Trong cuộc đời mình, tôi đã được học
nhiều thầy cô. Nhiều người thầy đã có những ảnh hưởng lớn tới sự trưởng thành của
tôi, Nhiều người thầy đọng lại những kỷ niệm như những ngọn lửa cháy mãi một thời
đi học trong sáng, hồn nhiên….
Hôm nay tôi muốn kể về kỷ niệm của
một người thầy không dạy tôi nhiều, một người thầy bình dị mà hình ảnh mãi ấm
áp trong tôi.
Năm 1974 lũ học trò trường làng chúng
tôi được trở thành học sinh của trường cấp 3 Bến tre, một mái trường nhỏ nằm gần
ga Phúc yên, trên đường vào Thị trấn Xuân hòa. Vẻn vẹn với 8 phòng học, 10 lớp
học và hơn 400 học sinh nhưng Trường cấp 3 Bến tre lại là một trườngđiển hình của
tỉnh Vĩnh phú. Ban đầu trường mang tên vị tổng bí thư đầu tiên - Trần Phú, sau
này trường đổi tên thành trường cấp 3 Bến tre để ghi nhận tình cảm kết nghĩa của
nhân dân Vĩnh Phú với Bến tre thành đồng kiên cường trong thời kỳ đánh Mỹ.
Những ngày đầu lũ học sinh lơ ngơ
chúng tôi tới với mái trường cũng là những ngày cô sinh viên người Hà nội, Ngô
Tú Hiền tốt nghiệp khoa Vật lý trường đại học sư phạm Hà nội và khoác ba lô lên
đường về Phúc yên bắt đầu sự nghiệp của một nhà giáo. Cô mảnh mai, Cái mảnh mai
của người Tràng an thanh lịch và cũng là sự mảnh mai của một thời mà đất nước
cơm không đủ ăn. Tuy nhiên trong sự mảnh mai ấy là sự nghiêm túc, say mê với
nghề nghiệp và yêu thương học trò.Năm đầu cô dạy môn vật lý cho lớp D và lớp B
và chỉ 1 năm sau cô được giao làm chủ nhiệm lớp 9B (năm 75-76) Một dấu ấn quan
trọng trong sự nghiệp làm thầy ở lứa tuổi còn rất trẻ.
Cô Hiền không dạy lớp tôi, thỉnh
thoảng cô dạy vài tiết, kỷ niệm về cô không nhiều nhưng có một kỷ niệm mà tôi
nhớ mãi. Tháng 3 năm 1977, 3 tháng trước thời gian kết thúc đời học trò, nhà trường
tổ chức cho khối 10 vào Ngọc Thanh, một xã của dân tộc Sán dìu nằm trong vùng chân
dãy núi Tam đảo, phía sau hồ Đại lải, để trồng rừng và để học sinh học hỏi thêm
kinh nghiệm, gắn bó với bè bạn. Cả khối 10, bốn lớp thầy trò chất sách vở, quần
áo, gạo mắm, cuốc xẻng…lên xe đạp cùng vào Ngọc Thanh trồng cây phủ kín đồi trọc.
Ban tổ chức chọn những khoảng đồi trống rồi phân chia cho các lớp vị trí cắm trại.
Ngày ấy chẳng có vải bạt và các Phương tiện chuyên dụng để cắm trại, các bạn
nam trong lớp chặt cây rừng đóng cọc, dựng khung rồi trải áo mưa lên trên thành
mái, quay xung quanh thành vách thế là đã có những căn lều ấm cúng xuất hiện
trên những ngọn đồi Ngọc Thanh. Cả lớp chỉ có 1 lều nên hơn 40 học sinh nằm sát
nhau, nam một phía và nữ một phía tối lạnh nằm ôm nhau kiểu úp thìa để ngủ cho
bớt đi cái rét trong những đêm cuối đông đầu xuân trên những ngọn đồi trống vắng.
Ranh giới giữa Nam và nữ chỉ gang tay, chẳng đứa nào chịu nằm cạnh mấy đứa con
gái vì ngượng. Bếp là một cái lán nhỏ hơn, được dựng ngay bên cạnh. Ông đầu bếp
là mấy hòn đá nhặt trên đồi. Củi thì quá dễ tìm trong vùng rừng núi. Trước ngày
đi lao động, cô chủ nhiệm dặn: Các em xin bố mẹ mang theo gạo gạo, nước mắm, muối….có
gì mang nấy cho 15 ngày lao động trên rừng. Tôi còn nhớ giây phút các bạn mang
gạo và thực phẩm nộp cho các bạn nữ. Đứa thì đựng gạo trong túi đi học, đứa thì
đựng trong lọ, trong tay nải, ruột tượng, đứa thì xách theo chai nước mắm, đứa
lại có bơ lạc, ít muối vừng… Tôi còn nhớ những bát cơm thập cẩm trộn đủ thứ gạo
rất ngon trong tiếng cười, sau những buổi cuốc đất mệt nhoài. Hàng ngày chúng
tôi cuốc những hố sâu để trồng cây non. Tiết trời tháng 3 dành lại chút hơi lạnh
cho lũ học trò. Buổi tối bên lửa trại không ai muốn ngủ.
