28 tháng 6, 2015

TÌNH CA BAN MÊ (Phần 3)

Háo hức chờ đợi đi Tây Nguyên để được "ba cùng", được trở lại "cái tối ngủ đêm" đi đào hố trồng cây trong Ngọc Thanh thuở nào. Tung hứng mãi, lao xao chán, rồi tán nhau trên blog nhưng ở đời "cái thùng rỗng thường kêu to". Khi  nhận phòng nghỉ anh nào cũng đòi ở phòng máy lạnh thì đào đâu ra phòng to để được "ba cùng". Liều lĩnh duy nhất chỉ có anh chàng Trọng Hiền mặc dù đã được phân công ngủ cùng Thanh"bồng" nhưng tối đến cắp chăn gối bỏ lên phòng "ba cô" rải chăn nằm đất."dưới cơ các em". Sự thể đêm ấy ra sao chỉ có trời biết, đất biết và bốn vị trong phòng cùng biết mà thôi.
Năm giờ sáng ngày mùng 4 tháng 6, mọi người được khua dậy để thu dọn hành lý, lục tục kéo nhau xuống phòng lễ tân trả phòng. 6 giờ 05 phút, đoàn lên xe chạy về đường Lê Thánh Tông đến quán phở Tiến để ăn sáng. 6 giờ 35 Lân,Huyền rồi Hoa, Luân đi taxi đến nhập đoàn ( Luân, Hoa quyết định nghỉ một ngày để đi chơi cùng)

.Vì đêm hôm trước, sau khi ăn ở nhà Hoa - Luân, nhiều vị tự tách đoàn đánh lẻ đi chơi và thưởng thức cà phê Ban mê đêm nên sau khi ăn sáng, đoàn quyết định đi thưởng thức cà phê Ban Mê bù cho đêm hôm trước.
7 giờ 05,  xe dừng bánh trước cụm du lịch làng cà phê Trung Nguyên. tại ngã ba Lý Thái Tổ - Nguyễn Hữu Thọ.  Đây là cụm công trình với tổng diện tích 20.000 m2 được khánh thành tháng 12 năm 2008, với không gian kiến trúc độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc và không gian cà phê đặc sắc.. Sau khi lướt qua quầy thông tin, qua các rãy cà phê trồng 2 bên đường, đoàn dừng chụp ảnh ở khu nhà sàn và vách đá rồi vào khu thưởng thức cà phê ( một trong 5 khu chính của cụm du lịch làng cà phê)






8 giờ, đoàn rời làng cà phê Trung Nguyên lên xe đi ra ngã 6 thành phố chụp hình lưu niệm tại tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột. Sau khi chụp chung tại tượng đài, trong khi chờ mọi người chụp ảnh riêng, Thạch chia tay đoàn để ra kịp chuyến bay đi Hà nội. Nguyên, Bình cũng vội vã kéo Hoa đi mua nhẫn có gắn lông đuôi voi về làm quà



