Chuyện học, học thêm,ngoại khóa
*Bây giờ nhìn con, cháu đi học lỉnh kỉnh đủ thứ:giấy,vở, bút mực, máy tính và đủ loại sách giáo khoa với cái cặp nặng trịch mà thấy thời chúng mình học sao mà đơn giản thế: giấy,vở mua phân phối,giấy trắng ,đen có dòng hay không dòng kẻ có đủ cả. Sách giáo khoa mỗi môn học có 1,2 cuốn không có sách học thêm và nâng cao . SGK là những sách SGK từ những năm trước để lại,với SGK mới thì cũng ít thay đổi nội dung. Ngoài giờ lên lớp buổi sáng hay chiều là học sinh tự học ở nhà, ngày ấy có phong trào học tổ học nhóm nhưng đều là sự tự giác của các học sinh. Trường, lớp khuyến khích nhưng không can thiệp, nhà trường và các thầy cô đâu có dạy thêm, có chăng chỉ là những nhóm bồi dưỡng để đi dự thi học sinh giỏi cấp huyện,tỉnh do nhà trường tổ chức.Thời buổi khó khăn cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc. Cơm độn là chính thì với cái tuổi “ăn chưa no,lo chưa tới” với các bạn ở vùng nông thôn đã phải lo phụ giúp gia đình:trông em, chăn trâu, cắt cỏ…,với các bạn thuộc dân “cày đường nhựa” như bọn tôi cũng phải tìm cách phụ giúp gia đình như tìm chất đốt và làm các việc khác có thể (nhận việc làm thêm như: giũa huân,huy chương, quấn ống bấc bếp dầu, gấp hộp giấy…) vào buổi nghỉ học còn lại. Vì vậy việc học chỉ còn chủ yếu vào buổi tối. Tối về nhà với ngọn đèn dầu “lọ mực” bấc vải khói đen xì thì thời gian học có đáng là bao nên nhiều bạn do thi trượt, lớn tuổi, vì hoàn cảnh gia đình mà chỉ học hết cấp II rồi rẽ ngang bỏ học ở nhà làm lao động chính của gia đình,xin đi công nhân hay chờ vào bộ đội.Ngày học cấp III, tuy còn chiến tranh nhưng giặc mỹ thôi không leo thang ném bom ra miền bắc nữa nên bọn tôi được học tập trung,không phải đào hầm trú ẩn, mang mũ rơm và đặc biệt được tự do đi lại ban ngày mà không phải lo bom rơi đạn nổ. Mọi hoạt động của trường được tổ chức tốt hơn, các hiện tượng giở vở,quay cóp có sảy ra nhưng là hiện tượng cá biệt.Học sinh khá,giỏi được tuyên dương khen thưởng cuối năm không nhiều nhưng đều là thực chất không có hiện tượng chạy trường,chạy điểm để lên khá, giỏi hay để lên lớp. Với số lượng trường,và “mắt sàng” của thi tuyển vào cấp III, các trường đai học và trung cấp thời ấy “ mười thằng trèo, tới chín thằng rơi” thì nếu không có học lực khá thì khó lòng lọt được qua sàng tuyển chọn được kể cả chuyện “học tài, thi phận” ( lớp 10c hồi ấy đỗ đại học loạt đầu có được 4,5 người trên tổng sỹ số lớp), Vì vậy để phấn đấu thi vào một trường ĐH,trở thành một “inxtitut” và rồi trở thành một “indenher” là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của mỗi học sinh thời bấy giờ. Ra trường thời bao cấp được bố trí phân công công việc với hoài bão và ước mơ được dạy dỗ và hun đúc trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường và qua tác động tuyên truyền, phim ảnh nên hầu hết các “Indenher” ra trường đều chấp nhận đi bất cứ đâu,làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đâu có nhiều sự lựa chọn như bây giờ.
*Suốt 3 năm học cấp III ,Tôi nhớ không nhầm năm 1976 trường có tổ chức duy nhất một lần buổi học ngoại khóa đó là buổi nhà thơ Bùi Vợi lên nói chuyện thơ của nhà thơ trẻ Trần Đăng Khoa tại hội trường trong “thành đỏ” thị xã Phúc Yên,về sự nghi ngờ ban đầu tài năng thơ của thần đồng thơ trẻ các nhà thơ đã phải kiểm tra thực tế bằng đề tài tại chỗ để Trần Đăng Khoa không có thời gian chuẩn bị,nếu gian đối là “lòi cái đuôi ngay” như các nhà thơ chỉ ảnh Bác Hồ đang treo tại nhà Trần Đăng Khoa ra đề, thần đồng đã có bài “Ảnh Bác” năm1966, Sông Kinh thầy có bài “Bên sông Kinh Thầy” năm 1966,và con chó tên Vàng nhà Trần Đăng Khoa do bom mỹ thả sợ quá chạy mất Trần Đăng Khoa có bài “Sao không về Vàng ơi” năm1967. Làm mọi người đều “tâm phục khẩu phục” ( Năm 1972 khi nhà tôi đang ở Phủ Lỗ tôi đã được nghe bài “Cháu nặn thằng Ních Xơn” của Trần Đăng Khoa qua vô tuyến THVN). Nhà thơ Bùi Vợi còn kể năm 1976 có một em học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh sau khi đọc thơ Trần Đăng Khoa đã viết thư khen và khuyên “em Khoa” nhớ chăm đánh răng, rửa mặt để khỏi bị đau răng,đau mắt viết nhiều thơ hay. Ô hô! đấy mới thấy sự trẻ con, nhầm lẫn về không gian và thời gian ra đời của tập thơ của “em Khoa” bởi lúc đó “em Khoa“ đã trở thành “chú bộ đội hải quân” và sau này có bài thơ hay viết về người lính hải quân được phổ thành bài hát “Chút thơ tình của người lính biển”.
Hoa bưởi
( Trần Đăng Khoa.1970)
Đêm qua hoa rụng cánh rồi
Sớm nay cái cuống đã chồi quả non
Hoa rơi trắng mảnh sân con
Ôi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương
Kí ức thời gian
*HN.25.1.2013
*HN.25.1.2013