài tháng học đuổi chương trình, tôi nhận được thư Minh thông báo : ngày ấy, giờ ấy… bọn tao tập trung ở Bạch Mai đi biên giới. Sáng chủ nhật tôi đến sân bay Bạch Mai sớm, không hiểu “đàn voi rừng” đã mò về từ lúc nào, đang chuẩn bị lên tầu hỏa để di chuyển tiếp (Đường Trường Chinh bây giờ, đoạn ngã tư Vọng đến Hố mẻ, quán bia Hải Xồm trước kia có đường sắt). Đơn vị của Toán đã hành quân trước, Văn Minh đưa tôi đi qua hàng xe tăng xếp hàng rồi cho tôi chèo lên chui vào trong xe; trong đó có bốn chiến sỹ nữa đang hý hoáy lau chùi, xếp dọn. Tôi hết thử ngắm chỗ nọ, dòm chỗ kia, phấn khích thể hiện ra mặt, đội cái mũ vào lại chui qua tháp pháo.. ồ khoái thật. Bây giờ không biết Văn Minh có chui lọt cái cửa xe đó không?Có tiếng kẻng, Minh thông báo đến giờ ăn cơm, sắp lên đường. Anh nuôi đã chuẩn bị cơm cho đơn vị xong, tôi cũng chầm chậm tiến đến những mâm cơm bày sẵn trên các mô đất ở sân ga- sân bay cùng dự bữa cơm chia tay bạn.
Đoàn xe và các chiến sỹ đứng chơ chọi giữa bãi trống, gió heo may hun hút, cát bụi mù mịt, và miếng cơm vào miệng thì có một phần ba là cát, mọi người cười -nói vui vẻ, tôi cũng cười theo. Lại một cơn gió nữa, cát đầy mặt. Tôi thấy bát cơm mình đang ăn mặt hơn chút ít….  %


                                                                   Hà Nội 6/2014

24 tháng 6, 2014

Ngày thứ tư: 01 tháng 6 năm 2014 - Vũng Tàu biển hát


Mặc dù Kim Lành thông báo: 7 giờ sáng 01 tháng 6 xe mới đưa đoàn đi Vũng Tàu nhưng đến 6 giờ 30 sáng đoàn đã làm xong thủ tục trả phòng khách sạn nên đoàn lên xe đi sớm hơn dự kiến.  7 giờ 17 phút, xe đến trạm dừng chân Mê  Kông – Long Thành nghỉ ăn sáng. Nhà hàng đông khách vì nhiều đoàn ghé qua nên khi ăn các món ăn theo sở thích của các thành viên trong đoàn phải chờ đợi. Sau 50 phút nghỉ ngơi ăn sáng, 8 giờ 07 phút, xe rời nhà hàng Mê Kông Rest Stop Long Thành hướng Vũng Tàu thẳng tiến




Đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu tuy chưa xong nhưng đã thông xe từng đoạn nên thời gian chạy Từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu được rút ngắn. 9 giờ 42 phút xe dừng tại  cổng khu phố văn hóa phường 2 Thành phố Vũng Tàu ( trên đường Hạ Long) để đoàn lên tham quan ngôi chùa Niết bàn tịnh xá . Chùa “ Niết bàn tịnh xá” (hay còn gọi chùa “ Phật Nằm”) được xây dựng trên sườn núi nhỏ hướng mặt ra biển. Chùa được khởi công xây dựng năm 1969 bằng tiền quyên góp của đồng bào phật tử và được khánh thành năm 1974. Đoàn dừng lại chụp ảnh tại cổng chùa nơi hai bên có hai pho tượng thần thiện và thần ác. Chụp ảnh xong, đoàn theo bậc tam cấp lên khu điện thờ chính của chùa . Khu điện thờ được bày trí thành một vườn hoa sa la theo cảnh đức Phật nhập niết bàn. Nổi bật là bức tượng “Phật nằm” dài 12 m đặt trên bệ thờ cao 2,5 m tượng trưng cho “ thập nhị nhân duyên”. Phía trước có chiếc lư đồng do một nghệ nhân tỉnh Bến Tre tặng chùa năm 1971. Sau khi vào thắp hương hậu điện nơi thờ phật Thích Ca và các vị tổ đã có công truyền bá đạo phật, đoàn lên tầng 2 xem thuyền rồng hay còn gọi là thuyền Bát nhã ( dài 12m) cứu vớt mọi người ra khỏi khổ ải đến chốn vĩnh cửu bất diệt. Đoàn vào thắp hương điện thờ Phật Quan Âm Bồ Tát, lên tháp chuông ngắm cảnh biển và tòa tháp nhỏ trước chùa cao 21m được làm thành 42 bậc, tượng trưng cho 42 trang kinh phật đầu tiên được lưu truyền vào Việt Nam thế kỷ thứ 2. Tùy theo tâm linh từng người, để cho thoải mái nơi cõi niết bàn nên người xong  ra trước, người hành lễ ra sau. Những người ra trước ngồi chờ uống nước dưới đường Hạ Long và tranh thủ chụp vài kiểu ảnh “hướng ra biển đảo” làm kỷ niệm.