8 giờ 35 đoàn rời ngã 6, xe chạy theo đường quốc lộ 14 đi khu du lịch sinh thái thác Dray nur của công ty TNHH đầu tư du lịch Đăng Lê cách tây nam thành phố Buôn Ma Thuột 25 km. Thác Dray Nur là điểm du lịch đặc biệt thu hút với những ai yêu thích khám phá thiên nhiên.. là thác trung nguồn nằm trong hệ thống 3 thác( Gia long, Dray Nur, Dray Sáp) của sông Sê rê pok. Con sông được hình thành từ 2 con sông Krông A Na ( sông cái) và sông Krông Nô ( sông đực). Thác Dray nur có nghĩa là thác cái hay tên thông tuc gọi là thác vợ. Thác dài trên 250m, cao trên 30 m, trải rộng 150m là thác nước hùng vĩ nhất Tây Nguyên  Thác hơi tĩnh lặng về mùa khô nhưng dữ dội về mùa mưa Thác Dray Nur gắn liền với nhiều truyền thuyết của người dân nơi đây. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao tại thác Dray nur lại có tấm biển ghi "Huyền thoại Dray sáp", Sau mới nghĩ rằng: có lẽ tấm biển là lời mời gọi mọi người khi đến thăm thác Dray nur (thác vợ) hãy vượt cầu treo sang bên kia bờ ghé qua thăm thác Dray Sáp( thác chồng) nằm cách đó không xa. Khác với vẻ đẹp hào nhoáng và sôi động của người vợ, thác chồng tĩnh lặng cùng với màu xanh của đại ngàn. Người đời sau tin rằng nếu đôi tình nhân nào nắm tay nhau khỏa mình trong dòng nước của thác Dray Sáp, tình yêu của họ sẽ bền chặt mãi mãi. Có lẽ vì lí do này mà không thấy thành viên nào của 10c vượt qua cầu treo thăm thác Dray Sáp mà chỉ thấy có kẻ ngồi bên thác này trông đợi trong vô vọng chăng?





10 giờ 05, đoàn rời khu du lịch sinh thái thác Dray Nur đi theo quốc lộ 14 rẽ vào tỉnh lộ 2 về K rông a na nơi nhà Nhường ỏ (cách thành phố Ban Mê Thuột chừng 32km). 11 giờ 10, xe đến nhà Nhường. Trong nhà Hoa ( vợ Nhường) đang tất bật chuẩn bị bữa trưa cho đoàn. Sau màn chào hỏi làm quen trao và nhận quà kỷ niệm, mọi người ngồi vào mâm ngay vì thời gian còn lại của đoàn đã bị khống chế. Đang ăn, thật bất ngờ  khi thấy Hoa vợ Nhường nói có người nhờ  tặng hoa cho đoàn kèm phong bì có ghi người gửi/From : BA ZAN XANH, người nhận/To : Các anh chị "10c FAMILY". trong đó là một bài thơ chứa chan cảm xúc kèm theo lời chúc của Em gái CN ( Độc giả của 10cFAMILY#). Ai cũng đoán già đoán non của người này người kia. Mỗi người có biểu lộ cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng với tôi đây là niềm vui, hạnh phúc và là niềm tự hào của 10c Family khi đến đất Ban Mê này. Cảm ơn, cảm ơn tình cảm của Ba Zan Xanh - em gái CN đối với 10c Family cho dù chưa gặp mặt.

 Chuồng gà OGTN




12 giờ 30, sau khi " xin phép bà chủ" cho OGTN đi cùng. Đoàn lên xe trở về thành phố Buôn Ma Thuột để tiếp tục hành trình đi phố biển Nha Trang. 13 giờ10 xe đến trạm nghỉ chân bến xe phía nam Thành phố Buôn Ma Thuột, Hiền  chào tạm biệt đoàn xuống xe đi TP HCM để ngày hôm sau ra Hà nội.
13 giờ 30 xe đưa đoàn đến bến xe phía bắc thành phố Buôn Ma Thuột. Tại đây đoàn chia tay với chủ nhà Hoa -Luân và tách làm 3 nhóm, người ở lại thăm bạn, người ra Hà nội tiếp tục công việc, còn đoàn chính lên xe theo quốc lộ 26 xuống thành phố  biển Nha Trang.


LTS:  Hành trình đến Tây Nguyên năm 2015 của 10cF đã được thực hiện. Lời bài hát: Trường ca Bến tre đã được vang lên trên đất cao nguyên, nơi có cựu học sinh của trường cấp 3 Bến Tre sinh sống. Tiêu đề, nội dung và hình ảnh của 3 phần bài viết: Hành trình Ban Mê,Khoảng Khắc Ban Mê và Tình ca Ban Mê đã  phần nào nói lên những cung bậc cảm xúc của 10c F với bè bạn tại Ban Mê trong những ngày qua. Mọi thứ đều như chợt đến, chợt đi, ào ào như gió cuốn làm cho chính những người trong cuộc cũng không kịp hiểu ra điều gì đã sảy ra.Vui có, buồn có, trách móc cũng có nhưng tựu chung lại 10cF và bè bạn đã có được những kỷ niệm không thể nào quên về vùng đất cao nguyên xinh đẹp này. Xin Cảm ơn Hoa - Luân, Xin cảm ơn Nhường - Hoa, Xin cảm ơn BAZAN XANH với tất cả những gì các bạn đã giành cho 10cF .
 