Một hôm, trời về chiều, lũ học
trò nhỏ đang hùng hục cuốc đất, bỗng loa phóng thanh vang lên: A lô, a lô… giọng
thầy Kế dạy lý thử loa. Thầy thông báo xin đọc bài thơ và giọng ấm áp nghịch ngợm
của Thầy vang lên:
Tôi có cô em gọi Tú
Hiền
Tóc mềm như rạ, mắt
như gươm
Năm nay cô nó 24 tuổi,
Nhiều gã trai làng dạ
vấn vương.
Tiếng cười vang khắp các ngọn đồi.
Năm ấy cô Hiền khoảng 24 tuổi, chưa lấy chồng và sống trong tình yêu thương của
đồng nghiệp, học trò nơi mảnh đất xa lạ. Sau đó nhiều lần tôi được nghe câu thơ
đó một cách dang dở, mỗi lần nghe tôi lại nhớ tới những ngày đi lao động trồng
cây trong Ngọc Thanh, nhớ bè bạn nhớ giọng Thầy Kế và nhớ cô Hiền.
Ngày 20/11 vừa qua, sau 38 năm xa
cách tôi được gặp lại cô trong buổi học sinh K74-77 Trưòng C3 Bến tre gặp mặt một
số thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt nam. Nhìn cô già đi, gầy đi trong lòng tôi
trào dâng niềm thương cảm.
Thời gian như người mẹ hiền đã
cho ta thật nhiều và cũng là tên trộm âm thầm lấy đi của chúng ta những điều
giá trị nhất.
Đứng bên cô, tôi đã đọc lại những
câu thơ trên cho Cô Hiền, chồng cô và bạn bè nghe và cô trò chúng tôi đều xúc động.
Hôm nay tôi xin chép lại bài thơ mà thầy Kế đã mượn 4 câu đầu để nói lên tình
yêu thương của một người anh dành cho em gái.
CÔ BÉ EM TÔI
“Tôi có cô em gọi Thị Hường
Tóc mềm như nắng, mắt như gương,
Năm nay cô nó mười tám tuổi
Lắm gã trai làng dạ vấn vương
Nhưng ý em tôi: Chửa chọn người
Môi tròn vẫn nở đóa tinh khôi
Ngày vui nắng trải, mùa xuân ấm
Năm tháng ươm tơ dệt mộng đời…
Thày với u tôi tuổi đã già,
Tôi thì công tác mãi nơi xa
Ruộng vườn, mai mốt mình cô nó…
(Vì thế u tôi quý nhất nhà)
Ai hỏi-u tôi cũng chối rằng
-“Thưa bà, thưa bác (hoặc thưa ông)
Năm nay cháu nó còn bé lắm,
Hoàn cảnh nhà neo… việc ruộng đồng…
…Nhưng bỗng ngày kia có một người
(Trước cùng đơn vị vốn quen tôi)
Phục viên năm ngoái về sản xuất
Quyến luyến em tôi-định ngỏ lời…
Ngày trước u tôi vẫn mến thầm
Khen người hiền hậu lại siêng năng
Mỗi lần nhắc đến u tôi bảo
“Chả trách từng vào Vệ quốc quân…”
Nghe nói anh nay ở một mình
Lửa bom đã cướp mẹ thầy anh
U tôi lệ ứa hai tròng mắt
Bàn với thày tôi-định tán thành…
… Chiều ấy, em tôi quẩy mạ về
Vuốt làn tóc đẹp u tỉ tê:
Con là con gái vừa khôn lớn,
Có đám người ta định hỏi về…
Ý kiến thầy u thấy được rồi
Bây giờ còn đợi ý con thôi
Nhà neo, thôn xóm người ta giúp
Tao chỉ mong mày được đẹp đôi
Cô bé em tôi thẹn thẹn cười:
“Con còn nhỏ dại lắm(!) u ơi”…
(Thực ra cô nó và anh ấy
Đã hẹn hò nhau trước cả rồi!)”.
Bài thơ được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội
tháng 7-1958 - Tác giả Trần Phương Thùy (Tuy nhiên cho đến nay có nhiều ý kiến
cho rằng chưa tìm thấy tác giả). Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đất nước đã
dành được độc lập, nhiều bộ đội xuất ngũ về làng. Ngày ấy, đối với những cô gái
làng chẳng có hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ cho dù “ Nhiều gã
trai làng dạ vấn vương”. Đối với bậc cha mẹ thì những người đã vào Vệ quốc quân
sẽ là những người hiền hậu và siêng năng… Bộ đội thật sự là môi trường tốt. Bài
thơ cũng nói lên tình thương sâu nặng của người anh với cô em gái.
Và tôi
chợt nảy mấy câu thơ:
Có những
vần thơ theo ta suốt cuộc đời
Có những
tình người đọng lại mãi tháng năm…
Thay mặt
các bạn học sinh cấp 3 Bến tre K 74-77, Kính chúc cô Hiền mạnh khỏe, nhiều may
mắn và dành nhiều thời gian cho Trường cấp 3 bến tre. Học trò của cô luôn yêu
quý kính trọng các thầy cô.