10 giờ 17 phút, còn sớm để nhận phòng khách sạn (13 giờ ) và để chiều có thời gian nghỉ ngơi tùy thích trước khi ra tắm biển Đoàn quyết định đi thăm Bạch Dinh luôn không chờ đợi đến chiều như lịch tua đã lên( một quyết định sáng suốt). 10 giờ 37 phút đoàn đến trước tòa nhà Bạch Dinh nằm ở phía nam núi lớn cao 27 m so với mực nước biển, nhìn ra bãi trước.Thời hoàng đế Minh Mạng đây là pháo đài Phước Thắng để kiểm soát cửa biển Cần Giờ. Sau khi chiếm được quyền cai trị đông dương chính quyền thực dân cho san phẳng pháo đài để xây dựng một dinh thự làm nơi nghỉ mát cho các toàn quyền đông dương vào năm 1889, mãi tới năm 1902 khánh thành. Nơi đây thực dân pháp đã từng giam lỏng cựu hoàng Thành Thái trong gần 10 năm (Từ tháng 9 năm 1907) nên dân địa phương kính trọng ông còn gọi là dinh ông thượng. Đoàn chụp ảnh trước tòa nhà Bạch Dinh rồi tham quan kiến trúc,hiện vật và cảnh quan tòa nhà từng là nơi nghỉ mát cho các quan chức cao cấp trong các chính quyền cai trị. Vì trước là pháo đài nên phía ngoài nơi đây còn trưng bày nhiều loại súng Thần công (đủ các kích cỡ từ nhỏ đến to) và điểm đặc biệt nhất là ở đây có nhiều cây sứ ( hai bên lối đi bộ lên xuống) và rừng cây giá tỵ ( đây là loại cây được ưa chuộng dùng làm báng súng trong quân sự).









11 giờ 10 phút đoàn rời Bạch Dinh, xe chạy ngược đường Hạ Long về đường Thụy Vân. 11 giờ 18 phút đoàn vào nhà hàng Sò Vàng thuộc Bình dương travel & KDL Biển đông tại A/14  6B đường Thụy Vân. Ăn uống nghỉ ngơi chờ phòng, 12 giờ 30 rời nhà hàng về khách sạn Ngọc Hân ở 8A2 Thụy Vân nhận phòng nghỉ ngơi. Riêng 3 chàng ( Nguyên, Lân, Dũng) còn ở lại “chiến đấu” hết 2 két bia với “ông bạn” đang làm ở Vũng Tàu tới cùng tham gia đến 15 giờ 30 mới chịu về khách sạn.