20 tháng 6, 2015

KHOẢNH KHẮC BAN MÊ (Phần 2)

   
   
Người xưa nói cấm có sai:" Nhất quỷ - Nhì ma - Thứ Ba...học trò " nhưng tôi dám khẳng định rằng "hôm ấy...vào giờ đấy và ở nơi có cái nắng, có cái gió và rất nhiều cái đó..." Thì câu nói kia nhất định phải đổi thành: "10C thứ Nhất - Quỷ  đứng thứ Nhì - Ma mới thứ Ba..."
     Sau những giây phút xôn xao của "màn chào hỏi" 10g7 phút, xe chở đoàn rời phi trường Buôn Ma Thuột đi Buôn Đôn theo lịch trình. Trên xe, căn bệnh mất trật tự của học trò từ thuở nào bỗng trỗi dậy...giữa các hàng ghế tiếng chị em rì rầm to nhỏ, thỉnh thoảng lại cười phá lên...cánh đàn ông thì có vẻ trầm tĩnh hơn nhưng đã "thả" câu nào thì chết đinh câu đó theo kiểu "Nói ở Plây mà chết cây Sài Gòn"
     Xe chạy qua thành phố Buôn Ma Thuột chừng 50 km thì tới Buôn Đôn. Khi qua đường Nguyễn Thị Định, GNTQ đề xuất nguyện vọng không đi cùng đoàn để về trước gặp mẹ và chuẩn bị đón các bạn.
   
11 giờ 30, xe dừng tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn chi nhánh của công ty TNHH du lịch và khách sạn Biệt Điện. Trong khi chờ mua vé và hướng dẫn viên, các" nàng" tranh thủ tạo dáng trước biểu tượng của khu du lịch. 7 người nhìn đi ... 3 hướng nhưng ánh mắt ai cũng lấp lánh niềm vui và trên môi nở những nụ cười tươi tắn.


Từ trung tâm du lịch, đoàn lên xe cùng hướng dẫn viên vào thăm khu nhà mồ của vua săn voi Khuljunob và Rloknul. Đoàn được giới thiệu về phong tục mẫu hệ, lịch sử nhà mồ, lễ bỏ mả, ai được phép được đưa vào đây..... và vì sao dũng sỹ Ama Kông sau khi mất đi lại không đưa vào khu nhà mồ này. Mặc dù ông là người săn voi nhiều thứ 2 chỉ sau vua săn voi mà thôi.

    
 
    
Sau khi tham quan khu nhà mồ, đoàn đến thăm nhà sàn cổ của Vua Săn voi Khuljunob thuộc Buôn Trí A, Xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc, đây là một địa điểm mà bất cứ du khách nào khi đến Buôn Đôn cũng muốn thăm quan. Đó là ngôi nhà cổ 3 gian với lối kiến trúc của Lào, đầu hồi mái nhọn và cao vút, mái nhà lợp bằng gỗ cà chít, được khởi công ngày 7 tháng 10 năm 1883 và hoàn thành vào ngày 19 tháng 2 năm 1885. Với chi phí tương đương với 12 con voi đực có cặp ngà lớn
.

 
 12 giờ 30 đoàn lên xe trở về trung tâm du lịch Buôn Đôn. Đi qua hệ thống cầu treo làm bằng tre vào khu nhà sàn San Si. Bữa cơm trưa được bày ra, bình rượu cần lần lượt được di chuyển đến từng mâm để mọi người cùng thưởng thức hương vị của núi rừng Tây Nguyên. Khi tất cả đang ngất ngây trong "anh say ánh mắt, em say nụ cười" cũng là lúc anh chàng Thạch lôi ra 2 chai rượu Ama Kông có lẽ mua từ lúc vào thăm nhà cổ làm bữa trưa thêm  phần rôm rả.

   
Bữa trưa vui vẻ đã xong, mọi người thăm "sàn lên bành voi" nhưng chỉ có 9 người " đủ dũng khí" trèo lên "ngự" thử. Thời gian không dài, nhưng vẫn có người tranh thủ ngồi làm mẫu vẽ truyền thần, những nét vẽ vội vã cho kịp lịch trình của đoàn nên..." Giống thì có giống mỗi tội tuổi tác khác nhau".
 
     
Chia tay Buôn Đôn, đoàn trở về thành phố Buôn Mê Thuật, ghé thăm mẹ và gia đình GNTQ. Thay mặt đoàn, lớp trưởng 10Cf tặng bà và gia đình bức tranh làm kỷ niệm.... uống nước, nói chuyện, chụp ảnh chung với gia đình xong, đoàn xin phép ra về để lo chỗ ăn, chỗ nghỉ và chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo.


 Trời chiều bóng ngả về tây, cũng là lúc xe đưa đoàn đến check in Motel 555 tại 140/1 đường Giải phóng. Mọi người nhận phòng rồi tranh thủ  nghỉ ngơi để chuẩn bị cho các điểm đến tiếp theo và cả chương trình giao lưu buổi tối nữa
 
 18 giờ cả đoàn lục tục đi thăm quan Biệt điện Bảo Đại, vãn cảnh Chùa KHẢI ĐOAN rồi nhanh chóng trở ra để đến nhà Hoa - Luân


     18 giờ 45 xe tới trước nhà Đôi Mắt Playku, anh Luân đứng đón sẵn ở cửa bắt tay từng người. Cỗ bàn đã bày sẵn thực đơn đúng như lời mời của Đôi Mắt trên blog. Sau vài lời phát biểu, chúc tụng... buổi giao lưu diễn ra trong tình cảm thân mật và nồng ấm, giữa mảnh đất cao nguyên giai điệu vui tươi sôi nổi của Trường ca Bến Tre lại được ngân vang.
 
 
 
 
 Tiệc rượu kết thúc, mọi người rủ nhau đi thưởng thức cà phê Ban Mê ngay ngoài ngõ, có nhóm khua nhau đi ăn đặc sản Bún Đỏ và ngắm TP Buôn Ma Thuột về đêm... Không ồn ào, không tiện nghi xa xỉ như những khu Resort ở ngoài kia... Nhưng phố đêm bazan thực sự đong đầy những đam mê, quyến rũ...
 
 
 Một ngày bước chân đến cửa ngõ của thế giới cà phê, được tham quan, khám phá những sắc màu Tây Nguyên huyền bí, được hoà mình cùng thiên nhiên hoang dã, được gửi gắm những ước nguyện vào trời đất...ai cũng thấy vui vẻ và thích thú. Chỉ tiếc rằng thời gian gấp gáp quá, "Chẳng đủ để mà giận dỗi", chẳng đủ để tổ chức sinh hoạt lửa trại, để mà lắng nghe khúc nhạc rừng về đêm, để cảm nhận cái mà nhiều người vẫn đồn thổi về cái gọi là: "Đêm thấy ta là thác đổ"...
Đêm phố núi lòng lâng lâng cảm xúc, bỗng hồn thơ lại dội đến bất ngờ:
                                        "Mai anh về Ban Mê cùng em nhé
                                        Trong nắng gió ngút ngàn không tên gọi
                                        Ban Mê xanh giấu tình ta trong đó
                                        Mai anh về... Em có đợi anh không?"