Hướng dẫn viên Kim Lành thông báo: 19 giờ, đoàn lên xe đi ăn tối tại khách sạn nơi khác, đề nghị các bác có mặt đúng giờ dưới sảnh khách sạn để xe đón đi. Trời nắng, phòng điều hòa, hành trình xa nhưng 16 giờ 50 tốp đầu tiên đã ra khỏi khách sạn để đi tắm biển. Hôm trước ông bạn Hiền gọi bảo: khi đí tắm biển nhớ bảo các em mặc đồ hai mảnh nhé. Sáng nay khi trên xe ông bạn lại gọi điện nhắc lại: phải duy trì “đúng quy định”. 15 giờ ông bạn nhắn tin hỏi đi tắm biển chưa, có duy trì đúng quy định không? Tôi nhắn lại: chưa tắm và chuyển tiếp tin nhắn của Hiền gửi cho tôi tới một số chị em trong đoàn. ( Lúc này xem ảnh Trọng Hiền đã thấy chị em “tuân thủ” chưa? không những 2 mà “nhiều” mảnh là đằng khác). 17 giờ 51 phút thành viên cuối cùng rời khỏi bãi biển Thụy Vân về khách sạn . 18 giờ 20 các thành viên đã ở dưới sảnh khách sạn chờ xe đi ăn tối. Tranh thủ lúc chưa đến giờ, các xe hàng rong bán hàng lưu niệm áp sát tận cửa khách sạn, mấy chị em xúm vào xem và chọn mua đồ về tặng cho con, cháu. 

















Mặc dù đã ra quy định không tách đoàn để giữ nghiêm kỷ luật và không khí vui tươi của đoàn nhưng tối nay có 4 người xé rào ( Nguyên, Nghĩa, văn Minh, ngọc Thu) nên đoàn còn 15 người lên xe đi ăn tối. 18 giờ 52 phút xe dừng trước sảnh khách sạn 4 sao SAMMY – Hotel cùng nằm trên đường Thụy Vân.  Đoàn được dẫn lên phòng ăn nhỏ dành riêng cho đoàn ở tầng 2 . Nơi đây đã có dàn Karaoke  phục vụ “các giọng ca vàng” của đoàn     (theo chương trình tua). Đoàn mời cả hướng dẫn viên và lái xe cùng tham dự cho vui, cả 2 cùng vui vẻ nhận lời. Tuy không có người uống vì các tay nhậu chính đã đi đánh lẻ, nhưng để cho bốc khi hát, các chàng còn lại gọi rượu votka Hà nội ra uống (phần uống nằm ngoài thực đơn, đoàn thanh toán). Vào đầu là bài nối vòng tay lớn của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, sau đó vừa ăn vừa uống, vừa hát, với quy định sau nam đến nữ nhưng bên chị em nữ không chịu hát chỉ để cho ca sỹ Hoa Mai tham dự cùng. Vui, dô, uống, hát, nên nhiều giọng đã xuống cấp do rượu đá mấy ngày cũng hào hứng tham gia “gào” ( Thành Lân,Dũng Kim,Hữu Nhường (OGTN) , Hà Thanh…).  













Đặc biệt nhất là cháu Kim Lành hướng dẫn viên cũng hát tặng các bác trong đoàn một bài. Định để bài cuối kết thúc hát bài trường ca Bến Tre nhưng rồi phá sản vì thời gian giành cho đoàn đã hết, quản ca ra ngoài nghe điện thoại nên thôi. 20 giờ 29 đoàn rời SAMMY hotel về khách sạn Ngọc Hân. Thấy còn sớm, nhiều thành viên trong đoàn lại ra đường Thụy Vân đi dạo tiếp. Đây là khu mới nên hàng quán không nhiều , buổi đêm các khu bãi biển đóng cửa không cho người ra vào nên đi được nửa vòng nhóm đi rơi mất một phần ba quân số. Dạo tiếp, ngược đường Thụy Vân chợt nhớ nhóm đi nhậu ven biển tôi gọi điện hỏi thăm thì có thành viên tắt máy, có thành viên bảo say lắm rồi đang nằm mát xa   và hỏi  tôi có mát xa không? Tôi hỏi ở đâu? Nhưng say quá không biết ( sáng hôm sau không còn biết mình về lúc nào đi bằng phương tiện gì). 21 giờ kết thúc đi dạo, cả nhóm về khách sạn. Tối mải vui, ăn uống ít. Đói mấy vị rủ nhau ăn cháo hào tại quán gần cổng khách sạn ngồi lai rai đến 22 giờ mới lên khách sạn ngủ. Kết thúc hành trình ngày thứ tư tai VŨNG TÀU BIỂN HÁT của 10cF.   

.